Tất cả những ai đam mê bộ môn nghệ thuật vẽ Graffiti đều biết, sân chơi để các bạn được tự do vẽ, sáng tác nghệ thuật này tại Việt Nam khá hạn hẹp. Vì thế mà hầu hết những người thích vẽ graffiti hay vẽ tranh đường phố vẫn đang loay hoay tìm chỗ thích hợp để thể hiện khả năng và thỏa niềm đam mê cháy bỏng này....
Graffiti xuất hiện đã lâu nhưng chưa bao giờ cũ
Graffiti đã xuất hiện ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung khoảng chục năm nay cùng với cơn lốc rap, hip-hop và break dance. Đối với người yêu Graffiti thì đây chính là nghệ thuật thể hiện cái “tôi”. Bằng những bình sơn phun và trí tưởng tượng phong phú, người chơi Graffiti sẽ vẽ các bức tường với những họa tiết đa dạng từ đơn giản đến phức tạp, có màu sắc vui nhộn, hình thù độc đáo hoặc kỳ lạ…
|
Hiệu ứng từ 3D luôn mang đến những cảm nhận thú vị |
Không phải ai cũng có thể vẽ được những tác phẩm Graffiti đẹp, vì người vẽ cần phải có rất nhiều yếu tố nghệ thuật và khéo léo. Các bức tranh Graffiti có thể được vẽ tùy vào tâm trạng và ngẫu hứng của tác giả.
Đồ nghề để vẽ Graffiti không khó: mặt nạ chống hơi độc hoặc khẩu trang, sơn xịt, có thể thêm bút chì, gôm, thước dây... Một bình xịt đạt yêu cầu khoảng 17.000 - 25.000 đồng. Một lọ chỉ xịt đối đa được khoảng 2m2, Cố gắng lắm cũng chỉ được 3m2 nếu chấp nhận tình trạng màu nhạt. Nhưng cái quan trọng là một bức tường để vẽ thì đúng là niềm mơ ước xa xỉ.
“Mê Graffiti quá nên mình chịu khó đi mời từng người có cùng sở thích, họp lại rồi quyết định lập nhóm. Ban đầu chỉ lèo tèo vài người, bây giờ cũng được 20 thành viên rồi. Rất may là một thành viên trong nhóm có một căn nhà “free”. Rủ nhau mở tiệm net và đây cũng là trụ sở chính của nhóm” - Linh , một nhân vật khá tài năng và nổi danh trong giới Graffiti tâm sự.
Bạn còn cho biết, bộ môn này có đến 1.001 lý do dẫn các bạn trẻ tới niềm đam mê nó. Trong nhóm từng có bạn là dân học công nghệ thông tin, vì lướt web nhiều, xuýt xoa trước những bức vẽ Graffiti “tuyệt đỉnh” mà sắm mặt nạ phòng độc, sơn xịt và luyện Graffiti. Hay cũng có cô bé học lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh lại đến với nhóm vẽ Graffiti là do người bạn “rủ rê” đến khi đam mê “không rứt ra được”. Họ tìm thấy ở Graffiti sự phá cách, tự do mà đầy quyến rũ!
Dân vẽ a-ma-tơ cũng như dân mỹ thuật, kiến trúc... được đào tạo bài bản đều có thể tìm thấy “đất” của mình bởi các dòng Graffiti rất phong phú: từ những phong cách đơn giản và phóng khoáng như “sáng tác” những chữ ký của mình bằng các phong cách “tag style - chữ ký chủ nhân”, “throw up - tăng thêm độ dày cho các chữ cái”, “simple style - phong cách đơn giản”,... cho đến trau chuốt, công phu như 3D style....
Đẹp thì có đẹp, nhưng...
Graffiti hiện ngày càng trở nên quen thuộc, phổ biến hơn bởi nó gần như có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi... Tuy nhiên, Graffiti vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế, trong đó quan trọng nhất vẫn là địa điểm dành cho các “nghệ sĩ” Graffiti được phép trổ tài, thể hiện. Mang tâm lý “thiếu gì tìm đấy”, nhiều bạn buộc lòng phải đi khắp nơi tìm địa điểm rộng rãi để được vẽ.
Hiện, “sân khấu” của họ hầu như đều là những nơi ít người như chung cư cũ, các công trình bỏ hoang, tường bao công cộng, phổ biến hơn là tại các tấm tôn quây khu vực công trường và đôi khi là cả cửa tôn kéo của các cửa hàng khi đêm xuống,.... Nhưng những địa điểm như thế không phải lúc nào cũng có để đáp ứng nhu cầu muốn vẽ và được vẽ của rất đông các bạn trẻ yêu thích Graffiti.
Mặc dù ngày càng có nhiều câu lạc bộ, hội nhóm, cuộc thi được tạo ra nhằm tạo điều kiện cho các bạn có sân thể hiện tài năng và cọ xát, song đó cũng chỉ là những sân chơi thỉnh thoảng mới được tổ chức một lần. Vậy nên bình thường có thể luyện tập, thể hiện ở đâu mà không gây mất vẻ mỹ quan, đó mới thật sự là vấn đề!
Những bức vẽ theo phong cách này luôn được chọn phơi bày tại những địa điểm công cộng, thu hút được sự chú ý của nhiều người như: tường nhà, cổng trường, đường phố, bến xe buýt, sân chơi công cộng,... Phải thừa nhận có nhiều “tác phẩm” màu sắc rất bắt mắt, sự tỉ mỉ thể hiện rõ qua những đường nét, khối chữ, chứng tỏ chủ nhân của những tác phẩm “hội họa đường phố” cũng lắm công phu. Đôi khi các bức tranh này với nhiều họa tiết vui nhộn còn được dùng để trang trí tường tại một số nơi và được một bộ phận người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tạo điều kiện và chấp nhận thú vui được du nhập từ nước ngoài này của các bạn trẻ. Trên một số tuyến đường trong thành phố, những bức Graffiti đã trở thành nỗi nhức nhối của người dân xung quanh. Bên cạnh những bức tranh được người dân cho phép vẽ lên tường, hiện nay cũng tồn tại khá nhiều những bức Graffiti được vẽ một cách tùy tiện và lén lút.
Từ những con đường nhỏ hẹp đến những đường phố khu trung tâm, bất cứ nơi nào có tường trống đều có thể trở thành “nạn nhân” của những bức Graffiti nguệch ngoạc, lem nhem, thậm chí không có giá trị thẩm mỹ khi đặt ở nơi công cộng.
Theo Trí, một trong những người “anh cả” của nghệ thuật này ở Hà thành, thời gian qua, những bạn trẻ thiếu ý thức, vô trách nhiệm và... non tay đã vẽ trộm lên tường, lên cửa khiến nhiều người ác cảm với Graffiti. “Vẽ trộm trong khoảng thời gian ngắn thì bức vẽ trông rất xấu, trong khi một bức tử tế phải ngốn ít nhất 4, 5 tiếng đồng hồ. Tốn tiền sơn, rồi lại bị người ta nhanh chóng xóa, người ta thêm bực mình thì vẽ để làm gì chứ?” - Trí bức xúc.
Như các anh, thuở mới thành lập, để giải phóng cơn “ghiền vẽ” và luyện cho lên tay, họ thường kiếm những bức tường ở khu đang giải tỏa, có vẻ như sắp bị phá bỏ, hỏi chủ và... xin vẽ. “Bao công sức, tiền bạc mình bỏ ra cho bức vẽ, để rồi bị đập bỏ. Nhưng tìm được tường để vẽ đã là may lắm rồi vì Graffiti chỉ đúng nghĩa khi nó được vẽ chăm chút, tỉ mỉ với tường và sơn xịt!” - Kiên, một thành viên tâm sự.
|
Đôi khi bức tường quen thuộc trở nên lạ lẫm sau một đêm |
Graffiti... ra tiền
Thời gian gần đây, một số shop ở Hà Nội cuốn hút giới trẻ nhờ phong cách trang trí rất bắt mắt từ Graffiti. Vì thế mà nhiều Graffit-er không còn “tấn công” trộm các bức tường nữa mà chuyển sang sáng tác các mẫu Graffiti trên áo phông, giày, mũ, khăn... theo đặt hàng của dân hip-hop. Nhiều nhóm còn được tin tưởng giao nhiệm vụ trang trí phông nền cho các chương trình ca nhạc, cửa hàng thời trang hay khu nhà hàng muốn làm mới phong cách. Mỗi lần như thế, với những “họa sĩ đường phố” là cơ hội để thỏa chí vẫy... bình xịt.
“Vẽ như thế mới gọi là vẽ! Được vẽ tường, được sáng tạo, được làm đẹp, được chiêm ngưỡng lâu dài mà lại được tiền nữa chứ!” - Tuấn, một “tay xịt gạo cội” phấn khích thổ lộ. Như nhóm của Linh đã bắt đầu “làm ăn” được, tháng nào cũng có khách là thành viên của các lớp cuối cấp đặt vẽ mẫu để in lên áo phông làm kỷ niệm, đôi khi chỉ là vài đôi giày của các bạn đam mê hip-hop đặt hàng qua diễn đàn trên mạng Internet. Khi có thời gian, Linh lại lôi mấy đôi giày của “khách” ra bôi bôi, vẽ vẽ rất tỉ mẩn và chu đáo, đảm bảo “bền - đẹp - giao hàng đúng hẹn”.
Graffiti là một môn nghệ thuật đường phố mang đậm phong cách phương tây được giới trẻ đón chào khá rầm rộ. Chính vì thế đôi khi đang sáng tác mà bị người lớn phát hiện, đuổi mắng hay cảnh cáo khiến các bạn chạy tán loạn nhưng vẫn... sướng. Nghệ thuật và niềm đam mê này khá hiện đại, độc đáo lại cá tính, nghiễm nhiên tạo ra một sức hút lạ kỳ.
Có lẽ cũng chính vì điều đó khiến nhiều nơi trên thế giới gọi Graffiti là “Nghệ thuật tội lỗi”. Nhưng xét cho cùng, nghệ thuật thì không có lỗi, mà lỗi là ở phía người chơi nghệ thuật đó. Graffiti cũng vậy, cách thỏa mãn đam mê này của giới trẻ sẽ tự tìm cho mình câu trả lời…
Theo Hạnh Lê - Đỗ Ánh (Pháp Luật Việt Nam)