|
Pokémon gây bão
Ngay từ khi Pokémon Go lần đầu xuất hiện tại một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc và chưa được phát hành tại Việt Nam, trò chơi này đã tạo “sóng” trong giới trẻ Việt. Làn sóng Pokémon càng trở nên sôi sục khi ứng dụng này chính thức được cung cấp tại thị trường Việt Nam (ngày 6/8). Nhiều người mang điện thoại đến các địa điểm công cộng, để phục, định vị trí, săn tìm quái thú ảo. Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Vũ, chùa Cát Linh… là những địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Từ khi gia nhập đội “thợ săn” Pokémon, T.M.Linh (29 tuổi, Hà Nội) cho biết, đường từ nhà đến cơ quan xa hơn. “Bình thường đi chỉ 20 phút, nay có khi mất cả tiếng đồng hồ. Di chuyển bằng xe máy mình cũng tranh thủ cầm điện thoại trên tay để săn và ấp trứng Pokémon. Khi phát hiện ra Pokémon là vừa đi vừa ném bóng bắt, nhưng thường dừng xe lại bắt cho chính xác và đỡ phí bóng”, Linh chia sẻ.
Theo chân Linh đi bắt Pokémon, chúng tôi còn gặp trường hợp một bạn nữ trẻ tuổi dừng xe máy ở lòng đường tại đình Xuân Biểu (phố Sơn Tây, Ba Đình) bất chấp khu vực không có đèn điện. Khi có người lại gần, bạn nữ này mới giật mình, vội tắt trò chơi và lái xe đi tiếp.
Trong ngày đầu tuần 8/8, cơn sốt bắt Pokémon tiếp tục gia tăng. Theo ghi nhận, 15h30 tại khu vực Hồ Gươm, có hàng chục tốp người đứng chơi hoặc dừng xe máy bên lề đường để bắt Pokémon. Để bám trụ lâu tại điểm tập trung nhiều Pokémon, các game thủ còn chuẩn bị sạc pin dự phòng cho điện thoại. Bất chấp nắng trưa gay gắt, L.N.Hưng và N.Q.Hoàng (SN 1990, làm nghề ship hàng, trú tại Ngã Tư Sở) lên Hồ Gươm từ lúc 11h.
“Nay bọn mình ăn cơm sớm, vừa đi dạo vừa bắt thêm Pokémon. Pin điện thoại mình cũng khỏe, cùng với sạc dự phòng mang theo chắc ngồi được đến 17h mới về”. Ngồi xem Hưng bắt được quái thú, Hoàng không khỏi tiếc nuối vì máy hết pin, nhất là khi xuất hiện những Pokémon có cấp độ cao.
Hưng cho biết: “Bọn mình thường đi cùng nhau săn Pokémon, người lái xe, người kia làm nhiệm vụ bắt quái thú khi phát hiện trên đường”. Hưng cho biết, đi săn một mình không hiệu quả bằng đi hai người và kể, “tối qua đi săn một mình, đi chưa đầy 30 phút mà mình phải dừng tới hơn 25 lần để check địa điểm, dừng ném bóng mà chỉ bắt được mỗi 10 Pokémon”.
Cùng ngồi săn Pokémon, Hưng và Hoàng còn có P.M.Cường (SN 1993, công nhân nhà máy SamSung) bắt xe từ chỗ trọ trên đường Ngã Tư Vọng. Cường cho hay, tranh thủ ngày được nghỉ để “ấp trứng” Pokémon. Cường cho hay, quanh Hồ Gươm có nhiều người chơi và thay nhau “thả thính” gọi Pokémon đến nên có nhiều cơ hội bắt được quái thú và tăng level (cấp độ) hơn.
Ngoài ra, còn rất nhiều bạn trẻ khác tụ tập bên bờ hồ hoặc đi đi lại lại, mắt tập trung vào màn hình điện thoại và tay thì liên tục lướt…Trên mạng xã hội liên tiếp có các hình ảnh săn bắt quái thú tại quán trà đá, quán cơm và đi trên đường… L.V.Việt (29 tuổi, Hà Nội) trong giờ nghỉ trưa ăn cơm trên đường Nguyễn Du cũng đã bắt được hai Pokémon.
Nhiều bạn trẻ chú mục vào điện thoại để bắt Pokémon. Ảnh: Xuân Tùng. |
Nhiều ẩn họa
Thao tác ném bóng là hành động khiến game thủ thích nhất khi chơi Pokémon Go. Cũng vì điều này, Thành (sinh viên ĐH Giao thông vận tải) mất toi chiếc Iphone 6. Thành kể: “Cuối tuần vừa rồi mình đi quanh hồ Thủ Lệ để bắt Pokémon. Thấy một con Pokémon xuất hiện trong màn hình điện thoại nhưng được lồng vào khung cảnh thật bên ngoài đang đậu trên mặt nước. Thay vì vuốt ngón tay trên màn hình để ném bóng thu phục, mình lại thẳng tay ném điện thoại vào con Pokémon hiện ở phía trước. Ném xong giật mình nhận ra điện thoại đã chìm”.
Để bắt được những con Pokémon ma, nhóm 5 người của Đặng Hải (23 tuổi, Trung Hòa, Cầu Giấy) đã lập kế hoạch đi bắt Pokémon tại nghĩa trang Trung Kính Thượng (Cầu Giấy, Hà Nội). Hải chia sẻ: “Tại nghĩa trang nhóm mình thấy Pokémon hiếm nên rất tò mò, thích thú. Dù hơi lạnh người với những bụi rậm, ngôi mộ, nhưng điều khiến mình không bao giờ dám quay lại nghĩa trang để bắt Pokémon khi có một bạn suýt bị rơi xuống hố huyệt được đào sẵn để chuẩn bị cải mộ. Nhóm mình sợ hãi chạy ra khỏi nghĩa trang luôn”.
Bên cạnh đó, sử dụng phiên bản hack, người chơi còn mất thời gian và công sức để khắc phục lỗi. Trên Fanpage “Pokemon Go Việt Nam”, nhiều thành viên liên tục đăng tải các câu hỏi về lỗi không thể cài đặt, nhân vật bị treo hay không ném được bóng, không tìm thấy Pokémon… Trên trang này, nickname Lệ Rơi Cửa Phật băn khoăn: “Mình hiện là du học sinh Nhật Bản và đang chơi Pokémon bằng app của Nhật. Sau khi cập nhật phiên bản mới thì mọi dữ liệu đều bị mất…”.
Nói thêm về nguy cơ nhiễm mã độc này, ông Ngô Anh Tuấn – Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết: “Việc tải và sử dụng các ứng dụng không rõ nguồn gốc và không phải từ những kho chia sẻ chính thống, điện thoại của người dùng dễ bị nhiễm các mã độc do hacker phát tán để đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân quan trọng, thậm chí chiếm đoạt quyền sử dụng các tài khoản dịch vụ như Facebook, gmail, internet banking hoặc theo dõi tin nhắn, ghi âm các cuộc gọi”.
Trò chơi ảo tương tác thực tế Pokémon tạo cơn “địa chấn” trong game thủ. |
Dễ gây nghiện
Trao đổi với PV, PGS.TS Vũ Lệ Hoa, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Pokémon Go có tính hấp dẫn rất cao, dễ gây nghiện. Chơi nhiều có thể ảnh hưởng về mặt tâm lý như gây căng thẳng thần kinh nếu không thỏa mãn được yêu cầu của game, từ đó tăng sự ham muốn chinh phục bằng được thử thách trong game. Khi quá sức chịu đựng của hệ thần kinh tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thể chất. Điều đó làm cho con người trở nên cáu giận, khó kiểm soát được hành vi của mình.
Theo PGS.TS Vũ Lệ Hoa, Pokémon Go là game thực tế ảo được lồng với khung cảnh đời sống thực. Khi không gian ảo lấn át không gian thực xung quanh sẽ khiến cho người chơi có tâm lý hoang tưởng, và không còn ý thức về không gian hiện thực.
PGS.TS Vũ Lệ Hoa cũng cho rằng, không thể phủ nhận những mặt tích cực mà trò chơi này mang lại. Pokémon Go yêu cầu người dùng bước chân ra đường để đi tới chỗ này chỗ kia, thu phục những con Pokémon. Đây là cơ hội để bạn vận động cơ thể, khám phá cả khu phố và gặp gỡ mọi người thay vì ngồi thụ động một chỗ.
Chính điều này có tác dụng tốt với những ai bị chứng trầm cảm, vì đây là động lực khiến họ phải bước chân ra khỏi nhà. Hơn nữa, do game có yêu cầu là tìm và bắt nên có thể kích thích khả năng tìm tòi của người chơi. Đồng thời kích thích sự phát triển của não bộ và khả năng tính toán ước lượng khoảng cách, khả năng định vị, khả năng quan sát.
“Pokémon Go có tính hấp dẫn rất cao, chứa nhiều thách thức, dễ gây nghiện. Chơi nhiều có thể ảnh hưởng về mặt tâm lý như gây căng thẳng thần kinh nếu không thỏa mãn được yêu cầu của game, từ đó tăng sự ham muốn chinh phục bằng được thử thách trong game. Khi quá sức chịu đựng của hệ thần kinh tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thể chất. Điều đó làm cho con người trở nên cáu giận, khó kiểm soát được hành vi của mình”. PGS.TS Vũ Lệ Hoa, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
Trò chơi Pokémon đặt ra nhiều vấn đề về quản lý Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Cục này cũng đã nắm bắt được các thông tin về trò chơi Pokémon đang lan truyền khá nhanh trong giới trẻ Việt Nam. Đây là game cung cấp trên mạng internet và không hề được cấp phép tại Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với một số cơ quan chức năng để tìm giải pháp quản lý trò chơi này. “Chặn thì không chặn được vì người dùng download từ trên mạng internet tương đối dễ dàng. Chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu đưa ra khuyến cáo, tuyên truyền cho người chơi Pokémon. Với những nhà cung cấp dịch vụ nhưng không đặt máy chủ ở trong nước thì rất khó quản lý. Trò chơi này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề về quản lý”. Vị đại diện Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nói. Được biết, một số cơ quan chức năng đang nghiên cứu quản lý các trò chơi này từ góc độ an ninh, trật tự… Tuấn Minh |