Nhiều người trẻ thừa nhận, họ từng có đôi lần vứt rác ngoài đường, nói bậy nơi công cộng, thậm chí nhổ kẹo cao su bừa bãi.
"Có lần đi thang máy tại một trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, tôi thấy nhóm bạn trẻ vô tư cười nói, thậm chí chửi bậy mà không để tâm tới người bên cạnh", anh Thanh Hải ngao ngán lắc đầu kể lại.
Không ít người gặp trường hợp tương tự anh Hải. Bạn Thu Hương (sống tại Hà Nội) chia sẻ, nhiều lần đi thang máy, cửa vừa mở, chưa kịp bước ra, những người đứng ngoài đã ồ ạt tiến vào. "Mình thấy rất mất lịch sự và khó chịu nhưng có vẻ họ cho đó là bình thường”, Thu Hương nói.
Cô gái này chia sẻ, hãy tưởng tượng bạn ngồi tại một quán cà phê để thưởng thức bản nhạc yêu thích. Những người ngồi bàn bên cạnh vô tư cười nói rất to, chửi bậy. Bạn sẽ cảm thấy thế nào?
"Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"
Thể hiện sự văn minh, văn hóa nơi công cộng là điều chúng ta "hô vang" hàng ngày. Thế nhưng, không phải người trẻ nào cũng làm được như đã nói.
|
Giới trẻ vô tư giẫm đạp lên vườn hoa ở Hồ Gươm, khiến nơi đây bỗng chốc biến thành bãi đất trống. Ảnh: Anh Tuấn. |
Tranh giành khi lên xe buýt, lao vào thang máy chiếm chỗ, không xếp hàng nơi công cộng, khạc nhổ bừa bãi, ầm ĩ chỗ đông người, vi phạm luật giao thông... Đó là hành động của không ít người trẻ hiện nay.
Gần đây, câu chuyện một số bạn vô tư vẽ bậy lên bia đá di tích lịch sử trên Núi Bài Thơ, Quảng Ninh lại làm dấy lên bàn luận về ý thức nơi công cộng.
Trước đó, trong chương trình Countdown chào năm mới 2016 tại Hồ Gươm (Hà Nội), nhiều người vô tư xả rác, giẫm đạp lên các bồn hoa ven hồ. Một số thanh niên trèo lên các cây lớn để... tạo dáng chụp ảnh. Ngoài ra, không ít người xả rác bừa bãi, vứt túi nilon, vỏ chai xuống ngay chỗ ngồi, thay vì đem đến thùng rác gần đó.
Cũng chính người trẻ vô tư giẫm nát hoa ở thung lũng Hồ Tây, thậm chí phá hoại cánh đồng hoa hướng dương ở Nghệ An không thương tiếc.
Sự việc tương tự xảy ra với những cánh đồng hoa tam giác mạch tại Hà Giang. Chỉ vì muốn có những bức hình đẹp, "nam thanh nữ tú" đã phá hỏng công sức trồng trọt, chăm sóc của chủ vườn.
Ý thức đáng lên án của một bộ phận giới trẻ còn gắn với hai từ "miễn phí". Ngày 19/4/2015, cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh nhiều người vượt rào vào Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) chỉ vì muốn được vui chơi miễn phí.
Do quá tải, đại diện công ty đã thông báo ngừng đón khách nhưng "dòng người" vẫn cố tình trèo qua cổng. Trong số đó, có nhiều người rất trẻ.
Một thời gian, "miễn phí" trở thành từ khóa đáng sợ. Nhiều người hài hước nói trên mạng xã hội rằng ở đâu có miễn phí, ở đó có... người trẻ. Họ đang tự làm xấu mình nơi công cộng.
Những cảnh tượng nói trên nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ phía cộng đồng mạng. Thành viên Thanh Mai chia sẻ: "Cứ mỗi lần có chương trình kỷ niệm là lại diễn ra cảnh tượng người người chen nhau, vứt rác bừa bãi. Cuộc sống thủ đô mà không văn minh tí nào".
"Những hành vi xấu ảnh hưởng các di tích, bôi nhọ danh dự người khác cần phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ, như vậy mới có tính răn đe" - nickname N.M chia sẻ khi chứng kiến những hình ảnh kém văn minh của các bạn trẻ tại một số điểm tham quan di tích, lịch sử.
Vấn đề mấu chốt là nhận thức
Chứng kiến người trẻ vô tư ôm ấp, âu yếm nhau tới mức phản cảm ngoài đường, nhiều người ngao ngán thốt lên: "Không phải công dân thủ đô, mình vẫn thấy hổ thẹn cho hành động của một số bạn. Họ ăn mặc đẹp nhưng ý thức kém quá".
Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều bạn trẻ hay lên tiếng chê bai hành động của người khác, nhưng lại không ý thức được việc mình làm gây khó chịu cho người xung quanh.
Nữ tiến sĩ nêu thực tế, nhiều người nói tục, chửi bậy nơi công cộng nhưng vẫn cho mình quyền "ném đá" người khác là thiếu văn hóa khác. Vấn đề mấu chốt chính là nhận thức. Các bạn trẻ ngày càng tây hóa nhưng lại chưa có nền tảng để hiểu được khái niệm đúng đắn về việc này.
"Học sinh được nhà trường giáo dục chủ yếu về kiến thức văn hóa mà không được chỉ bảo đầy đủ cách hành xử với người khác. Đôi khi, các bạn có hành động như vậy không phải vì muốn thể hiện, mà vì không nhận thức đầy đủ", bà Hương nói.
|
Nhóm bạn trẻ này viết bậy lên bia đá di tích lịch sử trên Núi Bài Thơ. Ảnh: Trần Văn Long. |
Đồng quan điểm với tiến sĩ Thu Hương, nhà báo Hoàng Minh Trí cho rằng, một số bạn trẻ có hành động chưa thật sự văn minh nơi công cộng là do thiếu sót về mặt nhận thức. Họ chưa hẳn là người vô văn hóa hay vô ý thức như mọi người nói.
Một số người hành động như bản năng, bởi họ không được chỉ bảo, chưa nhận thức đầy đủ về văn minh, lịch sự.
Theo nhà báo Minh Trí, chúng ta có thể lên án nhưng nên mềm mại. Phương pháp tuyên truyền để một số bạn trẻ nhận thức được vấn đề là điều kiện tiên quyết giúp hình thành văn hóa nơi công cộng của mỗi cá nhân.
>> Tự làm mình xấu xí vì thói quen chửi đổng
>> "Chỉ người vô ý thức mới giẫm đạp lên hoa" Theo Hàn Triệt (Zing.vn)