Trong đời, hẳn bạn đã từng ít nhất 1 lần gặp phải người viết tay trái, ăn tay trái, làm mọi việc bằng tay trái. Cũng có thể bạn là 1 người thuận tay trái cho đến khi bị người lớn nhắc nhở hay thậm chí khẻ vào tay để đổi bút sang tay bên kia. Dù không có bất kỳ cơ sở khoa học nào chứng minh viết tay trái ảnh hưởng tới sự phát triển của con người, thậm chí nhiều nhà lãnh đạo, doanh nhân kiệt xuất cũng thuận tay trái nhưng hiếm cha mẹ nào muốn con mình viết ngược tay với số đông.
Kỷ lục gia trí nhớ đồng thời cũng là giám khảo Siêu Trí Tuệ Việt Nam Dương Anh Vũ cũng là một người thuận tay trái. Anh lớn lên cùng ký ức về việc mình bị kỳ thị chỉ vì lý do trên. Mới đây trên trang cá nhân, anh tự bộc bạch về những khó khăn khi từng là một đứa trẻ ăn, viết, làm việc bằng tay trái và nhận được nhiều sự quan tâm.
Người thuận tay trái dễ bị "kỳ thị" vì "khác người"
Anh tâm sự mình từng bị tẩy chay, ghét bỏ, thậm chí khi kết quả học tập kém cũng bị đổ thừa là do viết tay trái. Cho đến một ngày, khi anh xuất hiện trên sóng truyền hình và báo chí thì mọi người lại hô hào về anh và lại cho rằng: "mấy đứa viết tay trái giỏi lắm!".
Dương Anh Vũ cho thấy 1 sự phi lý ở đây: "Khi còn bé, nếu viết tay trái thì bị bố mẹ khẻ, đến lớp thì bị thầy cô ép phải viết tay phải, nhưng khi gặp một người tài năng hay thành đạt viết tay trái thì lại trầm trồ bảo rằng: 'mấy người viết tay trái họ rất giỏi'... Vậy hóa ra chẳng có bậc phụ huynh nào muốn con cái mình giỏi cả, vì phần lớn cấm con cái mình viết tay trái mà?".
Anh kể về những "uất ức" khi thuận tay trái như bị bạn bè ghét bỏ vì viết tay trái che hết bài vở để bạn chẳng copy được gì, ăn cơm phải ngồi sao cho không đụng tay người kế bên, đi học viết bài hay va phải tay của đứa ngồi bên, mới đi học tiểu học thì bị khẻ tay,...
Anh cho biết, theo nhiều nguồn thống kê độc lập thì tỷ lệ người thuận tay trái chỉ chiếm 1/10 dân số thế giới, tưởng là ít, nhưng trên thực tế nó tương đương với 760.000.000 người - nhiều hơn cả dân số của 43 quốc gia châu Âu cộng lại. Anh Vũ tin rằng nếu các nền giáo dục và các bậc phụ huynh tôn trọng sự phát triển tự nhiên, không bắt ép và cưỡng chế trẻ con đổi sang tay phải thì số lượng người thuận tay trái nó còn nhiều hơn nữa, có thể rơi vào con số từ 1,2-1,5 tỷ người.
Anh chỉ ra, việc kỳ thị người thuận tay trái tồn tại dường như trong tất cả các nền văn hoá, điển hình nhất là ở mặt ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, chữ "phải" đồng nghĩa với "đúng", "trúng", "thuận", "đồng ý" còn chữ "trái" có nghĩa là "sai", "ngược ý", "trật lất". Những ngôn ngữ khác cũng thế: trong tiếng Anh "right"; tiếng Đức, tiếng Hà Lan "recht"… có nghĩa là "đúng"; tiếng Pháp "droit" có nghĩa là "phải", "quyền lợi",...
Những người thuận tay trái không tầm thường
Về mặt khoa học, giám khảo Siêu Trí Tuệ Việt Nam đã phân tích một cách kỹ càng để cho thấy thuận tay trái không có gì sai. Trích lược phần phân tích của anh như sau:
Người lớn cứ nghĩ rằng, trẻ con thuận tay trái có nghĩa là đi ngược với quy luật tự nhiên, các vị sai rồi, nếu các vị cấm con cái mình thuận tay trái thì đó mới là trái với quy luật tự nhiên. Theo nghiên cứu, việc thuận tay trái của trẻ được phát hiện ra từ khi chúng còn ở hình thái bào thai trong bụng mẹ, nên thuận tay trái hay tay phải nó mang yếu tố bẩm sinh rất cao. Việc thuận tay trái hay tay phải không chỉ đơn thuần là viết hay cầm nắm đồ vật hàng ngày, mà nó còn thể hiện và ảnh hưởng trực tiếp lên cấu trúc của bộ não, theo đúng quy luật thì: tay trái tác động đến não phải và tay phải thì tác động đến não trái, có nghĩa là người thuận tay trái sẽ có bán cầu não phải phát triển, và ngược lại người thuận tay phải thì bán cầu não trái sẽ phát triển. Cho nên việc ép một đứa trẻ từ bỏ tay thuận cũng tương đương với việc tước bỏ tài năng bẩm sinh của chúng.
Tạp chí Scientific American đã công bố: Các nghiên cứu ở Anh, Mỹ và Úc tiết lộ rằng người thuận tay trái thường khác người thuận tay phải ở chỉ số IQ, điều đáng chú ý là bộ não của người thuận tay trái có cấu trúc khác so với người thuận tay phải. Điều này khiến cho người thuận tay trái xử lý ngôn ngữ, quan hệ không gian và cảm xúc theo những cách đa dạng hơn và có tiềm năng sáng tạo tốt hơn. Vì thế chúng ta không hề thấy khó hiểu khi những người thuận tay trái như Julius Caesar, Napoleon, Bill Clinton, Barack Obama, Fidel Castro… đều là những người hùng biện và thuyết trình rất giỏi.
Năm 1971, Richard Charles Oldfield đã cho ra đời thang đo lường và đánh giá mức độ tay thuận của một người, công cụ này được gọi là 'Edinburgh Handedness Inventory' (EHI). Phương pháp này được sử dụng trong nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau cho đến tận ngày nay. Từ công cụ EHI người ta đã phát hiện ra rằng tỷ lệ người có năng khiếu Toán và âm nhạc nghiêng về người thuận tay trái. Bất chấp trên thực tế phần lớn nhạc cụ được thiết kế ra dành cho người thuận tay phải sử dụng, điển hình như vĩ cầm… người ta vẫn thống kê được rằng: nghệ sĩ tài năng trong các dàn nhạc chuyên nghiệp có tỷ lệ thuận tay trái cao hơn tay phải.
Trong chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam, nếu để ý các bạn sẽ thấy tôi và PGS.TS. Trần Thành Nam nói đi nói lại rất nhiều lần khái niệm 'Human multitasking' (Tính đa nhiệm). Vì đây là một năng lực đỉnh cao mà không phải ai cũng làm được, người sở hữu năng lực này sẽ có nhiều cơ hội hơn trong công việc, vì họ có thể xử lý cùng một lúc nhiều nhiệm vụ mà không mắc phải sai sót. Theo nhiều nghiên cứu, người thuận tay trái sở hữu 'năng lực đa nhiệm' tốt hơn người thuận tay phải, vì họ xử lý thông tin bằng cách dùng phương pháp 'đồng thời', trong đó nhiều tác vụ có thể được xử lý cùng lúc.
Các nhà khoa học đã thực nghiệm để chứng minh tính đa nhiệm và tư duy tổng hợp ở 2 nhóm người thuận tay trái và tay phải bằng cách cho họ nhìn qua hàng nghìn viên đá màu trắng và chỉ có một viên trong chúng được tô màu hồng. Người thuận tay phải dùng cách xử lý theo tuần tự, họ sẽ nhìn từng viên một cho tới khi họ tìm thấy viên màu hồng. Người thuận tay trái sẽ nhìn các viên đá theo từng nhóm chứa nhiều viên để tìm ra viên màu hồng. Hiệu ứng phụ của cách thức xử lý này là những người thuận tay phải cần phải kết thúc một thao tác trước khi có thể bắt đầu thao tác kế tiếp. Ngược lại, người thuận tay trái có khả năng và thoải mái chuyển đổi xử lý giữa các thao tác đang thực hiện song song. Nói cách khác, người thuận tay trái có khả năng dễ thực thi nhiều nhiệm vụ cùng lúc.
Kết lại những chia sẻ của mình về những người thuận tay trái, anh Dương Anh Vũ cho rằng lý do người lớn không ưa việc trẻ con thuận tay trái là vì nó không thuận tay như 90% những đứa trẻ còn lại, chứ không phải vì những đứa trẻ thuận tay trái hư đốn, học dốt hay chúng sẽ trở thành kẻ sát nhân khi chúng trưởng thành. Anh nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh nên tôn trọng sự khác biệt của trẻ, chúng cần được ghi nhận và trao cơ hội công bằng để phát triển.
Theo Vũ Trịnh (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)