"Cơn sóng nhảy việc" từ Gen Z
Những năm gần đây, thị trường lao động Việt Nam chứng kiến một làn sóng "nhảy việc" mạnh mẽ đến từ thế hệ Gen Z (sinh từ 1997–2012). Nhiều nhà tuyển chia sẻ về việc nhân sự trẻ rời bỏ công ty chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần, với lý do đơn giản: “Không hợp thì nghỉ”. Còn các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z lý giải về vấn đề này thế nào?
Phương Thảo (24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã thay đổi công việc tại 5 cơ quan về truyền thông chỉ trong hai năm đầu sau khi ra trường. "Tôi không thiếu kiên trì như nhiều người lầm tưởng, mà có hai nguyên nhân chính là môi trường làm việc và tính chất công việc", Thảo nói.
Ở một số công ty, môi trường làm việc khá căng thẳng, tồn tại nhiều áp lực ngầm và thiếu sự cởi mở trong giao tiếp giữa các đồng nghiệp. Thảo không chỉ xem nơi làm việc để kiếm sống mà là nơi để kết nối, học hỏi và phát triển trong một môi trường tôn trọng giá trị cá nhân.
Thêm vào đó, tính chất công việc cũng là một nguyên nhân khiến Thảo quyết định chuyển việc. Có công ty sở hữu môi trường làm việc tích cực với lãnh đạo thân thiện, cởi mở và sẵn sàng hỗ trợ nhân viên. Tuy nhiên, công việc ở đó lại mang tính lặp lại, thiếu sáng tạo, khó phát huy năng lực hay tham gia vào các quyết định lớn.
"Mình mới ra trường được gần hai năm, trải nghiệm thực tế chưa nhiều. Nếu cứ đòi hỏi được làm ở những nơi tốt nhất mà bản thân lại chưa đủ kỹ năng thì cũng khó. Đôi khi không phải công ty không phù hợp, mà là mình chưa sẵn sàng để phù hợp với họ”, Thảo cho biết.
Tương tự, Hải Anh (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), từng làm kế toán tại nhiều doanh nghiệp, đã đổi việc ba lần trong 1 năm. “Mỗi công ty đều có vấn đề riêng. Sếp tại công ty cũ của mình kiểm soát quá mức, mình phải tăng ca thường xuyên, không còn thời gian cho cuộc sống cá nhân, chưa nói đến sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng”, cô gái nói.
Bên cạnh đó, ở một số nơi, việc tăng ca hay làm việc cuối tuần gần như trở thành “luật ngầm”, nhưng lại không đi kèm bất kỳ khoản thưởng hay hỗ trợ nào. “Không có thêm một đồng nào, mà cũng không ai nhắc đến chuyện đó như thể đó là điều hiển nhiên. Mình làm kế toán, cuối tháng hay dịp quyết toán là gần như phải cắm mặt ở công ty, nhưng nỗ lực ấy không được ghi nhận”, Hải Anh cho biết thêm.
Theo báo cáo của ManpowerGroup đã khảo sát toàn cầu từ 12.000 người lao động tại 16 quốc gia, công bố, một trong những xu hướng nổi bật là sự gia tăng mạnh mẽ của việc "nhảy việc", đặc biệt là trong thế hệ Gen Z. Có tới 35% người lao động, trong đó 45% là lao động trẻ (18-27 tuổi), cho biết, họ có khả năng sẽ thay đổi công việc trong 6 tháng tới.
Trước đó, tại sự kiện The Makeover 2024 do Talentnet tổ chức ở TP HCM, Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi Việt Nam 2024 đã chỉ ra rằng, Gen Z đang là lực lượng lao động mới nổi nhưng lại có xu hướng nhảy việc cao. Dữ liệu từ hơn 650 doanh nghiệp và hơn 550.000 lao động cho thấy, trong khi Gen Z mất trung bình 2,5 năm để được thăng chức, thì họ chỉ gắn bó với một tổ chức khoảng 1,9 năm.
So với thế hệ Gen X (1965–1980) – những người từng gắn bó trung bình 13,3 năm với một công ty – Gen Z hiện nay có thời gian gắn bó ngắn hơn tới 7 lần.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự Talentnet, cho rằng: "Gen Z nghỉ việc trước khi kịp trưởng thành trong tổ chức, khiến các doanh nghiệp lúng túng trong chiến lược phát triển nhân tài".
Từ phản ứng sang thích ứng
Trước những biến động do xu hướng nhảy việc của người trẻ, đặc biệt là Gen Z, nhiều doanh nghiệp đang chuyển từ bị động phản ứng sang chủ động thích nghi. Chị Phan Yến, phụ trách hành chính nhân sự tại công ty TNHH Jalux Taseco, cho biết: “Gen Z là thế hệ có cá tính mạnh, lớn lên trong môi trường giáo dục đề cao sự thấu hiểu và nhẹ nhàng. Do vậy, chúng ta cần định hướng rõ ràng thì thế hệ Gen Z sẽ gắn bó lâu dài và tạo ra được nhiều giá trị mới cho công ty”.
Để thích nghi, chị Yến đã trẻ hóa đội ngũ, tạo điều kiện cho nhân sự trẻ đảm nhiệm các vị trí cao hơn, quan trọng hơn để họ có cơ hội chứng minh bản thân. “Những người có trách nhiệm và năng lực sẽ vươn lên rất nhanh”, chị chia sẻ.
Tương tự, Hà Phương, nhân viên tuyển dụng tại hệ thống Chi nhánh Xluxury Design cho biết: “Nhiều nhân sự Gen Z thường nghỉ việc sớm nếu môi trường không năng động, không đúng như kỳ vọng ban đầu. Để thích nghi, công ty đã triển khai mô hình làm việc 1 – 1 giữa cấp quản lý và nhân sự mới, qua đó giúp các bạn cảm thấy được quan tâm, dẫn dắt, định hướng”.
Theo Hà Phương, cũng thuộc thế hệ Gen Z nên Phương cũng hiểu tâm lý các bạn trẻ. Với nhân sự trẻ, nếu họ cảm thấy có giá trị, được là chính mình và làm đúng công việc có ý nghĩa thì họ sẽ chủ động gắn bó lâu dài và xu hướng “nhảy việc” của Gen Z không hẳn là vấn đề tiêu cực, mà là tín hiệu để các doanh nghiệp nhìn lại mình.
Khi lao động trẻ ngày càng chủ động và có nhiều lựa chọn, việc thích nghi linh hoạt, lắng nghe và điều chỉnh kịp thời sẽ là chìa khóa để giữ chân và phát huy hết tiềm năng của thế hệ mới.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Huyền Thanh – nhân viên tuyển dụng tại Kính mắt Lyly cũng nhấn mạnh rằng môi trường làm việc thoải mái, lương thưởng rõ ràng, chính sách thăng tiến cụ thể sau 6 tháng hoặc 1 năm là yếu tố then chốt để giữ chân người trẻ.
Ở góc độ người điều hành doanh nghiệp, anh Lê Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc H&P, cho rằng, không thể áp dụng một cách cứng nhắc mô hình cũ cho thế hệ Gen Z, nếu nhân viên muốn học hỏi thì tạo cơ hội. Nếu muốn tăng lương thì phải chứng minh năng lực.
Tuy nhiên, anh Phong cũng nhấn mạnh rằng: “Không thể chạy theo các bạn trẻ quá mức. Dù có điều chỉnh văn hóa doanh nghiệp để trẻ trung hơn nhưng yêu cầu công việc, KPI và chất lượng của sản phẩm vẫn đảm bảo đặt lên hàng đầu”.