Con gái Ngoại thương ngoài xinh, là những ứng viên tiềm năng của các cuộc thi sắc đẹp lớn trong và ngoài nước thì ai cũng biết, nhưng con gái Ngoại thương còn rất giỏi nữa.
Thêm 1 nhân vật của ngôi trường này vừa được vinh danh vào bản đồ tri thức là cô bạn Hoàng Kiều Oanh (1996), tân cử nhân của Đại học Ngoại thương, nhận học bổng du học Thạc sĩ 3 ngành: Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), Thạc sĩ Kế Toán (Accounting) và Thạc sĩ Truyền thông (Communication) trường Angelo State, Hoa Kỳ.
Chào Kiều Oanh, tại sao ngày xưa bạn chọn theo học Ngoại thương với chương trình liên kết Quốc tế?
Mình luôn ấp ủ ước mơ trở thành sinh viên của FTU từ khi còn rất nhỏ (chủ yếu vì rất ngưỡng mộ sự tài giỏi, khéo léo cũng như vẻ bề ngoài vô cùng sáng và tự tin của các anh chị họ hàng, con cái bạn bè ba mẹ). Vậy nhưng ước mơ ấy của mình đã dần thay đổi một chút theo tháng năm. Khi lớn hơn lên, mình đã muốn được đi du học. Tuy nhiên sau rất nhiều những cân nhắc, mẹ mình thực sự chưa muốn cho mình đi sớm như vậy, chủ yếu vì luôn lo lắng mình không đủ chỉn chu và chín chắn, nếu không có mẹ ở bên cạnh thì sẽ không ai uốn nắn từng li từng tí nữa cả, nhất là trong giai đoạn đại học, thời kỳ mà ai cũng nghĩ mình đủ lớn, nhưng thực chất lại là thời kỳ nhiều cám dỗ và có sức ảnh hưởng lớn nhất đến tương lai mai này.
Chính vì vậy, để đảm bảo được lợi ích cho mình một cách trọn vẹn nhất, vừa có môi trường học tập quốc tế, vừa được giáo dục thật truyền thống và cẩn thận, thì mình và mẹ đã quyết định chọn Khoa Đào Tạo Quốc Tế, chương trình Cử nhân Kinh doanh được liên kết giữa Đại học Bedfordhire (Anh Quốc) và Đại học Ngoại thương (Việt Nam).
Chương trình Cử nhân Kinh doanh có gì khác với Chương trình bình thường, có khó không?
Khác nhiều lắm. Có khi các khoa chuyên ngành chỉ học nửa quyển sách 1 kỳ, chúng mình lại phải học hết cả 1 quyển luôn ấy. Có khi 1 tháng các bạn học 1 chương, thì chúng mình 1 buổi học 1 chương.
Thế chắc hẳn việc học ở đó sẽ vô cùng thú vị?
Đúng vậy. Chúng mình học cũng khác thường lắm. Giảng viên lấy ví dụ hay giao bài tập toàn là những vấn đề nóng hổi hơn cả thời sự. Ví dụ như vụ Vinfast chúng mình đã phải làm 1 bài để phân tích và hoạch định định hướng phát triển từ hồi đầu 2018.
Hoặc những ví dụ để về né thuế, về quản trị rủi ro của những tập đoàn lớn như Honda, Toyota,... là những câu chuyện với mình thực sự rất hấp dẫn, vì ngoài thông tin thực tế, đó còn là góc nhìn đầy giá trị từ những cố vấn trực tiếp làm việc (vì các thầy cô đều vận hành doanh nghiệp riêng, hoặc là cố vấn lớn cho những tập đoàn bên ngoài)
Ngoài điểm đầu vào cao chót vót, bạn đã chinh phục FTU bằng bảng thành tích nào nữa?
Mình đã từng đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi Vật Lý cấp thành phố Hà Nội (năm lớp 9).
Sau đó lên cấp 3 mình đã thi chuyên Văn và trở thành Thủ Khoa đầu vào của trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Ở FTU, mình thích nhất là Micro economics và Accounting (Kinh tế học vi mô và Kế toán). Mình đã được điểm khá cao cho những môn học ấy (100/100 cho tất cả các mini test, mid-term test và final test).
Học Ngoại thương chắc hẳn phải tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, Oanh có phải là 1 người năng động như đa số sinh viên FTU không?
Khi còn là học sinh cấp 3 mình đã khá năng nổ tham gia các hoạt động của CLB trong và ngoài trường cũng như các hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên đến khi lên Đại học, mình lại không tham gia nhiều nữa, vì ngay từ khi vừa thi đại học xong (còn chưa vào năm nhất nữa), mình đã có công việc làm thêm là gia sư môn toán cho các em học sinh cấp 2, cấp 3 (để thi THPT; đại học), dạy các môn Toán, Khoa học và Luật cho các em học trường song ngữ, quốc tế; chính vì vậy mình đã rất bận từ những năm đầu, nên không còn thời gian để tham gia CLB ở trường nữa.
Sau này, khi mình có thể mở lớp và các nhóm nhỏ, thì mình có nhiều thời gian hơn chút xíu. Nhưng khi đó đã là cuối năm 2 mất rồi. Vậy nên mình không thi vào các CLB nữa, chỉ đăng ký tham gia Mùa Hè Xanh 2016 thôi.
Dù nhiều người cho rằng các CLB chả để làm gì cả, chỉ là nơi để chơi bời bầy đàn nhậu nhẹt, thì theo mình điều đó không phải. Vấn đề nào cũng có nhiều mặt, nhưng con người chỉ nhìn vào mặt tiêu cực và xa lánh thì chính là đã đánh mất đi cơ hội để tiếp cận với những thứ tuyệt vời mà bạn không ngờ tới.
Nhận được học bổng du học Thạc sĩ tận 3 chuyên ngành, bạn sẽ chọn ngành nào?
Mình có định hướng học tiếp về ngành quản trị (MBA).
Theo Oanh, bằng MBA có giá trị như thế nào hiện nay?
MBA là một tấm bằng "sáng giá và đắt đỏ" trong mắt nhà tuyển dụng, nhưng đó đã là câu chuyện của hơn 10 năm trước đây. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 100.000 sinh viên tại Mỹ và nhiều nơi trên khắp thế giới hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Chính những con số đã cho mình thấy rõ độ "hot" đi kèm với sự khốc liệt của ngành nghề này.
Nhưng thứ mình cân nhắc hơn cả ở thời điểm này, đó là kinh nghiệm. Vì MBA có thể là một "tấm áo đẹp", nhưng mình không muốn chỉ có bề ngoài với 3 chữ MBA đính kèm sau tên trên card visit. Với mình, kinh doanh là thực tế và thực chiến, mình không nghĩ chỉ với sự "biết" về lý thuyết quản trị, các mô hình quản lý, cách thức hoạch định chiến lược hay quy luật kinh tế,... mà có thể trở thành một người quản lý thành công.
Mình quyết định gắn bó và học hỏi thêm từ chính công ty hiện tại, từ các quản lý và những sếp kề cận nhất, để quan sát và đúc rút ra những thứ còn thiếu, những điều muốn hỏi, rồi sau này có thể đi học, đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Định hướng đó có lẽ phù hợp hơn với cá nhân mình trong cả thời điểm hiện tại lẫn con đường tương lai sau này.
Dự định tương lai của Oanh là gì?
Mình sẽ đi làm, khoảng 1-2 năm nữa sẽ học tiếp Thạc sĩ. Còn ước mơ xa hơn là 5 năm nữa mình có thể trở thành một quản lý về sales và marketing ở những công ty/tập đoàn đa quốc gia.
Và sau cùng, mục tiêu mình muốn trở thành một người thành công là để có thể truyền cảm hứng cũng như định hướng cho những bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ về giá trị, tiềm năng và sức ảnh hưởng của mình với chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hiện tại mình cũng đang có dự án startup nhỏ nữa.
Cảm ơn Oanh về cuộc trò chuyện, chúc bạn thành công!
Theo Hải Anh (Trí Thức Trẻ)