Bạn Vũ Nhật Tân với tấm vé mời tham dự sự kiện vào sáng 25-5 - Ảnh: C.NHẬT |
YSEALI là chương trình do Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama công bố năm 2013 nhằm tăng cường khả năng lãnh đạo và kết nối giữa các thủ lĩnh trẻ ASEAN.
Tạo ấn tượng giới trẻ Việt trong mắt... ông Obama
Không giấu được niềm vui trong giọng nói, bạn Lê Đình Hiếu (SN 1988, sáng lập viên kiêm CEO Học viện GAP) ví đây là “cơ hội nghìn năm có một” và cho biết bạn mang hỗn hợp các xúc cảm tự hào, hạnh phúc và may mắn.
“Theo tôi biết có một số bạn mong muốn được gặp ông Obama vì đơn giản ông là một người quá nổi tiếng. Còn với tôi thì việc được gặp ông có ý nghĩa hơn thế. Tôi mong muốn được góp phần khắc họa chân dung giới trẻ Việt trong mắt ông và giúp ông hiểu những trăn trở của bạn trẻ Việt trong hành trình giúp đất nước phồn vinh”, Đình Hiếu nói.
Còn với Vũ Nhật Tân (SN 1987, tốt nghiệp cao học theo học bổng Fulbright tại Mỹ) thì sự kiện ông Obama đến VN lần này đánh dấu một bước ngoặt lớn, nâng tầm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Mỹ.
Tân cho biết bản thân khá hứng thú khi được mời giao lưu vào sáng 25-5 và mong muốn sẽ được nghe những chia sẻ quý báu từ Tổng thống Obama về các vấn đề như: doanh nghiệp xã hội, trách nhiệm cộng đồng và bảo vệ môi trường..., những giá trị mà các thành viên YSEALI trước giờ vẫn theo đuổi.
“Tôi không nghĩ rằng việc ông sắp hết nhiệm kỳ tổng thống sẽ làm hình ảnh của ông bớt “hot” trong mắt mọi người nói chung, giới trẻ nói riêng… Vì theo tôi quan sát và được chính người dân sống tại Mỹ chia sẻ thì ông đã tạo được nhiều giá trị tích cực cho xã hội Mỹ như: tỉ lệ thất nghiệp được cải thiện, nền kinh tế khởi sắc hơn, chính sách y tế (chẳng hạn ObamaCare) giúp cuộc sống nhiều người dân trở nên tốt đẹp hơn…”, Nhật Tân nêu quan điểm.
Chị Trần Hoàng Khánh Vân, ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban quốc tế Thành đoàn TP.HCM, cho biết cảm giác của chị là hồ hởi, phấn khởi trong lần tiếp xúc này với một vị tổng thống mà trước giờ chỉ mới nghe danh.
“Tôi muốn tìm hiểu xem chân dung ngoài đời thực của ông có khác gì với mô tả của báo chí hay không?”, chị Khánh Vân bộc bạch.
Chị cho biết từ những tìm hiểu bên lề, cuộc gặp lần này ông Obama sẽ chia sẻ về các giải pháp và cách phối hợp giữa các bên để nâng tầm chất lượng giáo dục VN… từ đó đào tạo ra những cá nhân, người lao động có năng suất làm việc cao hơn.
Mong có cơ hội phát biểu
“Nếu có một câu hỏi dành cho Tổng thống Obama, tôi sẽ hỏi liệu ông có sẵn lòng tận dụng những mối quan hệ, quyền lực… của mình để sát cánh, hỗ trợ một dự án khởi nghiệp của giới trẻ Việt mang lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội hay không? Bởi tôi tin khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình thì ông sẽ dành nhiều thời gian để hỗ trợ cho các hoạt động của giới trẻ”, chị Khánh Vân chia sẻ.
Chị Khánh Vân cũng mong muốn các bạn trẻ Việt nhân cơ hội này đặt ra những câu hỏi sâu liên quan đến chủ đề giáo dục, chẳng hạn: Những hỗ trợ ngắn và dài hạn từ phía Mỹ, liệu có thể cấp học bổng không chỉ dành cho sinh viên, trí thức trẻ… mà cho cả công nhân hay không?…
Tự nhận bản thân đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị những câu hỏi dành cho ông Obama, bạn Đình Hiếu cho biết nếu có cơ hội thì bạn sẽ hỏi ông Obama cách để giúp một quốc gia đang phát triển như VN có “cú hích”, từ đó phát triển “nóng” và bền vững để bắt kịp những quốc gia đã phát triển như Mỹ?
“Tôi cũng sẽ hỏi ông về việc giới trẻ Mỹ cũng như giới trẻ các quốc gia khác đã góp phần giúp nước họ phát triển như thế nào?”, Đình Hiếu bổ sung.
Được biết, trong buổi gặp tương tự với các đại biểu YSEALI tại Malaysia vào tháng 11-2015, Tổng thống Obama đã dành nhiều thời gian đề cập đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như những cơ hội, thách thức mà hiệp định sẽ mang đến khu vực. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giới trẻ trong sự phát triển, tương lai của ASEAN do 65% dân số trong khu vực là người trẻ dưới 35 tuổi. Có khoảng 60 đại biểu VN được chọn tham dự sự kiện này.
Bên cạnh những vấn đề mang tính vĩ mô, Tổng thống Obama đã chia sẻ một số thông tin rất gần gũi, đầy tâm tư với giới trẻ như: Làm sao để có thể dần xóa nhòa “khoảng cách thế hệ”, ai là người ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời ông, điều gì làm ông tự hào nhất và điều gì ông chưa hài lòng sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống?...
Một điều rất thú vị là ông cũng đã dành nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi liên quan đến chính trị, môi trường… từ các đại biểu trẻ.
Vì vậy các đại biểu trẻ Việt hoàn toàn có thể có hi vọng về việc được đặt câu hỏi cùng vị tổng thống quyền lực vào sáng 25-5 này.
Theo Công Nhật (Tuổi Trẻ)