Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng ở tất cả các quốc gia, rất nhiều du học sinh đã chọn cách về nước để có thể gần gia đình trong lúc khó khăn. Đa phần họ khi trở về từ Mỹ hay các nước châu Âu đều phải cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y Tế. Trong thời gian này, không ít du học sinh đã mất điểm vì có thái độ chê bai nặng lời khu vực mình đang được cách ly. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có những câu chuyện đáng yêu mang đến nhiều năng lượng tích cực cho mọi người.
Mới đây, một du học sinh Mỹ có tên Nguyễn Thuỳ Dương (sinh viên năm cuối Soka University of America) đã kêu gọi bạn bè cùng những kiều bào về nước tự nguyện đóng tiền ăn ở trong 14 ngày cách ly. Thuỳ Dương về nước vào ngày 20/3 và sau đó đã được cách ly tập trung trong sự quan tâm, yêu thương của tất cả các y bác sĩ, nhân viên y tế và đội ngũ quân nhân làm nhiệm vụ cách ly.
"Chúng mình biết để có thể chu cấp đồ ăn và nơi ở cách ly, nhà nước đã phải bỏ ra rất nhiều tiền của. Vì vậy, mình và các chị em trong phòng xin tự nguyện đóng tiền ăn và ở trong 14 ngày cách ly để góp phần nhỏ gánh nặng trong lúc khó khăn này của đất nước. Mình cũng mong muốn và xin phép được kêu gọi các bạn du học sinh và Việt kiều về nước tự nguyện đóng tiền/ ủng hộ tuỳ tâm cho nhà nước." - Thuỳ Dương chia sẻ trên trang cá nhân.
Cô bạn cũng gợi ý mọi người có thể đóng góp bằng cách gửi tin nhắn theo cú pháp CV n gửi 1407 hoặc chuyển khoản đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hiện tại, bài đăng của Thuỳ Dương đang nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ của dân mạng. Nhiều người hi vọng mọi người đều có trách nhiệm để đỡ một phần gánh nặng cho đất nước và cùng đoàn kết để chống dịch.
Dưới đây là nguyên văn bài đăng của Thuỳ Dương:
Chào mọi người ạ, em là du học sinh Mỹ hiện đang học năm 4 ở một trường đại học ở California. Vào ngày 13/3, trường em yêu cầu tất cả học sinh phải sơ tán về nhà trong 2 tuần. Em và các bạn thật sự rất buồn vì học kì cuối cùng bị kết thúc sớm và không có lễ tốt nghiệp.
Vì tình hình dịch phức tạp, em và nhiều bạn đã về nước vào ngày 20/3. Cũng giống như các bạn du học sinh khác, bọn em về nước với tâm lý lo sợ và áp lực vì kì học bị gián đoạn và trường yêu cầu/ khuyến khích học sinh nước ngoài về nước.
Sau chuyến bay dài hơn 20 tiếng, các cán bộ hải quan đã yêu cầu điền đơn Kê khai sức khoẻ và sau đó em may mắn chỉ phải ngồi chờ trong 1 tiếng trước khi được xe ô tô chở đến khu cách ly ở Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội.
Các chú bộ đội, nhân viên y tế, dịch tễ và các cán bộ liên quan đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong việc di chuyển hành lý và trấn an tinh thần bọn em.
Em được phân ở cùng 3 chị em nữa (chị Khanh, em Nhi và em Hà) cùng chuyến bay transit ở Đài Loan. Phòng ốc rộng rãi và thoáng mát nhưng mình mong thông tin này sẽ không khiến mọi người mong đợi quá nhiều để rồi thất vọng và chê cơ sở vật chất ở khu cách ly. Mọi người nên nhớ rằng đây là khu cách ly được phong toả chỉ vài ngày trước khi bọn mình chuyển đến nên chuyện phòng ốc có bụi bẩn là điều bình thường. Quan trọng là đã chuẩn bị kĩ càng chổi, cây lau nhà, nước lau nhà và giẻ lau để bọn mình tự lau dọn nơi mình cách ly.
Đồ ăn được mang đến 3 lần một ngày, rác thu dọn để ra ngoài cửa được các chú bộ đội và các cán bộ liên quan mang đi vứt, người nhà có thể gửi đồ sinh hoạt cần thiết cho con em mình ở khu cách ly. Bọn em được đo thân nhiệt 2 lần một ngày và lấy dịch mũi họng để xét nghiệm Covid-19.
Chúng em biết để có thể chu cấp đồ ăn và nơi ở cách ly, nhà nước đã phải bỏ ra rất nhiều tiền của. Vì vậy em và các chị em trong phòng xin tự nguyện đóng tiền ăn và ở trong 14 ngày cách ly để góp phần nhỏ gánh nặng trong lúc khó khăn này của đất nước.
Em cũng mong muốn và xin phép được kêu gọi các bạn du học sinh và Việt kiều về nước tự nguyện đóng tiền/ ủng hộ tuỳ tâm cho nhà nước.
Em tự nhận biết không phải du học sinh và Việt kiều nào gia đình kinh tế cũng khá giả vì vậy nếu mọi người không thể đóng tiền/ ủng hộ vì bất kì lí do gì, em mong là mọi người có thể share bài đăng này để người khác đọc được ạ.
Em cảm ơn mọi người đã đọc bài đăng này, Việt Nam mình quyết thắng chống dịch Covid-19 nha.
Theo Jo (Trí Thức Trẻ)