Đốt bằng cấp là chuyện nhỏ? |
Nam thanh niên kể trên đã rất quyết liệt nêu cao khẩu hiệu “Hãy học vì sự phát triển của bản thân”, hướng tới một cuộc cải cách giáo dục trong tương lai.
Hẳn nhiên, ai đã từng thất bại, từng vỡ mộng bằng cấp đều nhen nhóm ý định tiêu hủy tất cả “chứng cứ” có liên quan đến nỗi đau của mình. Tuy vậy, hai tấm bằng kia hoàn toàn không đáng làm “vật hi sinh” cho một bộ phận người trẻ xem thường bằng cấp.
Mỗi tấm bằng đều có một giá trị nhất định: Từ những tấm bằng nhỏ bé như bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là điều kiện cần và đủ để chuyển cấp cho đến những tấm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sẽ là căn cứ để người khác định hình trình độ, tài năng của một cá nhân.
Khi bạn gõ cửa bất kì cơ quan, doanh nghiệp nào, điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng quan tâm chính là bằng cấp của bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Dù tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân hiện đang cao thế nào đi chăng nữa thì người ta vẫn đua nhau chen chân vào cổng trường đại học. Phần lớn người Việt vẫn cho rằng bằng đại học là “tấm vé” đầu tiên và không thể thiếu trong hành trang của người thành đạt.
Trong thực tế, có người không cần bằng cấp vẫn thành công, có người xuất thân nông dân vẫn sở hữu những sáng chế khiến các nhà khoa học ngỡ ngàng. Nhưng đó chỉ là thiểu số! Tài năng của họ được bồi đắp bằng chính trường đời, bằng kinh nghiệm. Hơn nữa, dù không cầm một mảnh bằng chính quy hay một chứng chỉ nổi bật nào thì thành công của họ vẫn được ghi dấu bởi một ý chí, một tư tưởng học tập không ngừng nghỉ.
Đốt đi một chứng chỉ, một mảnh bằng là một việc làm quá dễ dàng, chỉ cần một mồi lửa là xong. Nhưng lẽ nào xóa sạch thời gian, tiền bạc, công sức đã bỏ ra để đeo đuổi việc học cũng chỉ là chuyện cỏn con? Đó thực sự là một suy nghĩ sai lầm và một hành động nông nổi!
Được tích cực sử dụng, phát huy sở trường của mình với một tấm bằng là một niềm hạnh phúc lớn la. Song cũng đừng vội buồn nếu tấm bằng của bạn vẫn đang nằm xếp xó nơi góc tủ. Bởi chẳng lãng phí tí nào khi ta đã phấn đấu hết mình và quãng thời gian theo đuổi tấm bằng chính là khoảng thời gian ta được lớn lên về nhận thức, kĩ năng.
Bất kỳ mọi sự cố gắng, nỗ lực nào của bản thân cũng cần được trân trọng. Đôi khi, những tấm bằng là minh chứng rõ nhất cho năng lực, quá trình phấn đấu, học tập không ngừng nghỉ của bản thân. Để rồi mai đây, khi quay về lục lọi góc kỉ niệm, săm soi những tấm bằng xưa cũ, bạn sẽ nhận ra mình từng sống trọn vẹn cho một thời tuổi trẻ như thế nào…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Nguyễn Ngọc (Nguoiduatin.vn)