Theo nguồn Zhihu, một đề Văn thi đại học của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, kèm theo bài viết đạt điểm tuyệt đối đang được chia sẻ trên mạng gần đây khiến cho người ta có cách nhìn khác về cách thức ra đề, cách trình bày luận điểm, tính ứng dụng của văn học trong đời sống.
Ai cũng thấy từ cách ra đề lẫn thí sinh thể hiện 1 góc nhìn vô cùng sắc sảo, uyên thâm, nhưng thực tế.
Đề Văn này như sau:
Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn trên 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).
"Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hòa trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế".
Thí sinh đạt điểm tuyệt đối đã đặt tựa đề và viết:
"Củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác".
Tom là một cậu bé chăn cừu, cậu có một đàn cừu thuần màu trắng như một đám mây cực lớn. Chính vì thế Tom cực kì ghét con cừu đen duy nhất trong đàn, cậu luôn hăm he làm thịt nó.
Vào một ngày mùa đông nọ, trời đổ tuyết lớn, đàn cừu màu trắng lẫn trong nền tuyết làm Tom không cách nào tìm được. Cuối cùng nhờ con cừu đen duy nhất đó mà Tom tìm về được đàn cừu của mình.
Từ đây Tom hiểu được một đạo lý, thuần túy cố nhiên rất đẹp, thế nhưng cộng sinh hài hòa lại càng tốt hơn.
Trên thực tế, mỗi vật đều có tính chất khác nhau, có vẻ đẹp khác nhau. Hổ dễ nổi nóng, khỉ hấp tấp, cừu hiền lành, động vật đã vậy, thực vật lại càng thú vị hơn, trên đời này không bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau, cả những thứ cùng loại cũng không phải nhất thành bất biến huống chi là những vật khác nhau hoàn toàn.
Vật đã thế, con người càng thế...
Tả Truyền từng viết, tư tưởng con người không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Mà tư tưởng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của người đó. Nếu muốn tôn trọng cái gọi là tư tưởng đó thì cần học cách khoan dung, đừng bao giờ vọng tưởng thống nhất tư tưởng, nó là điều phi lý.
Nhưng vấn đề là đã không cách nào thống nhất tư tưởng, vậy phải chung sống thế nào?
Có hai cách, một là tập hợp những người cùng chung chí hướng, những người cùng chung sở thích tập hợp với nhau, hình thành nên một quần thể có quan niệm chung.
Nhưng tiếc là chuyện này rất hiếm có, như củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác, làm sao có tư tưởng nào giống tư tưởng nào hoàn toàn.
Sự tham gia của nhiều tư tưởng giống mà khác nhau này còn phá vỡ sự cân bằng sản sinh ra biến hóa. Cát rơi vào miệng trai, thành trân châu quý giá, bụi trong hơi nước hòa thành mưa. Chính vì thế có một câu nói rất đúng rằng: “Người với người khác nhau, chưa chắc là chuyện xấu, chim diều không cần phải biến thành quạ mới có thể chung sống hòa bình”.
Nói cách khác là mỗi người một vẻ, tức là hòa hợp.
Từ bản thể triết học mà nói, hòa hợp là quy luật vận hành của vạn vật. Lão Tử nói: “Vạn vật đều có âm có dương, cân bằng âm dương chính là hòa hợp.”
Từ góc độ triết học mà nói, hòa hợp là cảnh giới cuối cùng mà con người theo đuổi. Lễ ký viết: “Những kẻ biết hòa hợp mới là kẻ làm chủ và đạt được cái đạo của thiên hạ”. Hòa hợp tạo ra sự xây dựng, sản sinh, thuận tiện, thành công và thịnh vượng.
Từ góc độ phương pháp luận triết học thì hòa hợp là quy tắc làm người cơ bản. Luận ngữ viết: “Quân tử hòa hợp nhưng cũng khác nhau”. Chỉ khi thuận theo quy tắc hòa hợp để diễn sinh phát triển thì mới có thể tồn tại lâu dài.
Từ góc độ sinh học thì cộng sinh là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong hệ sinh thái. Hai loại sinh vật cùng giúp nhau tồn tại, thiếu một bên, bên còn lại cũng khó sống nổi. Như tảo và nấm cộng sinh, cá sấu cộng sinh với chim bắt sâu, bò tót cộng sinh với chim ăn ruồi bọ.
Hòa hợp mà khác biệt, cái quan trọng nhất là phải chấp nhận và dung nhập vạn vật, thứ hai là biết chọn lựa và sử dụng những thứ phù hợp với đặc tính tự thân để hoàn thiện chính mình. Cuối cùng là đặt mình trong nhiều hoàn cảnh, tập cho bản thân tính phóng khoáng lạc quan.
Dù là một chỉnh thể bền chắc như thép cũng phải có một thứ khác biệt để điều hòa. Không ít những công ty quốc tế luôn giữ vài người có ý kiến trái ngược nhau trong hội đồng quản trị, những người này sẽ luôn soi mói làm khó dễ các quyết định được hội đồng đưa ra, thế nhưng chỉ có vậy mới có thể thúc đẩy hội đồng đưa ra những quyết sách chính xác và đúng đắn nhất.
Từ Tiểu Bình từng nói: “Với những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trong nhóm có 3-4 người trung thành và 1 người luôn làm trái lại, chính là tổ hợp tuyệt vời nhất”.
Đạo lý này rất đơn giản, kẻ làm trái lại ấy đóng vai người điều hòa, anh ta phản bác, đánh thức, thúc tiến người lãnh đạo, như chim gõ kiến trên cây, vừa là bác sĩ vừa là kẻ gây tai hoạ. Nhưng nó sẽ luôn luôn tồn tại song hành với bạn.
Vậy vấn đề mới lại sinh ra, dung hợp có làm mất đi bản chất của mình không? Hòa hợp, chỉ là điều hòa, không phải hòa tan rồi làm mất bản thân. Bạn có thể đứng ở Trung Quốc nhìn ra thế giới, cũng có thể đứng ngoài thế giới nhìn vào Trung Quốc, nhưng đầu tiên bạn phải là người Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa, sau mới là thế giới.
Muối bỏ vào nước sinh thành nước muối. Nước muối bỏ thêm vịt cũng chỉ là nước muối vịt. Mặc cho bạn dung hòa vào quần thể thế nào, bạn cũng phải biết mình luôn là muối, mỗi thứ mỗi vẻ, trăm vẻ dung hòa!
Cách ra đề mở để người viết tự chọn và trình bày góc nhìn của mình, thí sinh này có cái nhìn khá uyên bác, cách hành văn khúc triết, cô đọng để nói về giá trị của bản ngã, của cái tôi, sự hòa hợp và cộng sinh. Vì thế, không có gì khó hiểu khi bài văn này đạt điểm tuyệt đối.
Từ đề đến bài văn đều mang tính triết học sâu sắc. Đó không chỉ là lý thuyết mà còn giàu tính ứng dụng trong cuộc sống, để "biết mình biết người trăm trận trăm thắng", để biết chấp nhận sự khác biệt và biết sinh sống đoàn kết, tương sinh và mang lại lợi ích cho nhau.
Bài văn còn là cơ hội để tác giả thể hiện quan điểm 1 cách sâu sắc từ thế giới quan của mình.
Cách ra đề vừa sâu sắc vừa thực tế, không hề sáo rỗng này khiến người ta đầy hy vọng vào giá trị thực của giáo dục. Một bài viết không chỉ cho hay mà còn có ý nghĩa và tính thực tiễn cao. Phục là từ người ta nhắc tới nhiều nhất cho cách ra đề và người viết văn.
Có nhiều người nuối tiếc vì ở ta có thể thiếu dạng đề hay thế này, nhiều đề vẫn còn khuôn sáo. Nhưng nhìn nhận khách quan thì gần đây ở ta cũng đã có nhiều đề thi cải tiến với góc nhìn hiện đại, khá hấp dẫn và có tính đương thời để "văn học là nhân học" chứ không chỉ là những ngôn từ sáo rỗng, xa rời thực tế.
Theo ĐX (Pháp Luật & Bạn Đọc)