Điểm thi thử 6, thi thật 9.4: Câu chuyện thi đại học của cô bạn trường Ams chứng minh phút 89 ai cũng có thể lội ngược dòng

13/06/2018 08:00:40

Điểm thi thử Toán được 6 khiến Mai Anh vô cùng hoang mang nhưng cô bạn đã có một cú lội ngược dòng ngoạn mục khi đạt 9.4 trong kỳ thi thật khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Chỉ còn ít ngày nữa thôi là các cô cậu học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời - Thi THPT Quốc gia. Trước kỳ thi này, học sinh sẽ trải qua hàng chục lần thi thử để làm quen dạng đề và đánh giá năng lực bản thân.

Nhưng liệu thi thử có đánh giá hết khả năng của sĩ tử không? Câu chuyện dưới đây của một cô bạn điểm thi thử thấp mà điểm thi thật cao bất ngờ sẽ giúp những bạn đang lăn tăn vì điểm thi thử thấp có thêm hi vọng.

Điểm thi thử 6, thi thật 9.4: Câu chuyện thi đại học của cô bạn trường Ams chứng minh phút 89 ai cũng có thể lội ngược dòng
Vũ Mai Anh là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam

Vũ Mai Anh (1999) đang là sinh viên năm nhất K56 Đại học Ngoại Thương. Cô bạn này từng là học sinh Khối Anh 2 THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm lớp 12, trong một lần thi thử đại học, điểm Toán chỉ được 6 điểm khiến Mai Anh vô cũng hoang mang, tuy nhiên kỳ tích đã xảy ra khi cô bạn đạt tới 9.4 trong kỳ thi thật, bên cạnh đó, điểm Ngữ văn và Ngoại ngữ cũng rất cao: 8.5 và 9.4.

Điểm thi thử 6, thi thật 9.4: Câu chuyện thi đại học của cô bạn trường Ams chứng minh phút 89 ai cũng có thể lội ngược dòng - 1
Kết quả thi THPT Quốc gia 2017 của Mai Anh

Dưới đây là toàn bộ kinh nghiệm của Mai Anh để có một cú bứt phá đầy ngoạn mục như vậy:

Thi thử không phản ánh được bất cứ điều gì

Qua kinh nghiệm thi thử cả hồi cấp 2 lên 3 và đại học, mình nhận ra rằng kết quả thi thử chẳng phản ánh bất cứ điều gì cả. Việc đi thi về nếu kết quả tốt thì dễ gây chủ quan, kết quả xấu thì dẫn đến bi quan, stress, thất vọng... Mình vẫn nhớ như in cái cảm giác ngồi trong phòng thi thử Toán (trước ngày thi thật 1 tháng): còn 30 phút và 25 câu chưa làm, chân tay run cầm cập, hoang mang tột độ khi thu bài. Nếu muốn cọ xát và trải nghiệm tâm lý phòng thi chỉ thi thử một lần duy nhất, còn lại ở nhà tự làm đề và tính thời gian.

Điểm thi thử 6, thi thật 9.4: Câu chuyện thi đại học của cô bạn trường Ams chứng minh phút 89 ai cũng có thể lội ngược dòng - 2
Cô bạn đã có một cú lội ngược dòng ngoạn mục từ thi thử lên thi thật

Thắng hay thua là ở tâm lý

Khi đã có một lượng kiến thức kha khá thì chuẩn bị một tâm lý vững vàng là rất quan trọng. Còn nếu định "tay không bắt giặc", trong đầu chẳng có chữ gì thì thôi khỏi lo tâm lý vì đằng nào cũng thua. Luôn nhớ trong đầu rằng "Căng thẳng không giải quyết được vấn đề".

Sẽ có những lúc gần ngày thi, thậm chí là ngay sau khi nhận đề, chúng ta sẽ chẳng nhớ gì cả. Đấy là chuyện hết sức bình thường. Khi đó, hãy nhắm mắt, cầu nguyện 1 giây rồi hít thở sâu, tự nhiên chữ lại bay vào đầu. Càng đặt bút viết càng nhớ.

Sẽ có cả những lúc thấy mệt mỏi và chán chường đến mức muốn tung hê tất cả và bỏ cuộc. Đó là khi càng học, càng ôn càng thấy mình hổng quá nhiều, sờ vào chỗ nào cũng quên. Hãy lấy một tờ giấy ra, mặt trước ghi tất cả những điều mình sẽ có được nếu thi đỗ, mặt sau ghi những gì mình phải gánh chịu nếu trượt.

Điểm thi thử 6, thi thật 9.4: Câu chuyện thi đại học của cô bạn trường Ams chứng minh phút 89 ai cũng có thể lội ngược dòng - 3

Kinh nghiệm ôn thi hiệu quả, đánh đâu trúng đấy

- Một khi đã ngồi vào bàn học, tắt tất cả các loại thiết bị điện tử. Quan trọng là chất lượng giờ học. Học 2 tiếng tập trung còn hơn cả ngày ngồi giở sách ra rồi lại đóng vào.

- Nắm thật chắc cơ bản. Đừng để vào phòng thi mà vẫn còn lăn tăn công thức đạo hàm nọ, phép tính nhanh kia.

- Tin vào bản thân mình và sức mạnh của TỰ HỌC. Vào thời điểm nhạy cảm này, chúng ta dễ dàng nghe theo những bí kíp thần thánh trên mạng, những lời đồn đại về trung tâm A ra bài sát lắm, lò luyện B toàn ôn trúng đề... Thời tiết này học ở nhà với điều hoà là hiệu quả rồi. Không được nao núng, tự học, tự suy ngẫm, tự tư duy sẽ nhớ lâu hơn.

- Ngủ trước 12 giờ. Nếu không tập dần thói quen ngủ sớm thì đến ngày thi vẫn sẽ trằn trọc tới gần sáng. Đây là bài học rất đắt giá. Đêm trước hôm thi Văn mình không thể ngủ được cho đến 2h sáng và 4h đã bị tỉnh giấc. Đến lúc vào phòng thi cảm giác bủn rủn vô cùng.

- Đừng cố học thuộc nếu không thể, đặc biệt với môn Văn. Lập sơ đồ tư duy cho mỗi bài để nhớ ý, đọc tài liệu nhiều lần để tham khảo cách hành văn.

- Nhồi nhét là tự sát. Chỉ nên làm 1 đề/môn/ngày.

- Đeo đồng hồ khi đi thi. Còn 10 phút thì tô đáp án và check xem có lệch dòng không rồi quay lại làm bài tiếp.

- Nhất định phải đọc kĩ đề! Làm ơn hãy đọc kĩ đề! Bây giờ 0.2 thôi là đã bỏ qua hàng nghìn đối thủ rồi, các em có muốn mất điểm vào những câu sai ngớ ngẩn kiểu "chọn đáp án không đúng" không?

- Việc ai người nấy làm. Có những người sinh ra chỉ để làm xao nhãng người khác bằng cách xin giấy. Dù trong phòng có đứa nào phao, ngủ quên, hắt hơi, bỏ thi thì đó cũng không phải việc của mình. Thi đỗ rồi hỏi thăm nó sau cũng được.

- Đừng nộp bài sớm. Thừa thời gian thì check lại từng câu một hoặc ngồi ngắm giám thị. Đừng chủ quan như mình khi thi Tiếng Anh để rồi điểm kém nhất lớp. Nộp sớm mà khoanh sót câu nào thì nỗi tiếc nuối được nhân lên 1000 lần đấy.

- Thi xong là xong. Về luôn, không ở lại check đáp án. Vừa tốn thời gian, vừa vô ích lại làm ảnh hưởng tinh thần thi môn tiếp theo.

Theo Khánh Quân (Trí Thức Trẻ)