Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao trước sự việc hot TikToker Phạm Thoại bị tố nhận 200 triệu tiền hợp đồng để livestream bán hàng nhưng chỉ bán được 20 triệu. Thậm chí, khi hot TikToker này lên tiếng phản pháo các cáo buộc, nhãn hàng cũng khẳng định đã nắm đủ bằng chứng và sẵn sàng làm việc tới cùng. Tuy nhiên, sau khi tung ra đúng 1 clip nói về sự việc, Phạm Thoại đã lại im hơi lặng tiếng mặc cho những drama vẫn đang bủa vây.
Ngay trước sự việc của Phạm Thoại, một KOC/ TikToker khác cũng vướng ồn ào là Bích Ngọc - chủ kênh Chuyện Nhà Linh Bí. Cô bị tố quảng cáo sai sự thật một sản phẩm chức năng cho trẻ em có nguồn gốc từ Nhật Bản. TikToker này sau đó phải làm clip xin lỗi vì đã không kiểm soát phát ngôn. Tất nhiên, việc Bích Ngọc quảng cáo sai sự thật có thể gây thiệt hại cho chính cô và thương hiệu ngay lúc đó, nhưng ngoài ra còn là đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ - vốn tin tưởng kênh Chuyện Nhà Linh Bí làm content "sạch".
Võ Hà Linh cũng là nhân vật gặp ồn ào với nhãn hàng gần đây. Đầu tháng 9, cô đăng clip review cặp dầu gội xả hãng O và nhận xét dầu gội khiến tóc nhanh bết, không cải thiện rụng tóc như quảng cáo. Thậm chí, Hà Linh còn bị chính nhãn hàng tố là đã không sử dụng đúng sản phẩm của họ và thu thập bằng chứng kiện nữ TikToker để bảo vệ quyền lợi pháp lý.
Điều đáng nói, chính là các TikToker này vẫn có rất nhiều fan, vẫn có rất nhiều ý kiến bênh vực dù trên thực tế, họ không xem người mua và cả người đặt hàng mình ra gì. Phạm Thoại không còn xa lạ với vô số trò lố cả ở đời thực lẫn khi lên sóng. TikToker này "mắng khách như con" trong bất kỳ buổi livestream nào của mình. Trong khi đó, một streamer nổi tiếng thế giới đã phải đóng kênh, bị nhãn hàng kiện chỉ vì lỡ buông một câu “không mua nổi cây son thì nên xem lại chính mình”. Trong khi TikToker Phạm Thoại thì vẫn hoạt động như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Hay như Võ Hà Linh. Cô này chỉ cần tạm ngưng vài ngày, rồi sau đó, mọi chuyện lại bình thường. Hà Linh vẫn "chốt đơn" liên tục và chẳng ai còn nhắc đến drama nữa. Sự dễ dãi của một bộ phận người xem cũng như việc không kiểm soát nội dung livestream của TikTok đã tiếp tay cực mạnh cho những người này dù họ vướng vô số rắc rối.
Dù là nhãn hàng lớn hay nhỏ, KOC hay TikToker lấn sân chốt đơn, những ồn ào giữa các bên tạo nên môi trường buôn bán đầy thị phi, thậm chí có thể bị lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng cuối cùng, người chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn chỉ có là chính các khách hàng - người xem mà thôi.
Duy Lộc (SHTT)