Dịch vụ cho thuê bạn gái về quê ăn Tết nở rộ

20/01/2017 06:17:00

Bằng cách thuê một bạn gái, nhiều chàng trai độc thân trong độ tuổi kết hôn, từ giữa 20 đến giữa 30 tại Trung Quốc muốn tránh những câu hỏi "kinh điển" như “Bạn gái con đâu?” hay “Chịu lấy vợ chưa?’ mỗi dịp Tết đến của các ông bố bà mẹ.

 

Bằng cách thuê một bạn gái, nhiều chàng trai độc thân trong độ tuổi kết hôn, từ giữa 20 đến giữa 30 tại Trung Quốc muốn tránh những câu hỏi "kinh điển" như “Bạn gái con đâu?” hay “Chịu lấy vợ chưa?’ mỗi dịp Tết đến của các ông bố bà mẹ.

Ngoài các công ty mai mối, nhiều diễn đàn trực tuyến về hôn nhân, các ứng dụng di động tại Trung Quốc cũng đang rầm rộ giới thiệu dịch vụ cho thuê bạn gái về ăn Tết. Tuy nhiên, dịch vụ này hiện không được pháp luật bảo vệ. Theo các luật sư tại Trung Quốc, khách hàng có thể ký hợp đồng với đối tác đóng giả bạn gái nhưng loại hợp đồng này không có giá trị pháp lý vì luật Trung Quốc không xem con người là một đối tượng cho thuê như hàng hóa khác.

dich-vu-cho-thue-ban-gai-ve-que-an-tet-no-ro
Ảnh chụp màn hình một website giới thiệu dịch vụ cho thuê bạn gái về quê ăn Tết tại Trung Quốc.

Dịch vụ này cũng được đánh giá là có rủi ro khá lớn vì không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có sự cố hay tai nạn xảy ra trong thời gian "bạn gái giả" đến thăm gia đình chàng trai. Cùng với đó, nhiều thông tin của các chàng trai và gia đình họ lại được "bạn gái giả" nắm rõ và có nguy cơ bị sử dụng để trục lợi. Hoàn Cầu thời báo cho biết, từng có nhiều sự cố dở khóc dở cười xảy ra với dịch vụ cho thuê bạn gái. Năm trước, một người đàn ông tại Quảng Châu đã nộp đơn kiện sau khi bạn gái hợp đồng nhận tiền nhưng bỏ trốn trước khi về quê cùng ông. Hay như một chàng trai ở Phúc Kiến tá hỏa khi bố mẹ lì xì cho "con dâu tương lai" đến 20.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 65 triệu đồng) nhưng cô gái không chịu trả lại.

Dịch vụ cho thuê bạn gái ở Trung Quốc phát triển mạnh bởi quan niệm về "thành gia lập thất" còn rất lớn trong văn hóa truyền thống nước này. Trong nhiều trường hợp, việc cưới vợ được xem là một điều hiển nhiên và bắt buộc đối với các chàng trai hơn là một sự lựa chọn thuộc về cá nhân. Ở nhiều vùng quê Trung Quốc, nhiều người vẫn giữ quan điểm trai gái trên 27 tuổi mà chưa lập gia đình thì gọi là "đồ thừa, đồ ế" hay "thặng nam, thặng nữ". Quan điểm này có ý chê trách đây là những người quá kén chọn hay quá tệ đến không ai muốn lấy. Tuy nhiên, đi ngược với truyền thống, nhiều thanh niên Trung Quốc ngày nay thường muốn kết hôn trễ hoặc sống độc thân suốt đời.

Theo China.org.cn, những quan điểm của các ông bố bà mẹ Trung Quốc về việc lập gia đình của con cái hầu như không thay đổi trong những năm qua, nhất là khi nước này trải qua thời gian dài dưới chính sách một con khiến người lớn tuổi mong sớm có cháu ẵm bồng. Với nhiều người, ít nhất thì con cái trước 30 tuổi cũng phải đang hẹn hò. Điều này khiến các chàng trai độc thân chịu áp lực khá lớn. Một số phải chọn cách thuê bạn gái nhằm xoa dịu gia đình.

Theo Viễn Thông (VnExpress.net)