9 năm làm bạn với xe lăn
Năm 12 tuổi, Phan Vũ Minh (SN 1991, Vĩnh Long) sau nhiều lần đau lưng, đi lại khó khăn, được chẩn đoán mắc dị dạng mạch máu tủy sống. Căn bệnh hiếm hiện nay tại Việt Nam chưa có thuốc chữa, Minh là trường hợp thứ 2 trên cả nước mắc bệnh. Đau nhức nhiều, chân tay yếu dần, bố mẹ dồn hết tiền đưa Minh đi chữa trị nhiều nơi.
Dù bệnh tật, Minh vẫn kiên trì đến trường. Chân yếu, anh thường là người cuối cùng rời lớp, sau khi bạn học đã chạy ùa ra từ lúc nào. Mỗi lần lên bậc thang, hoặc anh nhờ bạn, hoặc tự bám tường mà đi. Từng đợt điều trị giúp anh đỡ dần, nuôi giấc mơ hoàn toàn khỏe mạnh sau này. Tuy nhiên, không như mong đợi, diễn biến bệnh ngày một tệ hơn.
Đến năm 20 tuổi, tủy sống bất ngờ bị phù lên, dập tắt mọi hy vọng lúc đó, Minh không thể đi lại được nữa. Buồn rầu, bế tắc và thất vọng vô cùng, anh rơi vào trạng thái suy sụp và nghĩ quẩn.
"Có những lúc mình muốn kết thúc cuộc đời, nhưng thương cha mẹ nhiều lắm. Nhiều lúc buồn và mệt mỏi, nhưng rồi cũng nhanh chóng trôi qua. Mình cố gắng tập vật lý trị liệu phục hồi", Minh nói.
Anh rời Sài Gòn về Vĩnh Long sinh sống, bỏ dở việc học đại học. Ở quê, không khí thoáng đãng và thoải mái, có thể giúp phần nào đó trong việc phục hồi. Để không phải phụ thuộc vào bố mẹ, anh tự chủ trong sinh hoạt cá nhân.
Làm quen với xe lăn, là một trong những trở ngại lớn với Minh. Anh từng tự do trên đôi chân trần của mình, bỗng một ngày bị "trói buộc" trên chiếc xe không mong muốn. Anh ngại ngùng và khó chịu.
Thời gian đầu, anh khó di chuyển. Nhưng dần dà, cảm giác ngại ngùng tan biến, anh thành thạo đi lại bên cạnh "người bạn thân" mới.
"Mình còn trẻ, ở nhà mãi cũng không ổn. Mình tập đi ra ngoài, hôm nay là con hẻm nhỏ, ngày mai ra tận ngoài đường, cứ từ từ hòa nhập cuộc sống. Từ người khỏe mạnh bỗng thành khuyết tật, mình cần thời gian để thích nghi".
Quan sát một thời gian, Minh thấy mọi người cũng dần "bình thường" với anh, nên tự tin và mạnh dạn đi xe hơn. Rồi anh bắt đầu làm kinh tế, tìm một công việc thích hợp để kiếm thu nhập. Đến nay, Minh bán cây cảnh cũng được 5 năm rồi.
Muốn đi nhiều nơi hơn, khám phá nhiều miền đất mới, bù lại khoảng thời gian bệnh tật chỉ quanh quẩn ở nhà, Minh nghĩ rằng "Tại sao mình không đi phượt?".
Chinh phục 30 tỉnh/thành phố và ước mơ lái xe qua các nước láng giềng
Minh nhờ một người anh học cơ khí cùng chế tạo chiếc xe 3 bánh từ xe lăn, theo ý tưởng ban đầu mà anh mong muốn.
Chuyến đi xa đầu tiên vào năm 2017, Minh chọn điểm đến là Bạc Liêu. "Ngày xưa nằm viện, mình có hứa với một người bạn cũng mắc căn bệnh giống mình, rằng khi nào khỏe mạnh, có thời gian sẽ đến thăm".
Minh tập thể dục mỗi ngày, nên sức khỏe là điều anh tự tin nhất. Anh nghiên cứu lộ trình di chuyển và kiếm tìm một người bạn đồng hành.
Trước khi xuất phát, bố mẹ ngăn cản con trai vì "nguy hiểm quá". Minh đã thuyết phục họ bằng câu khẳng định chắc nịch "con tính toán kĩ mới làm, con sẽ chạy xe cẩn thận, nên bố mẹ đừng lo".
Sau cùng, họ cũng đồng ý, để con trai tự bước vào cuộc chiến của riêng mình.
Từ đó, Minh lần lượt chinh phục đỉnh Langbiang, ngắm hoàng hôn đẹp nao lòng tại làng chài Rạch Tràm (Kiên Giang), chịu cái nắng đổ lửa tại Eo Gió (Bình Định), vượt qua "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" – đèo Hải Vân, về với cố đô Huế. Đến nay, anh đã đi qua 30 tỉnh/thành phố trên khắp cả nước.
"Mình ấn tượng nhất với Tây Nguyên, vào mùa cà phê, cảnh vật thoải mái, con người nồng hậu. Mình muốn trở lại với mảnh đất đầy nắng gió này trong thời gian tới".
Khi đi qua mỗi thành phố, Minh thường nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường như cơm hộp, bánh mỳ. Anh hạn chế đi buổi tối, trừ trường hợp bất đắc dĩ, nhất là những lúc phải băng qua đèo, ghềnh. Anh thường chọn khách sạn hoặc nhà nghỉ phù hợp, nghỉ qua đêm, sáng hôm sau tham quan cảnh vật và thiên nhiên.
Khó khăn nhất trên hành trình chinh phục đất trời, Minh nói rằng đó chính là thời tiết. Chỉ một cơn gió thôi cũng tạo cảm giác buồn ngủ, anh phải dừng dọc đường thường xuyên để tỉnh táo, rồi mới tiếp tục chặng đường.
"Không thể ngồi nhiều vì sợ bị loét cơ thể, mình tính toán thời gian hợp lý, trải thảm yoga ngay lồng xe để nghỉ ngơi".
Con đèo đầu tiên Minh chinh phục là đèo Bảo Lộc. Gian nan đến nỗi chỉ muốn xé toạc bàn tay, đau kinh khủng. Chạy một đoạn, Minh lại dừng, khiến hành trình bị đứt quãng. Nhưng sau này, khi trải nghiệm nhiều hơn, anh có kinh nghiệm, biết điều tiết tay mỗi khi giữ phanh, để bớt bị trầy xước và đau nhói.
Những lần sau, Minh lần lượt vượt đèo Hải Vân, đèo Cả, đèo Khánh Vĩnh, nhưng con đèo khiến anh thực sư biết cảm giác sợ đồi núi là như thế nào, chính là đỉnh Langbiang.
Khi đổ đèo có nhiều đường dốc, Minh thắng tay quá nhiều lần khiến một bên xe bị mất thắng, rất nguy hiểm. "Đánh giá tình hình, mình bình tĩnh để xử lý nên không sao. Đây cũng là một bài học cho mình, phải cẩn thận và kiểm tra an toàn trong những chuyến đi sắp tới".
Khó khăn là vậy, nhưng đến bất cứ mảnh đất nào, Minh cũng nhận được sự đối xử nồng ấm của người dân bản địa. Họ vui vẻ và tiếp đãi Minh như người thân trong gia đình.
Thời gian tới, nếu có bằng lái quốc tế, Minh hy vọng có thể tự lái xe qua Campuchia thăm một người bạn từng cùng điều trị phục hồi. Minh muốn tự đi, không phải cậy nhờ phương tiện nào khác. Ước mơ của anh, còn là Lào, Thái Lan,... để trải nghiệm những thú vị và mới lạ. "Nhưng trước mắt, cứ phải đi hết Việt nam đã", Minh cười.
Để đến mỗi thành phố, Minh mất nhiều tuần hoặc một tháng, rồi lại quay về Vĩnh Long, chuẩn bị cho những chặng đường sau. Nhìn lại cả hành trình chinh phục 30 tỉnh/thành phố vừa qua, Minh tự nhận mình là một "kẻ liều lĩnh".
"Nhưng mình nghĩ, sau này, hối tiếc nhất chính là những điều mình không dám làm. Tại sao có sức khỏe, có điều kiện, lại không thực hiện đam mê ngay bây giờ. Thà làm rồi thất bại, sẽ vui hơn là day dứt trong suy nghĩ".
Không phải là một danh xưng mĩ miều "phượt thủ đặc biệt nhất Việt Nam", Minh nói rằng anh thỏa mãn với bản thân về giấc mơ khám phá xung quanh. Dù có mắc căn bệnh nào đi chăng nữa, có đam mê và sự quyết tâm, anh sẽ cố gắng để chinh phục.
"Tuy rằng mình không bằng người khác, nhưng không vì thế mà chỉ biết ôm sự thiệt thòi đó, Mình phải thay đổi để tận hưởng cuộc sống, vì vốn dĩ mình sống cho mình, chứ không sống cho ai cả".
Từ những kiến thức và trải nghiệm có được, Minh hy vọng có thể lan tỏa năng lượng tích cực giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh, để họ có cái nhìn khác về cuộc sống.
Minh nói, anh hay bất cứ người khuyết tật nào, không muốn người khác thương hại. Thay vào đó, hãy nhìn họ theo hướng tích cực và lạc quan hơn.
"Phải tạo cho mình điều kiện, các mối quan hệ bạn bè, thì cuộc sống mới chất lượng hơn. Mình muốn chứng minh cho người đời thấy, dù khuyết tật, nhưng mình vẫn có thể làm bất cứ việc gì, thách thức bản thân, khám phá đam mê du lịch".
Theo Minh Nhân (Tổ Quốc)