Và mới đây, câu chuyện đi qua 5 nước ĐNÁ gồm Singapore - Malaysia - Thái Lan - Lào - Hà Nội chỉ tốn 6,5 triệu đồng của Nguyễn Tuấn Anh (sống tại TP.HCM) đang trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Để tiết kiệm chi phí ở mức tối đa, Tuấn Anh hầu như không có một buổi "xõa" đúng nghĩa nào ở nước bạn. |
Đặt chân đến Singapore hay Thái, chàng trai Việt cố gắng ăn no bụng với các món toàn gạo. Khi chọn phương tiện di chuyển, Tuấn Anh ưu tiên các phương tiện công cộng với giá trẻ. Thậm chí, chàng trai này chọn xe bus để đi qua cửa khẩu các nước từ Singapore - Malaysia - Thái Lan - Lào - về Hà Nội. Tuấn Anh có trải nghiệm chạy xe máy 700 km qua 3 tỉnh miền Bắc Thái Lan là Chiang Mai - Chiang Rai - Pai. Tổng chi phí di chuyển tốn khoảng 4.254.000 đồng.
Ngoài khách sạn rẻ tiền và ngủ dorm, Tuấn Anh ngủ bụi là chính. Cậu có thể ngả lưng ở bất cứ đâu từ ga tàu, cây xăng, trên xe bus, ngủ giữa đèo hay thậm chí là ngủ trên ghế của một chú bảo vệ tình cờ làm quen được trong đêm. Tổng chi phí cho việc ngủ trong 12 ngày của Tuấn Anh chỉ mất 430.000 đồng. Đây là điều không thể tin nổi!
Về chuyện ăn, Tuấn Anh chốt một câu gọn lẹ: "Tôi hạn chế việc ăn đặc sản vì sợ ảnh hưởng đến lịch trình, và điều đó là đúng!". Nhờ vậy, anh chỉ tiêu 100.000 đồng tiền ăn 1 ngày trong suốt hành trình khám phá các nước ĐNÁ.
"Dám đi là đã dũng cảm"
Sau khi nhật ký hành trình với mức chi phí "tưởng không rẻ mà rẻ không tưởng" của Tuấn Anh xuất hiện trên các diễn đàn, nhiều người đã bày tỏ quan điểm cá nhân với cách du lịch của anh.
Có người cho rằng họ không quan tâm chuyện Tuấn Anh đi kiểu nào, có hưởng thụ được gì từ những miền đất mới, điều quan trọng, cậu đã dám xách ba lô lên đi và trải nghiệm theo cách của riêng mình.
Bạn Anh Vũ chia sẻ cách nhìn về chuyến đi của Tuấn Anh: "Nhiều ý kiến trái chiều nhưng mình hoàn toàn ủng hộ bạn, cái quan trọng là vượt qua chính mình. Nhiều người muốn nhưng chẳng bao giờ thực hiện được, có người thì bận rộn với công việc, có người thì không có đủ tiền để trang trải chi phí và người thì lại nghĩ: suốt ngày phải di chuyển từ đi bộ, đi xe bus, cho tới đi tàu thì cho hỏi là đi qua đó làm gì vậy? Theo mình, cuộc sống nên nhìn từ nhiều góc độ, để đặt mình vào nhiều kiểu người. Ngưng phát xét đi các bạn!".
Ảnh chụp khi Tuấn Anh ngủ ở bên xe bus |
Trong khi đó, Phùng Quang Huy cho rằng mỗi người có một mục tiêu riêng của bản thân họ và có lẽ Nguyễn Tuấn Anh đơn giản chỉ muốn đi nhiều để trải nghiệm con người, đi để check- in, đi để biết trong thời gian hạn hẹp và chi phí hạn hẹp. Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt trong cách đi và sống của cậu ấy.
"Cảm ơn Tuấn Anh đã hoàn thành mục tiêu đề ra và chia sẻ thông tin để mọi người biết, học hỏi và rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất là chiến thắng chính mình!", Huy viết.
"Khám phá vùng đất mới thôi, ngủ bụi cũng là cái hay của phượt", quan điểm của Vân Anh.
Nguyễn Ngọc Quỳnh, chàng trai từng giả làm hành khất để thử lòng người dân khi đến Nepal, cho rằng: "Tôi không phán xét. Mỗi người chọn mục đích đi riêng. Người thì mục đích đi để thêm dấu vào hộ chiếu, người thì mục đích ít tiền nhất. Tôi tôn trọng bạn ấy vì bạn ấy đã đi, đã làm, đã có trải nghiệm riêng".
Quỳnh cũng chia sẻ thêm về phong cách đi du lịch của mình. Anh nói: "Tôi không thích xách ba lô lên và đi chỉ để thăm thú các địa danh người ta hay kháo nhau, thoả mãn cảm giác chinh phục hay có thêm một con dấu vào hộ chiếu. Với tôi, mỗi chuyến đi là cơ hội để thử một cuộc đời mới bằng nhiều tâm thế khác nhau, tìm thấy một phần chìm nào đó trong bản ngã mà chính mình cũng chưa biết.
Khi đi du lịch, có những ngày tôi sẽ thử chi tiêu ít nhất có thể. Nhưng cũng có những ngày tôi vào nhà hàng 5 sao để thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn. Tôi không thích cả chuyến đi chỉ chăm chăm mục tiêu chi tiêu ít nhất, mà để bỏ lỡ các mảng khác. Ví dụ như ẩm thực, các món đặc trưng, món đắt món rẻ, ngủ lang, ngủ ngoài đường, ngủ sân bay, ngủ dorm, ngủ home stay, ngủ resort... Tôi sẽ thử qua hết".
"Đi chơi hay đi hành xác vậy?"
Nhiều người đã thốt lên câu hỏi đó khi biết tới hành trình đi 5 nước chỉ tiêu 6,5 triệu của Tuấn Anh. Đa phần họ là những người đi nhiều và đã có kinh nghiệm đi bụi ở nước ngoài. Họ hiểu được, chỉ với 6,5 triệu đồng, đôi khi du lịch trong nước còn chưa đủ huống hồ gì tự tin bước ra nước ngoài. Chưa kể, việc ngủ ngoài đường hay vạ vật khắp các bến tàu xe, cây xăng có thể gây nguy hiểm cho người đi du lịch và làm xấu đi hình ảnh của những tín đồ xê dịch Việt trong mắt người nước ngoài.
"Đi chơi hay đi hành xác vậy? Ăn không dám ăn ngủ không dám ngủ vậy ở nhà thích hơn, lấy 6,5 triệu đó làm tour Hạ Long có phải sướng hơn không? Việc bạn tìm mọi cách ngủ bụi để không thể chi trả tiền ở như vậy là làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nước khác. Nhìn bạn không khác gì vô gia cư ở những nước kém phát triển", Trịnh Văn Phong lên án.
Tuấn Anh bình thản đón nhận những lời khen, chê của dư luận |
Đinh Kiên nêu quan điểm khá gay gắt: "Ngủ bờ ngủ bụi lại không ăn đặc sản thì sao không đi trong nước cho rồi. Hành trình tị nạn thì đúng hơn. Chính những người như thế này đã làm cho du lịch các nước đi xuống. Có những quốc gia yêu cầu chứng minh tài chính để làm Visa, có nghĩa là khả năng anh có thể chi trả cho những ngày ở lại nước bạn. Bủn xỉn cỡ này chắc chả bao giờ đi xa hơn ĐNÁ. Cá nhân tôi nghĩ đã đi nước ngoài là phải sướng, dĩ nhiên là trong khả năng chi trả của mình! Khẩn thiết xin đừng cổ xúy cho loại du lịch hành khất này nữa".
"Cái quan trọng là mình thu được những gì sau chuyến đi. Ở những nơi đặc biệt, cần phải chi mới có được những trải nghiệm thì nên chi. Tiết kiệm quá như thế đâu phải là hay. Một điều nữa, bạn này quá liều lĩnh. Đi chơi xa, ra nước ngoài, ngôn ngữ không biết, văn hóa không rành, vậy mà kiếm một chỗ ngủ tử tế cũng hà tiện. Ban đêm lỡ có trộm cướp, trấn lột, mất hết tiền bạc, giấy tờ, hành lý thử hỏi làm sao mà về nhà", Minh Nhựt lo lắng.
Trần Việt Phương, người nổi tiếng trong giới du lịch bụi với biệt danh Travip, bày tỏ quan điểm trên Facebook cá nhân, sau khi đọc hết hành trình siêu tiết kiệm của Tuấn Anh. Anh viết: "Tuyệt nhiên một bài dài ngoằng không hề nói đến các trải nghiệm du lịch tìm hiểu văn hóa, điểm đến, con người, chỉ toàn bày cách đi sao cho thật hà tiện. Thậm chí còn không ăn đặc sản khi đến địa phương đó".
Anh đặt câu hỏi: "Các bạn trẻ ơi, các bạn đi siêu rẻ tôi không quan tâm nhưng điều gì đọng lại đầu tiên sau các chuyến đi? Thành tích siêu rẻ hay những tích lũy kiến thức về văn hóa, con người?".
Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này? Ủng hộ Tuấn Anh hay phản đối cách đi của anh ấy?
Theo Thiên Ái (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)