Hàng trăm độc giả phản đối, nhiều giáo viên cũng không đồng tình cách đưa phân cảnh phim "Hậu duệ mặt trời" vào đề thi môn Vật lý.
Theo đó đề giả định điện thoại nặng 150g được đại úy ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18 km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5 m, chọn gốc thế năng ở mặt đất, học sinh cần tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném; tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến và ở độ cao nào thì có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó.
Đề thi được một số học sinh cảm thấy hứng thú, tuy nhiên rất nhiều người bày tỏ sự không đồng tình với cách ra đề như thế này. "Không phải học sinh nào cũng theo dõi bộ phim được đề cập. Giáo viên ra đề thi sính mê phim Hàn quá chăng? Độc, lạ thường là hay, là ấn tượng nhưng không phải lúc nào cũng đúng", nick thaihoangna nhận xét.
Phân cảnh hất điện thoại hot nhất phim 'Hậu duệ mặt trời". |
Về câu hỏi trong đề thi nói trên, theo thầy Toản không hề hay xét về phương pháp dạy học vì không rèn luyện cho học sinh tư duy hay chứa đựng kiến thức vật lý nào. Hơn nữa, đây không phải là câu hỏi mang tính thực tiễn hay vận dụng kiến thức mà chỉ kích thích học sinh đọc bài hoặc đơn thuần là cảm giác thú vị. Đọc xong chưa chắc học sinh đã biết hướng giải nếu chưa nắm chắc dạng toán.
Theo giáo viên trường Nguyễn Tất Thành, câu hỏi hay phải đưa ra một hiện tượng vật lý gần gũi trong đời sống, sau đó yêu cầu học sinh dựa vào kiến thức vật lý để giải thích hoặc chứng minh. "Ở đây tôi còn chưa đề cập đến việc ra đề thế này rất có thể sai lầm, như hiện tượng đề cập không tương tự bài toán vật lý hay ngôn ngữ sử dụng có phải là ngôn ngữ khoa học hay không? Liệu chiếc điện thoại có phải chuyển động theo phương thẳng đứng không? Có coi điện thoại là chất điểm để bỏ qua lực cản không khí hay không...", thầy Toản nhấn mạnh.
Thầy Phạm Văn Tùng (giáo viên luyện thi môn Vật lý của trung tâm HOCMAI) cũng cho rằng, nhìn từ góc độ dẫn dắt thì đề thi chỉ mang tính chất ăn theo bộ phim đang hot, không mang tính thực tiễn. Thực tế phân cảnh trên đoàn làm phim phải làm lại nhiều lần, gây ra một trào lưu không hay (mất lịch sự) và nguy hiểm hơn khi học sinh cố gắng diễn theo phân cảnh này.
Đề thi nói trên cũng chỉ mang tính dẫn dắt chứ không mang tính thực tiễn. Nếu như cũng với nội dung trên, tác giả đổi sang tình huống khác và thực tế hơn phim ảnh, ví như bắn đại bác trong trận chiến Điện Biên Phủ lịch sử (vừa có tính thực tế áp dụng cho khoa học quân sự, vừa có ý nghĩa tái hiện lịch sử - tích hợp liên môn) hoặc tình huống học sinh tâng cầu tại chỗ và sử dụng các dữ kiện phù hợp thì đề sẽ hay hơn và tất cả học sinh đều có thể tiếp cận được.