Ngày nay, các thầy cô muốn đánh giá học sinh chuẩn chỉnh hơn thì phải nắm bắt được xu hướng của các em học sinh, và nhất là những gì chúng tiếp thu được trên MXH để đưa ra những đề thi, kiểm tra chuẩn chỉnh hơn.
Theo đó, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Gia Lai dành toàn phần Làm văn để học sinh thực hiện yêu cầu viết 1 bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn của giới trẻ hiện nay sau khi đọc 1 mẩu tin dưới đây:
"Đọc được tin nhắn của con gái đang học lớp 11 gửi một người bạn cùng trường, chị T.T.N.L (phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) 'choáng' với cả nội dung như sau: 't * a lại nói vs e nt. A có bik la em pùn lắm k? We nên nghĩ l nhg j đã làm. We đã có 1 tg iu nhao r đẹp, jờ * lại nói vs nhao nhg lời k vui?" (Tại sao anh lại nói với em như thế. Anh có biết là em buồn lắm không? Chúng ta nên nghĩ lại những gì đã làm. Chúng ta đã có một thời gian yêu nhau rất đẹp, giờ sao lại nói với nhau những lời không vui?)"
Thực tế, việc biến tấu các con chữ bình thường thành ngôn ngữ viết tắt hay các chữ ký hiệu là điều không mới, thậm chí chính lứa 8x, 9x - những thế hệ sử dụng Yahoo Messenger chính là những người phát minh ra kiểu chữ viết này, mục đích là để tạo ấn tượng hay chỉ đơn giản là để phụ huynh không đọc trộm được.
Nhiều người cũng thừa nhận, nếu không có đoạn dịch lại nghĩa ở phía sau thì họ cũng chẳng biết đề bài là gì. Đây là một hiện tượng khá mới mẻ trong cộng đồng mạng nhưng ít được quan tâm nên đề bài đưa ra khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Trước đây, tuy có một số đề bài đưa vấn đề này ra để thử sức học sinh nhưng chỉ dừng lại ở dạng bài tập nhỏ hoặc chiếm tỷ lệ điểm rất ít trong bài kiểm tra. Riêng lần này, trường học ở Gia Lai đã đưa hẳn vào phần Làm văn chiếm trọn 7 điểm trong kỳ thi giữa kỳ.
Ảnh: Trường người ta/ Internet
Lộc (Nguoiduatin.vn)