Người Việt Nam không còn xa lạ với tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát, gồm 3.254 câu.
Truyện dựa theo bộ truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, lấy bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh (từ năm 1521 tới năm 1567). Về mặt nghệ thuật, cho đến nay Truyện Kiều vẫn là hòn ngọc sáng nhất và là đỉnh cao chói lọi nhất của tiếng nói Việt Nam, của văn học dân tộc.
Thiên tuyệt bút này của Nguyễn Du là sự kết tinh tinh hoa của cả quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển nền văn học cổ điển viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Truyện Kiều cũng được xem là hòn đá tảng, đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật văn học dân tộc sau này.
Được biết, Truyện Kiều là "thi phẩm tiếng Việt được đọc nhiều nhất mọi thời đại". Tính đến năm 2021, tác phẩm được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Mông Cổ, Ả Rập,... Trong đó, bản dịch được đánh giá cao nhất là của học giả Huỳnh Sanh Thông với tựa tiếng Anh The tale of Kieu, xuất bản lần đầu vào năm 1973 tại Mỹ.
Các học giả quốc tế đều đồng thanh ca ngợi Truyện Kiều là tác phẩm xứng đáng nhất của nền thơ cổ điển Việt Nam và Nguyễn Du là nhà thơ lớn có một không hai của dân tộc.
Nhà văn, nhà thơ Pháp René Crayssac, người dịch Truyện Kiều sang Pháp văn đã thốt lên: "Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác, tưởng có thể so sánh với những văn chương kiệt tác của bất cứ đời nào, nước nào cũng không thua vậy".
Nhà văn Pháp Joocjo Budaren miêu tả Nguyễn Du "là người rất mực nhân đạo ở một thời đại ít nhân đạo" và Truyện Kiều của ông "quả là một bản trường ca kỳ lạ, nghịch đời, hấp dẫn và hiếm có".
Dịch giả người Trung Quốc Lý Văn Hùng gọi Truyện Kiều là "Việt Nam đệ nhất văn nghệ kỳ thư" và theo ông "về lối văn hàm súc như Truyện Kiều, thi sĩ Trung Hoa nào viết giỏi lắm là tới 300 câu, đã ứa máu; thế mà cụ Nguyễn Du viết những 3254 câu, thời trong văn chương cụ quả là một bậc tiên, bậc thánh".
Trong lời đề tặng bản Kiều dịch sang tiếng Đức xuất bản ở Berlin năm 1964, GS. TS. Johan Dichman viết: "Với tác phẩm này, độc giả Đức tìm thấy một thế giới văn học mà cho tới nay họ chưa từng biết tới: trước mắt họ, thấm nhuần trong Truyện Kiều là cả một kho tàng nhân văn, đỉnh cao tuyệt vời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam".
...
Được biết, Truyện Kiều còn được nghiên cứu, giảng dạy ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nga,... Truyện Kiều bằng tiếng Anh được Random House, nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ cho ra mắt năm 1973 qua bản dịch của GS. Huỳnh Sanh Thông, giảng viên đại học Yale. Bản dịch được nhiều nhà phê bình cho là dịch đúng và hay.
Năm 1983, cuốn sách được Nhà xuất bản Đại học Yale tái bản. Nhiều giáo sư người Mỹ và người Việt đã kiên trì đấu tranh để Truyện Kiều được dùng giảng dạy trong các môn về Việt Nam và Đông Nam Á. Ngoài ra còn có các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của Michael Counsell (NXB Thế giới, 1995), Lê Cao Phan (NXB Văn nghệ Tp. HCM, 1996).
Hiện nay, Truyện Kiều đang được giảng dạy trong môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 10 của Việt Nam với các đoạn trích được đặt tên như Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều, Thúy Kiều báo ân báo oán, Trao duyên, Nỗi thương mình, Chí khí anh hùng, Thề nguyền.
Theo Thanh Hương (Phụ Nữ Số)