Đau đầu vấn nạn "làm nhục cộng đồng" trên mạng xã hội

14/07/2016 10:12:00

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - nhân vật gây "bão" dư luận bởi những tranh luận sắc sảo trong chương trình "60 phút mở" trên VTV trò chuyện với sinh viên Hà Nội về những tác động xấu của mạng xã hội tới cuộc sống của chúng ta và cách để hoá giải nó.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - nhân vật gây "bão" dư luận bởi những tranh luận sắc sảo trong chương trình "60 phút mở" trên VTV trò chuyện với sinh viên Hà Nội về những tác động xấu của mạng xã hội tới cuộc sống của chúng ta và cách để hoá giải nó.

Ông cũng là tác giả cuốn "Bức xúc không làm ta vô can" được bà Tôn Nữ Thị Ninh gọi là tác phẩm phê bình xã hội "kết hợp một cách sống động và hấp dẫn hơi thở cuộc sống với tia sáng của học thuật". Gần đây nhất, ông là nhân vật gây "bão" dư luận bởi những tranh luận sắc sảo trong chương trình "60 phút mở" trên VTV.

Talkshow “Thiện”, “Ác” và Smartphone giữa TS. Đặng Hoàng Giang và các bạn sinh viên Hà Nội
Talkshow “Thiện”, “Ác” và Smartphone giữa TS. Đặng Hoàng Giang và các bạn sinh viên Hà Nội
 
"Làm nhục cộng đồng" trên mạng xã hội

Trò chuyện với các bạn sinh viên trong talkshow “Thiện”, “Ác” và smartphone, TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự "phục sinh" của vấn nạn "làm nhục cộng đồng". Mạng xã hội trở thành môi trường để lăng nhục lẫn nhau.

Ông nói: "Xã hội càng không hiện đại, làm nhục người khác nhân danh công lý càng tàn ác. Xã hội thế kỷ 19, làm nhục người khác bằng cách xăm chữ lên trên mặt, để đi đâu người ta cũng thấy đây là người phạm tội. Thời Trung cổ, người ta đóng sắt nung đỏ lên mặt. Thế kỷ 19 ở Nhật Bản, người phạm tội ngoại tình bị bêu ra công cộng...

Bây giờ Google cũng làm ra những “vết tích” trên mặt, lưu rất lâu đến hàng chục năm. Mỗi lần tìm kiếm kết quả về họ đều hiện ra. Ngày xưa, người ta chỉ phải đối mặt với khoảng trăm người lên án thì nay nạn nhân phải đối mặt với sự phỉ nhổ của hàng chục triệu con người trên Internet".

TS. Đặng Hoàng Giang tin rằng, trong tương lai, lực lượng kiểm duyệt văn hóa lớn nhất có thể là những "dân phòng" trên mạng. Bạn nói điều gì đó "dân phòng" không ưa, họ sẽ trừng phạt bạn.

Đám đông bầy đàn giận dữ, cuồng nộ lại đưa ra công lý. Công lý của đám đông đe dọa xã hội, đe dọa công lý của xã hội. Nạn nhân không chỉ bị làm nhục, mà còn bị đẩy ra rìa xã hội.

Trên mạng Internet, tính trầm trọng của vấn đề rất lớn bởi phạm vi, quy mố, số lượng người tiếp cận thông tin, hơn thế nữa hàng chục năm sau thông tin vẫn còn lưu lại.

Lí giải vì sao cộng đồng mạng lại hành động như vậy, TS. Đặng Hoàng Giang nói: "Họ nghĩ họ theo cái thiện nhưng thực ra họ cuồng tín. Đó là cái ác mang tính lý tưởng, ác để phục vụ lý tưởng nào đó. Thứ hai là do, cái tôi của họ bị tổn thương. Ngày nay cái tôi có thể bị tổn thương bởi bất cứ thứ gì.

Trong khi đó, nhiều người lại thích thú khi người khác bị làm nhục, bị khổ sở. Nhiều chương trình truyền hình thực tế đang đi vào con đường như thế để câu view bằng việc tạo nên các pha khó đỡ, các câu nói sỉ nhục, làm trò cười…".

Ông Giang nhắc lại câu chuyện cô bé bị người yêu cũ tung clip sex lên mạng. Chuyện của cô bé đã thu hút nhiều bình luận vô cùng độc ác, hơn 3 triệu lượt xem. Gia đình cô bé lên mạng xin được bình yên nhưng cộng đồng vẫn rất độc ác dẫn đến cô bé uống thuốc diệt cỏ chết, cộng đồng mạng quay sang hạ nhục chàng trai.

Các bạn sinh viên rất hào hứng với lối tư duy về mạng xã hội của ông Giang nên đã đặt ra nhiều câu hỏi.
Các bạn sinh viên rất hào hứng với lối tư duy về mạng xã hội của ông Giang nên đã đặt ra nhiều câu hỏi.
 
Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn "làm nhục cộng đồng"?

TS. Đặng Hoàng Giang đưa ra cho các bạn trẻ một số biện pháp có thể áp dụng để giảm thiểu cho tới triệt tiêu vấn nạn làm nhục cộng động trên mạng xã hội. Đó là: Không tham gia cuộc chơi, cuộc đua làm nhục người khác; Phản đối hành vi ngôn ngữ làm nhục; Phê bình người khác bằng ngôn ngữ từ tốn, văn minh; Không làm nhục người làm nhục ta; Bênh vực quyền tồn tại của người khác; Tôn trọng quyền tự do biểu đạt; Không chấp nhận phi nhân hóa, hiểu cảm xúc của người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm với họ...

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả Hoàng Giang về ứng xử làm sao đối với việc Hoa hậu Kỳ Duyên lộ ảnh hút thuốc trên mạng. Với những chỉ trích này, hoa hậu có khả năng bị mất vương miện hay không?

Ông Giang cho rằng những người phản đối trên mạng có suy nghĩ quá chật chội. Hình ảnh hoa hậu đã được thần thánh hóa, đẹp hoàn hảo, khiến cho phạm trù đạo đức này đã trở thành một thứ nhà tù để chúng ta cầm tù lẫn nhau. Chúng ta cần phải lên tiếng để thay đổi được quan điểm này.

Ở góc độ của một người mẹ có con 15 tuổi, phụ huynh đặt câu hỏi rằng việc nghiện smartphone và truy cập mạng xã hội có thực sự quá nguy hiểm đối với giới trẻ hay không?

TS. Giang cũng là một người sử dụng Facebook khá nhiều. Ông nói rằng mạng xã hội là một môi trường vui và căng thẳng, rất dễ gây nghiện. Người trẻ cần giảm thiểu nồng độ, liều lượng sử dụng. Đến một lúc nào đó, khi quan hệ xã hội thực tế bị ảnh hưởng, với đồng nghiệp, gia đình, bạn bè… đó là lúc cần phải cảnh báo bản thân và tìm cách dứt ra khỏi môi trường này. Công nghệ đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người. Do đó, con người cần phải có ý thức thoát ra khỏi sự ngọt ngào của công nghệ.

Trong cuộc thảo luận, một bạn sinh viên lại đặt câu hỏi rằng liệu có nên nhìn nhận việc hi sinh một vài cá nhân để đem lại lợi ích cho toàn xã hội? Lên án có tác dụng răn đe đám đông không?

TS. Hoàng Giang thẳng thắn nêu quan điểm trước sinh viên
TS. Hoàng Giang thẳng thắn nêu quan điểm trước sinh viên

Ông Giang trả lời rằng: "Khi xã hội càng hiện đại, người ta càng có xu hướng ít trừng phạt tội phạm ở nơi công cộng. Thực ra, những sự trừng phạt công cộng chỉ làm thỏa mãn bản năng trả thù của đám đông chứ không thực sự đem lại tính giáo dục về pháp luật. Xã hội khi ấy chỉ được điều hành bởi kẻ mạnh, bởi sự trả thù chứ không liên quan đến công lý".

Một người khác nêu quan điểm rằng trong xã hội hiện đại, nhịp độ quá nhanh của cuộc sống và sự hời hợt của các cá nhân là rào cản rất lớn để lan tỏa sự thấu cảm. Để kêu gọi thấu cảm dành cho những kẻ được gọi là "quỷ dữ” là rất khó làm được, vậy đối với mỗi người bình thường thì làm thế nào để đưa được thông điệp này đến với mọi người?

Ông Giang nhận xét rằng: "Điều này thực sự rất khó. Mỗi người đều cần phải tập luyện để chuyển hóa sự giận dữ của mình, tránh việc phản ứng lại quá nhanh trên mạng xã hội. Tạo cho mình một nhịp nghỉ, để đánh giá xem phát ngôn của mình có đem lại tác động tích cực cho người khác".

Cuộ thảo luận giữa TS. Đặng Hoàng Giang và các bạn sinh viên kéo dài hàng giờ đồng hồ và sôi nổi với nhiều gợi mở về ý thức cộng đồng, quản lý thời gian, quan hệ trên mạng xã hội... Sau buổi thảo luận, nhiều sinh viên chia sẻ rằng các bạn đã thu lượm được những ý tưởng thú vị về sử dụng mạng xã hội và hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động trên mạng xã hội sao cho nhân văn.

Theo Mai Châm (Dân Trí)

Nổi bật