Đắt "sô" dịch vụ... chụp hình kỷ yếu!

06/06/2017 10:46:00

Trào lưu chụp hình kỷ yếu xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng thật sự thịnh hành khoảng một, hai năm trở lại đây. Thời điểm này dịch vụ chụp hình kỷ yếu rộ lên, dù rất đắt “sô” nhưng không hề tăng giá. 

Trào lưu chụp hình kỷ yếu xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng thật sự thịnh hành khoảng một, hai năm trở lại đây. Thời điểm này dịch vụ chụp hình kỷ yếu rộ lên, dù rất đắt “sô” nhưng không hề tăng giá. 

Đắt 'sô' dịch vụ... chụp hình kỷ yếu!

Anh Đinh Gia Tiền, chủ một studio ở Đà Nẵng, cho biết: “Giá cả năm nay không tăng nhiều so với trước. Ngược lại chúng tôi còn có chương trình giảm giá với những sô lớn để cạnh tranh”. Anh cho biết vừa tuyển thêm 4 thợ chụp, thợ phụ để kịp “chạy sô”.

Bên cạnh những nhóm chụp hình chuyên nghiệp, nhiều tay máy “nghiệp dư” là sinh viên (SV) cũng chủ động đầu tư máy ảnh, máy quay phim, flycam... lập nhóm chụp hình kiếm thêm thu nhập, nhưng quan trọng hơn hết là thỏa niềm đam mê và nâng cao tay nghề.

Nguyễn Thanh Cường (SV năm 4 Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cùng ba người bạn SV của mình lập nhóm lấy tên CDH, nhận chụp hình kỷ yếu khu vực Huế - Đà Nẵng. Cường cho biết: “Mặc dù giá cả nhóm mình cao hơn các nhóm khác, nhưng về nghề này thì chất lượng được khách hàng chú trọng hơn giá thành nên nhóm mình vẫn chạy sô đều”.

Vào mùa cao điểm, công việc nhóm CDH căng thẳng. Nhiều hôm nhóm chụp đến tận 2 giờ chiều mới tranh thủ ăn trưa, hay những tối chụp đến hơn 11 giờ mới xong việc. Áp lực nhất là thời gian chỉnh sửa hình ảnh rất lâu mà khách hàng luôn muốn có hình sớm nên lắm lúc nhóm phải “cày đêm”.

“Mùa kỷ yếu” bắt đầu từ tháng 11 năm trước (với các lớp ĐH ra trường sớm) và kéo dài đến tháng 6 năm sau. “Tuy vào mùa hơi vất vả nhưng thấy khách hàng tự tin đăng hình lên Facebook cá nhân và tag mình vào với lời cảm ơn là vui lắm rồi. Có những buổi chụp hình chứng kiến cả lớp cấp III ôm nhau khóc, mình cũng rưng rưng, tự nhiên muốn trở về cái thời đó. Rồi cảm thấy yêu hơn cái nghề đã giúp các bạn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp thời đi học” - Cường nói.

Vì đang là SV nên các thợ ảnh dễ dàng bắt kịp xu thế của giới trẻ, từ đó tư vấn ý tưởng, kiểu dáng mới lạ hơn cho khách hàng. Các “nhiếp ảnh gia không chuyên” cũng hòa nhập vào tập thể để bắt kịp những khoảnh khắc tự nhiên nhất trong buổi chụp hình.

Trong khoảng hai tháng đi chụp hình, thu nhập của nhóm Cường tầm 50-70 triệu đồng. Cũng như Cường, Hồ Văn Thành Hưng (SV năm 2 Trường ĐH Kinh tế Huế) cùng năm người bạn của mình lập nên nhóm June Media để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh.

Hưng hồ hởi kể: “Nhiều lớp vừa chụp một bộ hình kỷ yếu ở chỗ mình nhưng vẫn muốn chụp thêm bộ nữa vì quá hài lòng và mong có bộ ảnh style độc đáo khác”. Ngoài chụp hình, các nhóm thợ ảnh SV còn kèm theo các dịch vụ bán bột màu, cho thuê trang phục... cũng mang lại một khoản thu không nhỏ.

Bạn Cao Ngọc Linh (SV Trường ĐH Sư phạm Huế) chia sẻ: “Lớp mình bỗng nhiên nổi tiếng trên cộng đồng mạng nhờ vào bộ ảnh với ý tưởng tái hiện các nghi thức trong thời phong kiến VN do nhóm June Media thực hiện. Mình thật sự hài lòng vì phong cách chụp hình khá chuyên nghiệp và vô vàn ý tưởng sáng tạo, độc đáo của nhóm”.

Chị Hồ Hoài Thương (37 tuổi, có con học Trường mầm non Họa My, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tình cờ thấy một nhóm SV đăng tin nhận chụp kỷ yếu giá rẻ trên mạng, tôi đã đề xuất việc chụp một bộ ảnh cho các con và ngay lập tức được các phụ huynh khác đồng ý. Nhóm đã đảm bảo đưa đón tận nơi và bảo vệ an toàn cho các bé nên chúng tôi cực kỳ yên tâm”.

Theo Đoàn Nhạn (Tuổi Trẻ)