Đang làm văn tả cây hoa hồng thì giữa chừng phát hiện bị lạc đề, học sinh tiểu học có màn 'bẻ lái' không thể tưởng tượng nổi

02/08/2024 11:04:20

Pha "bẻ lái" khiến cô giáo cũng choáng váng.

Sự hồn nhiên, chân thật của các em học sinh tiểu học đã cho ra đời những "tác phẩm" văn chương không chỉ khiến thầy cô mà ai nấy được dịp đọc qua đều... cười nghiêng ngả.

Có khi là tả thật quá thật như "Bố rất cao lớn. Mỗi lần bố ôm em, em chìm trong bóng tối", "Bố hơi lười chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy" hay "Mẹ em dữ như sư tử"… Có khi là màn "cua gắt", tưởng tả cái này cuối cùng tả cái kia. Vậy nên đọc văn của học sinh tiểu học lắm lúc thấp thỏm vì "phim hay thường nằm khúc cuối".

Mới đây, trên mạng xã hội có chia sẻ bài văn miêu tả cây hoa hồng của một học sinh. Chữ viết rất rõ ràng, văn phong mạch lạc, nhưng đọc xong dân tình mới thấy có gì đó sai sai.

Cụ thể, em học sinh viết như sau: "Trong tất cả các loài cây bóng mát em thích nhất là hoa hồng ở sân nhà em. Cây nở hoa màu đỏ rất đẹp, có mùi thơm và che nắng được cho đàn kiến. Em hứa sẽ chăm sóc tốt cây hoa hồng".

Đang làm văn tả cây hoa hồng thì giữa chừng phát hiện bị lạc đề, học sinh tiểu học có màn 'bẻ lái' không thể tưởng tượng nổi

Đọc xong bài văn này, ai nấy đều khen vì lời văn trau chuốt, mượt mà và có sự quan sát rất kỹ càng, cẩn thận. Thế nhưng, dân mạng cũng "tá hoả" nhận ra tác giả đã lạc đề, trong khi đề bài yêu cầu "tả cây bóng mát" thì bạn nhỏ này lại lựa chọn loài hoa để miêu tả.

Thật ra, có thể em học sinh này đã phát hiện ra mình nhầm lẫn. Vậy nên khi sắp kết bài, em đã đưa thêm lợi ích của cây hoa hồng là che nắng cho... đàn kiến. Như vậy, cây hoa cũng có tác dụng "bóng mát" như đề bài đưa ra. Nghe qua thì khá có lý, tuy nhiên cô giáo nhận xét ra sao thì có... trời mới biết.

Trước đó, một em khác cũng khiến dân tình "xỉu lên xỉu xuống" vì bài văn tả cây bá đạo. Học sinh này viết: "Trong nhà em có rất nhiều cây, cây cho bóng mát, cây cho trái ngọt, có cây tỏa ngát hương thơm", kèm câu cảm thán "tình cảm" không kém: "Cây nào em cũng yêu quý!".

Đến đây chắc ai cũng sẽ mường tượng những câu văn tả cảnh mượt mà tiếp theo như "cây mà em yêu nhất là cây cam, cây quýt...", rồi thì hoa có mùi thơm ra sao, thân cây thế nào... Thế nhưng, ở câu cuối, học sinh này lại có câu văn... "chơi trội": "Nhưng cây mà em yêu thích nhất là cây... vàng!".

Việc trẻ gặp nhiều lỗi sai trong giai đoạn đầu học làm văn là điều bình thường. Cha mẹ không cần quá lo lắng, thay vì thế có thể giúp trẻ rèn sự hoạt ngôn, tăng vốn từ vựng bằng cách thường xuyên trò chuyện, đọc sách cho con nghe...

Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Mới)

Nổi bật