Bà Lisa Shaw Webb - cô của Aiden - viết trên Facebook: "Cháu tôi đang mất tích ở Việt Nam. Lần cuối chúng tôi nhìn thấy cháu cách đây 3 ngày tại núi Fansipan, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, hướng Tây Bắc gần Sa Pa, Việt Nam. Xin mọi người hãy chia sẻ nhanh chóng vì Aiden có rất nhiều người bạn cũng hay du lịch ở khu vực này".
Bà Lisa Shaw Webb chia sẻ hình ảnh Aiden và kêu gọi tìm kiếm anh trên Facebook. Ảnh chụp màn hình. |
Sự vô tâm của bàn phím
Ngay lập tức, nhiều dân mạng đã chia sẻ ảnh và thông tin do bà Lisa cung cấp, mong giúp đỡ tìm thấy Aiden. Thế nhưng, bên cạnh đó, không ít người trẻ Việt lại có những bình luận cợt nhả, thậm chí vô văn hóa.
Họ quả quyết, với vẻ ngoài đẹp trai, Aiden đã bị trúng bùa ngải, bị các cô gái dân tộc bắt về làm chồng, đang giã gạo, uống rượu trong bản làng hay bị bán sang Trung Quốc... Thậm chí có người còn cho rằng, chàng phượt thủ chỉ giả vờ mất tích để câu view, gây chú ý.
Thành viên Duy Cường khiến dân mạng bất ngờ khi viết: "Ai bảo đi phượt làm chi, mất tích mấy ngày rồi không tìm ra đâu". Một số tài khoản (cả nam lẫn nữ) còn xin thông tin về năm sinh của chàng ngoại quốc để... chơi xổ số.
Tất cả bình luận này đều nhận được nhiều like (thích) và hưởng ứng từ những bạn trẻ khác. Đặc biệt, gần 200 người đã thi nhau dự đoán những lý do chàng trai này mất tích, ý kiến sau lại vô tâm và phản cảm hơn ý kiến trước.
Bức xúc trước sự vô tâm của giới trẻ, Hoàng Tiến Nam lên tiếng: "Sự hài hước thường mang lại niềm vui, thoải mái cho mọi người. Nhưng nhiều bạn trẻ đang cười trên nỗi đau của gia đình nạn nhân. Trong trường hợp này, khi không có tin tức có ích hoặc không muốn chia sẻ để lan truyền thông tin, im lặng là giúp đỡ người khác rất nhiều rồi".
Cùng ý kiến, thành viên Nam Trang thắc mắc, tại sao có những người có thể viết ra dòng chữ thể hiện sự kém cỏi, vô tâm đến thế.
"Nếu người mất tích là anh chị em, bạn bè, người thân của bạn, đọc được những dòng này, bạn có đau lòng không? Nếu không làm được gì, có thể im lặng, mỗi dòng chữ này chẳng khác gì một vết cứa vào sự lo lắng của gia đình người bị nạn. Xin đừng vô tâm nữa", Nam Trang viết.
Những lời bình luận vô văn hóa gây phản cảm trước sự việc chàng trai ngoại quốc mất tích. Ảnh chụp màn hình. |
Hồn nhiên một cách độc ác
Đây không phải lần đầu tiên những người bạn nước ngoài bị dân mạng Việt mang ra đùa cợt, gây phản cảm.
Mới tháng trước, "hot girl môi mọng" Lily Maymac bị các bạn trẻ "tấn công" trên mạng xã hội vì lộ cơ thể bé nhỏ ngoài đời. Loạt hình của cô tại Instagram, Facebook bị "thả bom" bằng vô số lời chê bai, chửi rủa vô văn hóa.
Giữa tháng 5 vừa qua, khi thông tin ba chàng trai Tây dọn mương thối tại Hà Nội được lan truyền trên mạng, không ít người trẻ điềm nhiên chê trách nhóm bạn đó là "rảnh", "làm hàng", "diễn sâu", "có dọn được hết mương ở Hà Nội không", "thích gây chú ý"...
Trước đó, hàng loạt người nước ngoài đã trở thành đích "ném đá" của giới trẻ như chàng sinh viên Hàn - Kim Wonsuk - đẹp trai trong buổi giao lưu tại Việt Nam bị "nhấn chìm" bởi hàng loạt bình luận khiếm nhã do "lỡ" có bạn gái.
"Trai đẹp Thời sự" Sébastien Fahrni (quốc tịch Thụy Sĩ) xuất hiện đúng 2 giây trên chương trình Thời sự 19h được cho là "chảnh" vì không trả lời tin nhắn của các fan cuồng Việt Nam.
Ném đá mọi nơi, viết bậy mọi lúc
Ai chia sẻ gì cũng ấn like, ai nói gì cũng hùa theo bình luận, đưa dự đoán vô tâm, cười đùa trên sự lo lắng của người khác, nhiều người trẻ Việt đang có thói quen "ném đá" tất cả thông tin, viết bậy ở mọi diễn đàn.
Nguyễn Nam Phong (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho rằng, một bộ phận giới trẻ hiện nay có thói quen bình luận tiêu cực, rải rác sự vô tâm của mình ở mọi nơi. Nguy hiểm hơn, đó là việc hùa theo đám đông xấu xí một cách vô thức.
"Lý do vì rảnh rỗi và thói quen thích cợt nhả. Không cần biết đối tượng là ai, lý do gì, nhiều bạn trẻ sẵn sàng lao vào bình luận, cười đùa, ném đá, chê bai", Nam Phong nhận xét.
Đồng quan điểm trên, Lương Minh Hiền (21 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ, thói quen soi xét, đánh giá người khác qua mạng xã hội của người trẻ đã tồn tại từ lâu. Hiện nay, một bộ phận thanh niên sử dụng mạng xã hội, núp bóng đám đông để thể hiện sự vô tâm, thậm chí tàn nhẫn, chỉ trích những người không quen biết, bất kể đúng sai.
"Họ cười nhạo, gõ bàn phím, đưa ý kiến không cần một giây suy nghĩ. Họ soi mói đời sống riêng tư, thích thú trước nỗi khổ của người khác. Sau khi rời máy tính, phần lớn quên đi dòng chữ mình vừa viết, phủi tay tắt máy là kết thúc câu chuyện. Nhưng mạng xã hội ả,o còn cuộc sống là thật. Hậu quả của các câu nói vô bổ trên mạng tàn khốc hơn nhiều", Hiền bày tỏ.
Nan giải hơn, người nước ngoài trên mạng xã hội còn có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của những bạn trẻ xấu xí này.
Bùi Thủy, (sinh năm 1991, Paris, Pháp) lấy chồng người Anh. Khi kết hôn, cả hai về Việt Nam chụp ảnh cưới và đi du lịch. Bộ ảnh cưới của họ được đăng trên diễn dàn cho giới trẻ đã nhanh chóng nhận vô số lời nhận xét thô lỗ từ dân mạng như "Lấy Tây chắc vì mê tiền", hoặc "Chê người Việt mới lấy Tây"...
"Đối với những cô gái, chàng trai có người yêu hoặc chồng, vợ là người ngoại quốc, chắc chắn từng nghe thấy câu trên. Có lẽ các bạn ấy gõ bàn phím nhanh quá, không nghĩ rằng trái tim có lý do riêng của trái tim, tình yêu và hôn nhân đâu có tùy thuộc vào quốc tịch, mà do sự đồng điệu của hai tâm hồn", Thủy cười buồn nhớ lại.
Bản thân mạng xã hội hay bất kỳ công nghệ nào đều là trung tính, tốt hay xấu chủ yếu phụ thuộc vào người sử dụng.
Cô của chàng phượt thủ Anh chắc hẳn không thể nghĩ rằng, lời kêu cứu của mình và bức ảnh người cháu đang không rõ tung tích hiện bị mang ra đùa cợt, bình luận phản cảm.
"Hot boy sân trường" người Hàn Quốc, "hot girl môi mọng"Lily Maymac, "trai đẹp Thời sự" Thụy Sĩ, ba chàng Tây dọn mương thối... cùng nhiều người nước ngoài khác chắc không biết được rằng, hình ảnh của mình sẽ bị ném đá bởi một bộ phận giới trẻ vô tâm.
Chưa bao giờ, những nút share, click, bình luận vô hồn lại độc ác đến thế!
Theo Hoài Thư (Zing.vn)