Phạm Thoại là cái tên gắn với nhiều drama, trò lố trên MXH. Có người nửa thật nửa đùa bảo: “Phạm Thoại cái gì mà chẳng dám làm!”.
Nhưng làm đám cưới thì… không ai nghĩ tới.
Ngày 28/3 vừa qua, Phạm Thoại gây sốc khi đột nhiên thông báo cưới vợ. Chỉ 1 ngày sau đó, hình ảnh về đám cưới, rạp cưới, cô dâu chú rể, khách mời xuất hiện tràn lan trên MXH. Dù nổi tiếng là chịu chơi, song đám cưới mà Phạm Thoại dựng lên được nhận xét “tuềnh toàng", áo dài cô dâu mặc bị bóc là hàng nhái kém chất lượng, quan khách hai họ gom lại chỉ hơn hai chục người, bố mẹ cô dâu không thấy xuất hiện.
“Người duy nhất đám cưới cả nước không ai tin", đây là câu dân tình dành cho đám cưới ở quê nhà của Phạm Thoại.
Bất ngờ đến sáng 1/4, Phạm Thoại đăng lại clip recap về đám cưới này rồi đính kèm dòng trạng thái: "Ngày cưới bội thu cá. Xin lỗi cả nhà nhiều ạ", tiếp đó, Phạm Thoại bồi thêm: “Cá tháng Tư vui vẻ nhé mọi người"
Dưới phần bình luận, có người thắc mắc tại sao đem chuyện cưới hỏi ra làm trò đùa rồi còn có cả mẹ ruột xuất hiện trên sân khấu, Phạm Thoại đáp: “Không, cái này mẹ tui không biết".
Dù Phạm Thoại đã nhắc đến đám cưới vừa diễn ra với tâm thế là một “trò đùa Cá tháng Tư" nhưng nhiều người vẫn hoang mang.
Bởi, nếu đem chuyện cưới hỏi ra đùa rồi tung hê lên mạng, đánh lừa cả mẹ ruột để làm content cho vui thì không còn từ gì để diễn tả. Và liệu có nhãn hàng nào còn muốn book 1 người thích tạo “content giả" như Phạm Thoại để quảng bá cho sản phẩm thật của mình?
Còn nếu Phạm Thoại cưới thật, thì tại sao phải gấp vội và trông như để “làm content" thế? Và nếu đây là đám cưới thật thì tại sao lại khoác lên lớp áo giả vào đúng ngày Cá tháng Tư. Hôn nhân là chuyện mang ra đùa cợt ư?
Trước những bức xúc của dân mạng khi liên tục bị Phạm Thoại dẫn dắt vào câu chuyện tưởng đùa hoá thật - tưởng thật hoá đùa, người làm truyền thông và công chúng đã đưa ra quan điểm cứng rắn của mình.
Nếu đám cưới giả của Phạm Thoại được ủng hộ, nhóm muốn nổi bất chấp lại có thêm 1 "giới hạn để bứt phá"
Trước câu hỏi: Việc làm của Phạm Thoại có đang ảnh hưởng đến ai không? anh Hạ Hồng Việt, Founder CTCP truyền thông và chiến lược Sellator, có hơn 10 năm làm Marketing Truyền thông Thương hiệu đưa ý kiến:
“Giống như câu chuyện về chú bé chăn cừu, sói không đến mà cứ đi chạy khắp làng hô cầu cứu, xong rồi bảo là đùa thôi. Làm gì có chuyện không ảnh hưởng đến ai? Mình lấy đi sự chú ý, thời gian, sự quan tâm lo lắng của họ, rõ ràng đó là ảnh hưởng đến họ mà. Thay vì tập trung vào những thứ giá trị hơn trong cuộc sống thì họ bị phân tâm vào lời đùa cợt của mình. Mình phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tạo ra việc đó.
Ranh giới giữa việc “đùa cho vui” và “lừa đảo lợi dụng người khác” cũng rất mong manh. Thông tin hình ảnh về đám cưới đăng khắp nơi vào ngày 29/3, sau đó không 1 lời đính chính, đến 1/4 thì đăng video trên kênh chính thức, để nội dung với ý là đùa. Rõ ràng đây là 1 trò đùa có kịch bản, lớp lang, và không hề tự phát. Có thể có nhiều người thấy vui, nhưng cũng có thể sẽ có nhiều người thấy không hề vui, thậm chí thất vọng vì mình đã trót đặt niềm tin lầm chỗ.”
Anh Hạ Hồng Việt nói thêm, nếu mọi chuyện dừng ở việc Phạm Thoại tuyên bố tổ chức 1 đám cưới, dựng rạp, mời mọi người đến, xong rồi 3 ngày sau bảo là đùa thôi, thì việc này sẽ để lại nhiều hệ luỵ.
Rõ ràng nếu kiểu làm nội dung này được ủng hộ, thì những người sẵn sàng nổi tiếng bất chấp sẽ thấy có thêm 1 giới hạn nữa mình có thể “bứt phá”.
Đám cưới còn có thể làm giả, thì giả ốm đau, bệnh tật, thậm chí giả vờ nguy kịch, giả chết… cái gì cũng có thể làm, miễn là nó gây ra sự chú ý. Nếu việc tổ chức “đám cưới giả” được thành 1 case study để làm truyền thông theo kiểu đùa vui không có hậu quả gì thì việc này sẽ ảnh hưởng đến cách nghĩ của cộng đồng về văn hoá, đặc biệt là giới trẻ, những người đang trong giai đoạn định hình nhận thức về cuộc sống.
Cũng trình bày quan điểm về việc này, anh Phùng Thái Học, Founder group "Tâm sự con sen" nổi tiếng, CEO của một agency và có 12 năm kinh nghiệm Digital Marketing và Content Marketing, thận trọng cho biết:
"Nếu đám cưới của Phạm Thoại là giả thì có lẽ đây sẽ là 1 sự vụ tương đối phức tạp nếu đem ra phân tích.
Content bẩn là một khái niệm mà xã hội đã lên tiếng phê phán trong một thời gian dài. Tuy nhiên có nhiều trường hợp mà chúng ta chưa thể định nghĩa một cách rõ ràng. Đối với một số dạng content kiểu như “thử thách ngủ chuồng chó”, thì chúng ta có thể dễ dàng nhận định đây là content bẩn, vì nó có thể cổ xúy những hành vi thiếu an toàn từ đó trực tiếp gây nguy hại cho xã hội.
Đối với trường hợp của Phạm Thoại, những content dạng “đám cưới giả” có lẽ chưa gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới xã hội. Nhận định đây là content bẩn hay không tôi nghĩ còn phụ thuộc vào từng người. Có người sẽ nói chỉ là vui thôi mà, có người sẽ cảm giác là bị lừa và sinh ra những cảm xúc tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu chúng ta ủng hộ những dạng content kiểu này thì giới hạn của content bẩn sẽ tiếp tục được mở rộng ra theo hướng khó kiểm soát, và tin giả sẽ tiếp tục tràn lan trên mạng xã hội.
Chắc chúng ta chưa quên mới gần đây xã hội xôn xao về 1 video, trong đó khách hàng đến quán nước và thể hiện một tính cách quá xấu xí. Xã hội đã phẫn nộ và liên tục thể hiện quan điểm cho đến khi nhận ra đó chỉ là 1 content do diễn viên đóng. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ, còn vô vàn các vụ tin giả giật gân để câu view bất chấp.
Các nhà sáng tạo nội dung được thỏa sức tìm kiếm ý tưởng cho những kịch bản dạng phim ngắn. Tuy nhiên, nên có ranh giới rõ ràng giữa phim và thực. Nếu là kịch thì cần thể hiện rõ là kịch, không nên gây hiểu nhầm cho người xem.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng lên tiếng phản đối content dạng này là một việc nên làm."
Người nổi tiếng hùa theo có vô can?
Rất nhiều người nổi tiếng biết Phạm Thoại tổ chức đám cưới giả, hoặc một số người chưa xác minh được đây có phải là chuyện thật hay không, nhưng vẫn hùa theo thổi phồng “đám cưới giật gân".
Họ đăng status cập nhật liên tục trên Facebook có hàng triệu người theo dõi, gây tác động lớn đến người dùng MXH.
Anh Hạ Hồng Việt nói: “Thực ra nếu nghĩ đến tên tuổi của bản thân và nếu tôn trọng những khán giả, những người theo dõi mình, thì tôi nghĩ sẽ không ai muốn hùa theo những trò đùa nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ như thế này.
Nhưng cũng có khả năng họ không hình dung trước được hậu quả nếu công chúng vô tình vì họ mà tin theo, để rồi cảm thấy thất vọng khi bị phản bội. Nói 1 cách nghiêm túc, nếu đám cưới này là giả, những người biết rõ mà vẫn lan truyền thông tin đó đến với cộng đồng thì chính họ đang lan truyền những tin tức giả - fake news.”
Cũng chính từ việc không chỉ mình Phạm Thoại hê lên chuyện đám cưới, rất nhiều người được cho là có sức ảnh hưởng trên TikTok, MXH cũng làm các clip review, đến ăn cưới, trao vàng… trong đám cưới Phạm Thoại như một cách “dẫn dắt" dư luận đi vào điều sai sự thật, nên khi mọi thứ “lộ diện", khán giả vô cùng tức giận. Họ cảm thấy mình bị biến thành trò đùa trong suốt những ngày qua dù bản thân thật tâm chúc phúc cho ai kia.
Bạn Ngọc Lê (SN 2001, TPHCM) bức xúc: "Không còn lời nào để nói, biết bao nhiêu lần bạn này xuất hiện lố lăng, content bốp chát, nhưng nếu đám cưới thì mình chúc phúc vô cùng vì tin rằng Phạm Thoại đã bảo vệ rất tốt người yêu 5 năm. Đến đám cưới - một chuyện thiêng liêng như vậy cũng đem ra làm trò đùa được, rốt cuộc Phạm Thoại đang nghĩ gì vậy?".
Bạn Thuỳ Trâm (SN 1998, TP.HCM) ngao ngán nói: "Phạm Thoại mang chuyện này ra đùa thì mình thất vọng quá vì mình thật tâm chúc phúc cho đôi này dù không phải fan Thoại".
Bạn Thu Nhi (SN 1999, Nghệ An) thất vọng: “Chuyện này mà cũng đem ra đùa ư? Rồi hết content đến mức phải làm vậy hả? Người ta trách không phải vì Cá tháng Tư đem đi lừa mà vì chuyện hệ trọng như thế này cũng đem đi lừa đó. Từ một người không yêu thành ghét bạn luôn rồi".
Theo Loan Tô - Ái Lê (Nguoiduatin.vn)