Tuần làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán cũng là lúc các công ty "thi" nhau trả lương, thưởng. Tâm trạng của dân văn phòng lúc này, khỏi cần nói cũng biết, là chẳng mong gì, chỉ mong hai tiếng "ting ting" báo mùa xuân về.
Đại hội khoe thưởng chính thức bắt đầu rồi đây!
Những con số đáng mơ ước, nhưng đâu đó vẫn còn tiếng thở dài…
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, bài đăng về mức lương, thưởng Tết năm nay đã thu hút "muôn vàn thái cực". Có những chia sẻ mà đọc xong, nhiều người phải vào "xin vía"; cũng có những tiếng thở dài được thốt ra, nhưng tựu trung lại, mọi người đều đồng tình: Giờ này vẫn có công việc, có lương ổn định đã là may mắn nhiều người.
Thưởng cao đương nhiên là ai cũng muốn, nhưng nếu có không được như kỳ vọng, cũng không đến mức mất hết tâm trạng đón Tết.
Nhìn lại một năm vừa qua, tình hình cắt giảm nhân sự vẫn chưa hẳn đã lắng xuống. Có người không may thất nghiệp, có người bị giảm lương, cũng không ít người chủ động thất nghiệp. Tình hình lương, thưởng Tết cũng vì thế mà muôn hình muôn vẻ.
"12 tháng vừa qua, tháng nào cũng đúng boong ngày cuối tháng là công ty chuyển khoản lương. Nếu ngày cuối tháng rơi vào cuối tuần, công ty sẽ trả lương sớm, chưa bao giờ chậm trễ. Còn chuyện tiền thưởng, đến giờ này mình vẫn chưa nhận được thông báo gì, cũng có chờ đấy nhưng dù thế nào thì cũng vẫn thấy biết ơn công ty. Năm nay mà có công việc ổn định là may mắn rồi mọi người ạ, nghĩ tích cực thì là vậy" - Một người để lại bình luận.
4 việc nên làm để tối ưu khoản tiền thưởng Tết
Ngoài tiền lương, thưởng Tết cũng là khoản tiền "mồ hôi công sức", là minh chứng cho cả một năm nỗ lực làm việc của chúng ta.
Chính bởi vậy, ngoài việc dùng tiền thưởng Tết để sắm sửa cho bản thân, phụ bố mẹ sắm Tết, bạn cũng nên làm 4 việc dưới đây, để "mồ hôi công sức" cả năm không hết sạch trong phút mốt.
1 - Để dành tiêu cho Tết năm sau
Tết năm nào cũng có, và năm nào chúng ta cũng cần chi tiền trong dịp này. Nếu năm nay, tình hình tài chính đã ổn định, không quá eo hẹp, hãy để dành 1 phần tiền thưởng Tết năm nay cho Tết năm sau, coi như một khoản dự phòng cho mục tiêu cố định hàng năm. Nghĩ một cách thực tế, dù không mong muốn nhưng cũng không có gì đảm bảo 100% rằng năm sau, chúng ta vẫn duy trì được nguồn thu nhập ổn định như hiện tại.
2 - Mua vàng
Nếu chưa có thói quen hoặc điều kiện để mua vàng hàng tháng, hãy xây dựng thói quen mua vàng mỗi năm bằng cách trích 1 phần tiền thưởng Tết để mua vàng. Tùy vào ngân sách hiện có mà bạn có thể mua 1 chỉ hoặc nhiều hơn. Làm vậy, vừa biến tiền thưởng Tết thành "hầm trú ẩn" khi nền kinh tế có biến động, vừa tích lũy được tài sản cho bản thân, không đi đâu mà thiệt.
3 - Đầu tư cho bản thân
Không phải là mua sắm quần áo, làm nail, làm tóc hay nói chung là đầu tư cho ngoại hình. Thay vào đó, hãy đầu tư cho bản thân bằng cách đi học, nâng cấp "cần câu cơm",... Bất cứ việc gì mà bạn cảm thấy rằng nó có thể giúp bạn tăng thu nhập, tăng cơ hội kiếm việc làm và kiếm tiền trong tương lai, hãy đầu tư vào đó.
4 - Xây dựng quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng (hay còn gọi là quỹ khẩn cấp) là khoản tiền được trích ra cho những sự kiện rủi ro bất ngờ. Số tiền này không phải để mua xe, mua nhà, hay cho những chuyến du lịch, mục đích của quỹ là cho những tình huống xảy đến bất ngờ như các thành viên gia đình đau ốm, bạn không may thất nghiệp,…
Nói cách khác, quỹ dự phòng không phải là khoản quỹ dùng để chi tiêu có các nhu cầu đã hoạch định, cũng không phải là khoản tiền phục vụ các mục tiêu lớn trong tương lai dài hạn.
Nếu chưa có quỹ dự phòng, bạn nên cân nhắc trích 1 phần tiền thưởng Tết để xây dựng khoản quỹ này, phòng khi bất trắc.
Theo Ngọc Linh (Phụ Nữ Số)