Người phụ nữ 65 tuổi (ngụ TPHCM) đến bệnh viện khám từ 2 năm trước do thường xuyên cồn cào, đau thượng vị. Sau khi nội soi, các bác sĩ phát hiện có vết loét nhỏ 12mm trong dạ dày.
Bệnh nhân uống thuốc thấy ổn nên không tái khám theo hẹn. Một năm sau, khi chứng bệnh tiếp tục hành hạ, người bệnh lại được soi dạ dày. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bà bị loét niêm mạc dạ dày cấp tính.
Mặc dù được kê đơn thuốc nhưng tình trạng không đỡ nên một tháng sau, bệnh nhân tiếp tục soi dạ dày lần 3.
Lần này, các bác sĩ phát hiện bên trong có những nang lao rất nhỏ với chất hoại tử dạng bã đậu, chẩn đoán bệnh nhân bị lao dạ dày.
Người bệnh điều trị theo phác đồ chung của chương trình chống lao quốc gia và tiên lượng tốt sau 6 tháng điều trị.
Bác sĩ Trần Đình Thanh - Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - vừa báo cáo ca bệnh này tại hội nghị khoa học diễn ra hôm qua.
Bác sĩ Thanh cho biết bệnh lao dạ dày vô cùng hiếm gặp, vì có axit dịch vị nên khả năng vi trùng lao tồn tại ở khu vực này là rất khó. Một số trường hợp bị lao dạ dày thứ phát do hạch bạch huyết lân cận bị nhiễm lao dẫn đến xâm nhiễm. Tuy nhiên, với ca bệnh này, các bác sĩ không tìm thấy một vị trí nào gợi ý là bệnh lao. Trước đó, bệnh nhân cũng chưa từng điều trị lao.
“Hiện chúng tôi chưa tìm được tài liệu nào báo cáo trên y văn về ca bệnh này tại Việt Nam” - bác sĩ Thanh nói.
Theo Bạch Dương (VietNamNet)