Tôi cũng như anh Đăng, chọn con đường trở về vì chúng tôi mong muốn được đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của Việt Nam.
Bùi Thị Minh Châu là một trong những cựu thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp khi về Việt Nam làm việc.
Châu tốt nghiệp loại Giỏi bậc Thạc sĩ ngành Quản lý phát triển tại CHLB Đức, thuộc top 20% sinh viên xuất sắc nhất khóa học trong vòng 14 năm kể từ khi chương trình học này chính thức bắt đầu (2000-2014).
Châu cũng là người Việt Nam duy nhất nhận học bổng toàn phần của chính phủ Đức (học bổng DAAD) cho khóa học thạc sĩ Quản lý phát triển (2012-2014)
Học xong, cô chọn hướng quay về Việt Nam làm công việc của một người phát triển cộng đồng, giúp đỡ những người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội. Châu mới về Việt Nam 1,5 năm.
Hiện cô làm Chuyên viên Truyền thông và Huy động cộng đồng tại Việt Nam của tổ chức PATH (Tổ chức phi chính phủ của Mỹ về y tế, sức khỏe).
Minh Châu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ phát triển của Đức trong một cuộc hội thảo |
Tôi không nghĩ anh Đăng chọn sai vì mục đích duy nhất của anh Đăng là làm khoa học. Anh Đăng có những bài thơ rất hay về lý tưởng sống và lúc nào cũng băn khoăn chuyện ở hay về mặc dù anh ở lại, sẽ có nhiều điều tốt đẹp với chân trời rộng mở.
Nhưng anh Đăng chọn về với quê hương với những dự định riêng. Anh Đăng muốn đào tạo cho một thế hệ sau này làm khoa học bằng những kiến thức mà anh Đăng đã có được từ nước ngoài. Nói chung, anh Đăng sống rất lý tưởng.
Tôi đánh giá cao lựa chọn đó của anh Đăng và luôn cảm động khi nghĩ về những lựa chọn ấy.
Có thể ở Việt Nam, lúc này tôi chọn môi trường này là đúng nhưng lúc khác, có một ông sếp khác về thì môi trường đó không còn phù hợp nữa. Ở một số nơi, đôi khi chúng ta còn quản lý bằng cảm tính.
Điều này khác với nước ngoài ở chỗ, khi anh làm môi trường nước ngoài, dù anh có ghét tôi như “xúc đất đổ đi” nhưng anh vẫn phải làm việc với tôi. Cá nhân là cá nhân và công việc là công việc, và cư xử bằng công việc.
Anh Đăng là một nhà khoa học, nên khi anh cư xử bằng tư duy của một nhà khoa học, rất thẳng thắn, rất mạch lạc, lại học ở Tây về nên phần nào cũng chịu ảnh hưởng cách làm việc của phương Tây, cộng với bản chất bộc trực nữa nên anh sẽ không ngại khi nói hết những suy nghĩ của mình.
Sự thẳng thắn, thành thật trong cuộc sống này đang là một thứ của hiếm và chúng tôi quý anh Đăng cũng vì điều đó. Nhưng, bản thân mình cũng nên có sự mềm mỏng nhất định.
Thẳng cũng được nhưng phải chọn một cách nói phù hợp với người nghe. Ông bà ta nói không sai: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Cũng là cái ý đó, mình nói cách này thì người ta chịu, cách kia thì người ta không. Cách nào cũng một mục đích đó thôi nhưng người khôn ngoan thì nên chọn cách nói nào để không hỏng việc.
Hơn nữa, tùy hoàn cảnh mình giao tiếp, mình phải biết sếp của mình, đồng nghiệp của mình là ai, để chọn cách ứng xử cho phù hợp.
Trường hợp anh Đăng, cư xử sao để không đánh mất mình nhưng cũng làm sao để thể hiện được sự tôn trọng người ta và sự khiêm tốn cần có, mới là điều quan trọng.
Vì dù không học ở người ta chuyên môn, vẫn có thể học được ở người ta những điều khác trong cuộc sống.
Tôi, anh Đăng và các bạn đã, đang và sẽ trở về, cũng nên có những điều chỉnh để hòa nhập được môi trường trong nước. Các bạn cũng hiểu văn hóa của đất nước mình, và khi ra nước ngoài các bạn đã hiểu được những khác biệt về văn hóa.
Vì thế, những người trẻ như chúng tôi cần chuẩn bị những kỹ năng ứng xử để tái hòa nhập thành công với môi trường làm việc trong nước.
Từ bản thân, gần 2 năm tôi về Việt Nam, tôi cũng phải tự học và điều chỉnh rất nhiều để hòa nhập với môi trường, và vượt qua những thử thách của cơ chế trong quá trình làm việc.
Dù công việc của tôi là làm cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhưng luôn tương tác trực tiếp với chính quyền sở tại.
Quyết định về nước rất khó khăn với tôi. Ngay lúc đi, tôi cũng đã phải suy nghĩ vấn đề này. Nhưng tôi khác anh Đăng, anh Đăng đi theo học bổng của nhà nước nên ràng buộc là phải về.
Còn tôi đi theo học bổng của chính phủ Đức, không về cũng chẳng sao vì không có bất cứ ràng buộc nào trong khi Chính phủ Đức cũng cần những nhân lực chất lượng cao.
Tôi về là vì tôi muốn trực tiếp phục vụ đồng bào mình, nhất là những người thiệt thòi trong xã hội, và lý do cá nhân, vì tôi muốn có nhiều thời gian ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ tôi đã lớn tuổi.
Tái hòa nhập vào môi trường làm việc ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung với cách làm việc ít bị quốc tế hóa như TP.HCM, với những đối tác hoàn toàn nhà nước, khoảng thời gian đầu tôi gặp nhiều khó khăn lắm.
Tôi chưa bao giờ làm trong nhà nước nên chưa hiểu. Trong khi đối tác của tôi đa phần là người lớn tuổi và có vị trí xã hội cao. Lúc đó, là đại diện của tổ chức nên tôi phải học cách điều phối tốt nhất tất cả hoạt động của tổ chức ở địa phương.
Tôi đã dành một khoảng thời gian đủ lâu để tìm hiểu đối tác và cách mà họ điều phối và thực hiện công việc. Từng bước rất chậm, tôi chọn cách lắng nghe, tìm hiểu và học hỏi.
Tôi tự thấy mình còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, nên tôi cần trân trọng và học ở họ rất nhiều điều.
Sau đó, từng bước, tôi trình bày những cái mới của tôi và lắng nghe người ta phản hồi về những cái mới của mình. Những cái ở Tây học về 100 cái không phải cái nào cũng phù hợp với Việt Nam.
Nhất là về văn hóa, cộng đồng. Nên mình phải nghe cách mà người ta phản hồi để đưa ra giải pháp – không hẳn là tốt nhất nhưng phù hợp với cả cách làm việc và thói quen của họ.
Thú thật là 3-4 tháng đầu tôi đã khóc rất nhiều và có lúc đã ân hận với quyết định trở về của mình.
Anh đã xác định mục đích lớn nhất của anh là làm, thì hãy lắng nghe, chọn sự phù hợp để anh được làm thứ anh chọn. Điều này có liên quan đến kỹ năng sống.
Minh Châu trong cuộc gặp mặt thí sinh Đường lên đỉnh Olympia |
Quay lại với câu chuyện của nhà trường và anh Đăng, tôi luôn giữ quan điểm đây là một chuyện rất nhỏ nhưng cả hai đã biến thành lớn, để một bên thì phải ra đi, một bên thì mất đi nhân tài cũng như tiếng tăm của mình.
Sự mất mát này thật không đáng!
Thẳng thắn mà nói, đây còn là vấn đề thuộc về ứng xử.
Thầy hiệu trưởng thì quản lý chung, cô hiệu phó quản lý hành chính, anh Đăng thì dân chuyên môn, xem như 3 đại diện điển hình của một tập thể, mà cư xử với nhau để việc đến nước này, dù là người ngoài cuộc, chính tôi cũng cảm thấy đau lòng.
Tôi tiếc cho cả hai, cả anh Đăng và trường. Anh Đăng với tài năng của anh, tôi tin anh sẽ có những công việc tốt, thậm chí anh có thể quay lại Hà Lan để làm những gì thuộc về chuyên môn của anh. Nhưng anh yêu quê hương và anh muốn cống hiến.
Tôi cũng tiếc cho trường, cho các thế hệ học sinh không được học ở một người thầy giỏi và tận tâm như anh Đăng. Nếu mình có một thế hệ giảng viên như thế, tốt vô cùng cho các thế hệ sau trên con đường chinh phục khoa học.
Thực ra, tôi không nhìn nhận việc anh Đăng với nhà trường là việc cá nhân mà là mâu thuẫn giữa một cơ chế với những cách làm việc, những suy nghĩ mới. Cả hai cũng đều có những cách xử sự cực đoan và cần phải điều chỉnh, cần phải thay đổi.
Anh Đăng hay thế hệ chúng tôi, tôi đã có sự đề cập ở trên. Còn nhà trường đại diện cho một cơ chế, mà cơ chế ấy đã có phần cũ kỹ trong tư duy quản lý, và có những cách ứng xử thiếu tiến bộ, cảm tính và có những lúc thiếu tình người.
Nên học tư duy quản lý phương Tây, đừng để quan hệ cá nhân can dự vào công việc. Tôi biết là khó nhưng phải thay đổi để công tâm với những người có năng lực thực sự, tạo cơ hội cho họ phát triển vì sự phát triển của họ cũng là phát triển của tập thể.
Tuy nhiên, sự thay đổi đó, từ suy nghĩ và hành động là đương nhiên, nhưng trước hết bản thân các bậc cha chú nên bao dung với lớp trẻ.
Nhà trường nơi anh Đăng chẳng hạn. Những người thầy, bậc cha chú, chúng tôi cần sự bao dung ấy, chứ không phải “cãi tay đôi” với một đồng nghiệp trẻ hơn mình như thế, vì sẽ làm mất đi sự cao cả của người thầy, của một tập thể sư phạm.
Ai cũng có quyền sai lầm, nhất là tuổi trẻ. Anh Đăng cũng có sự bồng bột của anh nhưng là sự bồng bột của một người hăng say, yêu công việc, có trách nhiệm dù rằng những lúc cư xử cũng có lúc thả trôi theo cảm xúc, có những điều chưa phù hợp.
Hãy bao dung và chỉ cho chúng tôi điều gì phù hợp, điều gì chưa phù hợp. Đúng hay sai đều phải chọn ra một cách giải quyết để đảm bảo cả hai phải tốt lên, thay vì đẩy nhau xuống hố.
Hãy chấp nhận những tính cách khác biệt và chọn một cách ứng xử để những khác biệt đó thành cá tính riêng chứ không phải đẩy người ta về thế phải đối đầu với mình.
Xin hãy chìa bàn tay ra cho chúng tôi nếu chúng tôi vấp ngã, chứ không phải là quay lưng một cách phũ phàng mà sự quay lưng đó không làm cho những người trẻ như chúng tôi lớn hơn được. Và làm giảm đi sự cao cả của thế hệ cha chú.
Bao nhiêu du học sinh trở về vẫn phải phí những năm tháng học hành của mình, những ước mơ dựng xây của mình vào những việc pha trà rót nước.
Đó là những sự thật mà chúng ta cần nhìn vào để thấy, các bậc cha chú cư xử với người trẻ, với những nhân tài như thế đã đúng hay chưa.
Dù họ ở hay về là quyền của họ, và không nhất thiết ở là không yêu nước và về là yêu nước. Nhưng bản thân những cơ chế ở Việt Nam, mà các bậc cha chú đang chèo lái, phải đủ mở, đủ rộng cửa để đón thế hệ trẻ trở về, để người tài được dùng đúng việc.
Cả hai thế hệ cùng đi về phía trước thì đất nước mới phát triển được. Còn gạch nối giữa hai thế hệ mà bị đứt gãy, thì đất nước chúng ta không bao giờ đi lên!
Những người có chuyên môn giỏi, quản lý giỏi sẽ làm nên một nền văn minh cho nhân loại. Nhưng, nếu những người đó, dù giỏi nhưng thiếu ứng xử, thiếu bao dung, thì chỉ là những người máy làm nên nền văn minh mà thôi.
Nền văn minh cần có linh hồn của những con người làm ra nó.
Chuyện của anh Đăng là chuyện của một cá nhân nhưng sẽ tác động trực tiếp lên các du học sinh, nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến cả một đất nước là bao nhiêu du học sinh họ thấy vậy họ sẽ không về, điều đó rất đáng lo cho Việt Nam.
Nếu các bạn, những người có tri thức nhân loại, không về thì làm sao đất nước đi lên? Nhưng nếu chúng tôi về mà cơ chế không thay đổi, làm sao chúng tôi đưa đất nước đi lên? Một đất nước tiến bộ hay không đều bắt đầu từ những con người tiến bộ.
Theo Hoàng Nguyên Vũ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)