Đường Lên Đỉnh Olympia là một cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh phổ thông trên toàn quốc của Việt Nam, được phát sóng trên kênh truyền hình VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình nhằm mục đích tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, khơi dậy niềm đam mê học tập, và tôn vinh tri thức. Cuộc thi được tổ chức hàng năm và thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Bên cạnh chiếc vòng nguyệt quế danh giá, nhà vô địch của chương trình sẽ nhận được suất học bổng du học Úc có trị giá cả chục nghìn USD. Trong 24 năm chương trình phát sóng, 23 trận chung kết năm được tổ chức, 23 nhà vô địch được tìm ra thì có 22/23 người chọn đi du học Úc với giải thưởng là suất học bổng trị giá cả chục nghìn USD. Ngoại lệ duy nhất là Trần Thế Trung (cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) - nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia năm 2019.
Đến thời điểm hiện tại, lựa chọn ở lại Việt Nam của Trung vẫn khiến không ít netizen xôn xao. Thậm chí từng có thời điểm, nhiều netizen chia sẻ lại hình ảnh và câu chuyện của Trần Thế Trung kèm lời cảm thán "Thật tiếc cho em". "Tiếc" vì nam sinh từ chối suất học bổng cả chục nghìn USD của chương trình, "tiếc" vì nam sinh đã không chọn "xuất ngoại" sang Úc. Nhưng về phía mình, Thế Trung lại có suy nghĩ hoàn toàn khác.
Không chọn du học Úc vì "cái duyên"
Chia sẻ về "cái duyên" này, Thế Trung cho biết từ khi giành chức vô địch Olympia, nam sinh cũng đã khá lưỡng lự trong việc lựa chọn đi hay ở. Và khi dịch COVID-19 bùng phát khiến việc học bị gián đoạn, Trung đã quyết định ở lại Việt Nam và theo học tại Đại học RMIT. Lựa chọn này của Thế Trung nhận được sự ủng hộ của gia đình.
Về lý do chọn theo học RMIT, Thế Trung tin tưởng đây là một trong những ngôi trường đào tạo Thiết kế đồ họa - ngành học mình đang theo đuổi - rất tốt. Hơn nữa đây cũng là một ngôi trường có môi trường năng động, cởi mở và tương đối bao dung với những bạn sinh viên không quá quảng giao, tôn trọng sự đa dạng của từng cá nhân.
"Mình thấy rằng ở Việt Nam cũng rất tốt, và có nhiều trải nghiệm khác biệt so với việc ở nước ngoài. Mình cho rằng ở mỗi nơi đều có một kiểu trải nghiệm khác nhau, và khi mình biết nắm bắt thì sẽ luôn có cơ hội.
Hơn nữa, lựa chọn môi trường nào cũng phải phù hợp với con người và mục đích của họ. Mình biết có những Quán quân tiền bối chọn du học Úc cũng như định cư tại Úc vì điều kiện sống cũng như học tập, làm việc, nghiên cứu… ở Úc đối với họ là tốt hơn, và điều đó hoàn toàn bình thường. Đối với mình như thế này cũng đã đủ, nhưng nếu có cơ hội trải nghiệm nữa thì mình cũng sẽ sẵn sàng đón nhận", Trung chia sẻ.
Khi bị một bộ phận netizen nhận xét là "thật tiếc nuối" vì không du học, nam sinh chia sẻ thẳng thắn: "Mình nghĩ mỗi người đều có cuộc sống và lựa chọn của riêng mình, và mình không cần ai tiếc hộ mình cả. Mình rất hài lòng với cuộc sống hiện tại ở Việt Nam, còn nếu họ cảm thấy không hài lòng thì họ có thể phấn đấu để có được cuộc sống tốt hơn mình".
Không chỉ học tập tốt, Trung còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nam sinh hiện đang là trọng tài trực thuộc quản lý của Liên đoàn bóng rổ Hà Nội và Hoàng Thành Basketball Agency cũng như là Phó Chủ tịch Thường trực của Câu lạc bộ Shogi Việt Nam.
"Đấy là những vai trò hiện tại mình muốn mọi người biết đến về mình, còn có lẽ mọi người biết đến mình nhiều hơn với chức vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 19", nam sinh tâm sự.
Ngoài ra, Trung cũng đang tự học Hán - Nôm và thư pháp theo một thư pháp gia khá nổi tiếng ở Hà Nội. Nam sinh lựa chọn theo đuổi lĩnh vực này bởi niềm ham thích với lịch sử, văn hóa dân tộc - những di sản quý báu của cha ông để lại. Thế Trung cũng mong muốn sẽ được biết thêm, hiểu thêm về quá khứ hào hùng của tiền nhân, về bề dày ngàn năm văn hiến của dân tộc, và duy trì những truyền thống, văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa.
Về dự định ngắn hạn của bản thân, Trung mong muốn có thể phát triển Câu lạc bộ Shogi Việt Nam lớn mạnh với nhiều người biết đến và chơi môn shogi, cũng như tổ chức được nhiều giải đấu lớn trong nước để lan tỏa nét đẹp văn hóa từ Nhật Bản này cho công chúng Việt Nam.
Theo Đông (Nguoiduatin.vn)