Những năm tháng tuổi thơ của rất nhiều thế hệ trẻ Việt đều gắn liền với những bộ truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản. Một trong số đó không thể không nhắc đến Dragon Ball , bộ truyện đã làm mưa làm gió trên khắp các sạp truyện, siêu thị sách, diễn đàn về manga một thời. Tuy nhiên, trong quá trình biên dịch ra các thứ tiếng khác nhau, một số nội dung truyện đã bị thay đổi cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng quốc gia cũng như phù hợp hơn với các độc giả nhỏ tuổi, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Phiên bản Dragon Ball ra mắt năm 2002 được xuất bản khi Việt Nam chưa gia nhập Công Ước Bern. Tại thời điểm đó, nhà xuất bản có thể tùy ý chỉnh sửa mọi hình ảnh, thậm chí "phóng tác" lời thoại miễn sao câu chuyện vẫn logic, hấp dẫn bạn đọc. Thực tế khi đó bộ truyện tranh Dragon Ball đã được biên soạn lại nội dung, chỉnh sửa hình ảnh rất khác so với nguyên tác, phía NXB đã lược bỏ đi những tình tiết "nhạy cảm" đặc trưng của tác giả để có thể phù hợp với người Việt.
Không chỉ thay đổi về mặt nội dung, việc NXB chế lại tên các chiêu thức thú vị đã được dàn nhân vật sử dụng trong truyện vẫn gây cười cho đến tận ngày nay mỗi lần xem lại. Ví dụ như Kameyoko, Xay da da cà na bánh đa, Suzuki cà ri bút bi bút máy hay Úm ba la cà na hột gà, Tôm tép bật bồ nông, Cá sấu đớp chim câu…
Mỗi lần nhắc lại tên các chiêu thức thuở "sơ khai" khi Dragon Ball mới về Việt Nam là cộng đồng mạng lại được 1 phen rộn ràng ôn lại kỷ niệm "khi xưa ta bé". Quả thật, đối với nhiều thế hệ Việt Nam, Dragon Ball đã trở thành 1 món ăn tinh thần không thể thiếu và giờ khi đã lớn, việc nhắc lại những thứ vui vẻ ngày bé khiến ai cũng thích thú. Cũng có rất nhiều ý kiến tỏ ra hưởng ứng với phong cách dịch này của NXB, vì nó hợp với người Việt Nam hơn và mang lại nhiều tiếng cười hơn.
Tuy nhiên, sau năm 2004 khi Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Bern, NXB Kim Đồng đã phải thực hiện nghiêm túc việc ký kết bản quyền. Và một trong những nguyên tắc cần phải thực thi là đảm bảo tính nguyên vẹn của tác phẩm, tất cả những nội dung, hình ảnh cần chỉnh sửa thì phải có phương án chỉnh sửa và phải được sự đồng ý từ tác giả. Nên việc những cái tên được chế cháo như ở trên kia sẽ không được sử dụng nữa.
Theo Mẹ Sề (Pháp Luật và Bạn Đọc)