Khi cô gái có tên Cha Ji-won quyết định vứt bỏ hết đồ trang điểm và cắt tóc ngắn, người đầu tiên trêu chọc, châm biếm cô lại là mẹ: "Ôi, giờ tôi có thêm một đứa con trai rồi này".
Không chỉ có mẹ Ji-won, rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc vẫn tôn thờ cái gọi là "chuẩn mực sắc đẹp" ở đất nước này: Mắt to, da trắng, mặt nhỏ, con gái phải nữ tính, ăn mặc hợp thời.
Phong trào 'thoát khỏi chiếc áo corset'
Từ năm 12 tuổi, Ji-won đã bắt đầu làm quen với mỹ phẩm để theo đuổi tiêu chuẩn về vẻ đẹp thống trị xã hội Hàn Quốc. Ở trường cấp hai, Ji-won lén lút sử dụng các loại kem nền làm màu da trông sáng hơn. Nữ sinh cũng luôn theo dõi các clip hướng dẫn trang điểm trên mạng để nâng cao kỹ năng của mình.
Khi bước vào tuổi 20, Ji-won thường chi 100.000 won (khoảng 2 triệu đồng) mỗi tháng mua mỹ phẩm. Đây là con số bình thường trong quan niệm của các cô gái để tiến gần hơn với "chuẩn mực vẻ đẹp" tại xứ sở kim chi.
Vài năm gần đây, khi làn sóng nữ quyền ngày càng phát triển ở Hàn Quốc, Ji-won quyết định bỏ đi đồ trang điểm và mái tóc nhuộm vàng thời thượng của mình, thoải mái với khuôn mặt hoàn toàn mộc.
"Tôi cảm thấy như mình được tái sinh vậy. Trước đây, tôi dành quá nhiều năng lượng và thời gian làm sao cho mình đẹp hơn. Bây giờ, tôi dành thời gian đó để đọc sách, tập thể dục", Ji-won nói.
Ji-won là một trong những người ủng hộ phong trào chống lại các tiêu chuẩn làm đẹp khắt khe ở Hàn Quốc, nơi phụ nữ bỏ ra hàng tiếng đồng hồ với khoảng 10 bước chăm sóc da vào mỗi tối trước khi đi ngủ.
Không chỉ vậy, họ thường phải dậy sớm hơn khoảng 2 tiếng so với giờ đi làm để đảm bảo có gương mặt hoàn hảo trước khi ra khỏi nhà, bằng cách tỉ mỉ tẩy da chết và các bước dưỡng da cầu kỳ lúc trang điểm.
Những người như Ji-won bắt đầu đăng tải clip phá nát đồ trang điểm lên mạng xã hội với khẩu hiệu "thoát khỏi chiếc áo corset" (áo định hình), ví dụ như phụ nữ phải trang điểm hàng ngày hay chịu đựng những tiêu chuẩn khắt khe về vẻ đẹp.
Xu hướng này cũng góp phần thúc đẩy việc chống lại sự gia trưởng ở xứ sở kim chi. Trước đó, phụ nữ Hàn Quốc từng xuống đường biểu tình chống lại sự bất bình đẳng, nạn quay lén tại nhà vệ sinh công cộng và tấn công tình dục.
Điều khiến cho phong trào này đáng chú ý là do nó diễn ra ở Hàn Quốc - nơi có tỷ lệ người phẫu thuật thẩm mỹ rất cao.
Theo Euromonitor, khoảng 1/3 phụ nữ trẻ thú nhận rằng họ từng đụng dao kéo. Ngoài ra, nơi đây cũng sở hữu những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng khắp thế giới với tổng giá trị lên tới 12,5 tỷ USD (khoảng 290 tỷ đồng).
Thoải mái với tiêu chuẩn của riêng mình
Ji-won hiện nay chỉ tiêu 4.000 won (khoảng 80.000 đồng) mỗi tháng mua kem dưỡng ẩm và dưỡng môi. Ngoài ra, tài khoản mạng xã hội - nơi cô từng dùng để học trang điểm - nay được sử dụng nhằm nâng cao nhận thức về nữ quyền cho các cô gái.
Tiêu chuẩn về vẻ đẹp của nữ giới Hàn Quốc thậm chí không xa lạ với giới trẻ châu Á. Đó là làn da trắng, mắt to, mũi cao, chân thon, khuôn mặt nhỏ và cơ thể mảnh khảnh.
Dù mỗi quốc gia đều có chuẩn mực riêng, do tính chất xã hội ở Hàn Quốc, hàng triệu người đã phấn đấu có được vẻ ngoài kiểu mẫu này.
Vài tháng qua, điều này đang dần thay đổi khi có hàng nghìn bài đăng chứa hình ảnh các cô gái đập phá mỹ phẩm của mình như cách phản đối quan điểm cổ hủ về cái đẹp.
Trong một clip, hai cô gái đã đổ tất cả phấn mắt, sơn móng tay, kem nền lên một tấm vải trắng. "Tôi đã xấu hổ vì từng không thể ra ngoài mà thiếu những thứ này trong quá khứ", một trong hai người nói.
"Thật không thể tin được là tôi từng đắp những thứ này lên mặt", một cô gái khác phát biểu trên Twitter.
Bỏ trang điểm chỉ là một phần trong chiến dịch chống lại các tiêu chuẩn sắc đẹp hiện hành. Trào lưu này bắt đầu nở rộ vào đầu tháng 5, khi nữ phát thanh viên Im Hyun-ju gây chấn động vì trở thành người đầu tiên đeo kính lên sóng truyền hình, nơi mà việc đeo kính áp tròng để giữ vẻ ngoài hoàn hảo gần như là luật bất thành văn ở đài truyền hình.
"Chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi trong cách trang điểm lẫn ăn mặc của các cô gái. Họ đang tiến hành cuộc giải phóng, và một khi họ thực hiện điều đó, không gì có thể gây trở ngại", Lee Na-young - giáo sư nghiên cứu về phụ nữ tại Đại học Chung-Ang ở Seoul - nói.
Hiện tại, vẫn chưa có thống kê nào cho thấy sự sụt giảm trong doanh số bán hàng của các hãng mỹ phẩm, song nhiều ông lớn tại Hàn Quốc cũng bắt đầu lo lắng về vấn đề này.
Theo hãng tin địa phương, một nhân viên giấu tên tại một nhà bán lẻ mỹ phẩm hàng đầu Hàn Quốc cho biết họ sẽ tập trung vào dòng mỹ phẩm cho nam giới để tăng doanh thu. Một người khác nói rằng các công ty sợ phải thừa nhận phong trào có thể ảnh hưởng đến họ.
Theo Ánh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)