“Đây là vợ của con gái tui, là con dâu của tui”
Bốn tháng trôi qua, có lúc Nguyễn Thu Ngân (SN 1997, TPHCM) vẫn chưa tin mình đã làm vợ và đã được tổ chức một lễ cưới linh đình. “Nửa kia” của cô là Trần Thị Mai Linh (SN 1999, quê Tiền Giang).
Với những người thuộc giới LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) như Ngân và Linh, chuyện yêu và được yêu vốn đã khó, chuyện được gia đình hai bên chấp nhận, tổ chức đám cưới lại càng khó bội phần.
Bốn năm yêu nhau, cả hai luôn khát khao được trở thành cô dâu – chú rể. Họ vẫn luôn cho rằng việc được tham dự hôn lễ long trọng của chính mình là điều xa vời. Không ngờ có một ngày, mong muốn ấy đã trở thành hiện thực.
Ngân và Linh nhận ra giới tính thật của mình từ sớm nhưng luôn che giấu. Đến khi không thể giấu giếm được cảm xúc với người đồng giới, họ mới can đảm công khai.
Bốn năm trước, họ quen nhau khi tham gia một nhóm LGBT. Linh chủ động theo đuổi Ngân, nhắn tin hỏi thăm và kiếm cớ gặp mặt trực tiếp. Khi Ngân ốm, Linh mua thuốc, đồ ăn tẩm bổ cho cô. Sự chu đáo của Linh khiến Ngân rung động.
Quen nhau 2 tháng, Ngân trở lại TPHCM làm việc. Bất chấp việc phải yêu xa, Linh vẫn cố gắng theo đuổi Ngân, mong muốn trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của cô. Thấy đối phương kiên trì và chân thành, Ngân đồng ý thành đôi.
Tình yêu của cặp đôi được gia đình Mai Linh ủng hộ, nhưng lại bị cha mẹ Thu Ngân phản đối kịch liệt. Họ hết mực khuyên Ngân suy nghĩ lại vì lo lắng xu hướng giới tính, tình cảm của con gái chỉ là nhất thời.
“Ba mẹ phản đối khiến tụi mình buồn nhưng không nản lòng. Linh vẫn thường xuyên đến nhà thăm hỏi ba mẹ mình, thái độ lễ phép.
Ba mẹ Linh thì khác, rất yêu quý mình. Sau vài lần gặp gỡ, mình đã gọi ‘ba mẹ’, xưng ‘con’. Ba Linh giới thiệu mình với họ hàng, làng xóm ‘đây là vợ của con gái tui, là con dâu của tui’”, Ngân kể.
Vào dịp sinh nhật bố của Ngân, Linh đến nhà chơi, mang theo quà tặng là một đôi giày. Đôi giày vừa chân khiến bố Ngân xúc động, nhận ra sự tinh tế, chu đáo của cô gái Tiền Giang.
Ông dần mở lòng, nhìn thấy nhiều hơn những ưu điểm của Linh và thấu hiểu tình cảm chân thành của các con.
Điều đặc biệt bố dành cho con gái
Thế nhưng, từ mở lòng, chấp nhận đến thấu hiểu và đồng ý cho các con tổ chức đám cưới là một khoảng cách rất xa. Thu Ngân và Mai Linh phải nỗ lực rất nhiều để có một đám cưới trọn vẹn như các cặp đôi khác.
Trong 4 năm yêu xa, tình cảm của Ngân và Linh luôn tốt đẹp. Nhưng họ vẫn khao khát có một đám cưới chính thức, xem nó như một dấu mốc trọng đại, một sự ràng buộc về trách nhiệm để tình yêu thêm vẹn tròn.
Đám cưới được gia đình Mai Linh ủng hộ nhưng bố mẹ Thu Ngân vẫn... ngập ngừng. Họ sợ đám cưới rình rang bị người đời dị nghị khiến con cái tổn thương.
Thấy con gái kiên định, bố Ngân hỏi: “Giờ con muốn thế nào?”. Ngân đáp: “Con muốn làm đám cưới”. Bố cô im lặng nhưng sau đó âm thầm tìm hiểu về đám cưới của các cặp đôi LGBT và tổ chức cho con một hôn lễ chu đáo.
Đám cưới của cặp đôi được tổ chức vào tháng 6 tại TPHCM và tháng 7 tại Tiền Giang.
Trước đó, hai bên gia đình qua lại nhiều lần để chọn ngày cưới và bàn cách tổ chức đám cưới. Mọi nghi thức như dạm ngõ, ăn hỏi, đưa – đón dâu,... được thực hiện đầy đủ như mọi đám cưới truyền thống.
“Mình không ngờ, ba tìm hiểu rất kỹ về các nghi thức cưới. Trong hôn lễ, ba chủ động nắm tay mình, dắt mình đi từ cổng đến sân khấu cưới, trao tay mình cho bạn đời.
Ba gửi gắm mình cho nhà bên, mong con gái một đời hạnh phúc. Khoảnh khắc đó, mình khóc nấc vì xúc động”, Ngân kể.
Đám cưới tổ chức rình rang, nhà Ngân đãi 35 mâm cỗ cưới, nhà Linh đãi 50 mâm. Họ hàng, làng xóm đều chúc mừng cho hạnh phúc của đôi bạn trẻ.
Đám cưới ý nghĩa với sự chứng kiến của hai bên gia đình khiến Thu Ngân và Mai Linh mãn nguyện. Với họ, đó là dấu mốc trọng đại của cuộc đời.
Trong tương lai, cặp đôi sẽ lên kế hoạch sinh con để gia đình thêm gắn kết.
Ảnh: NVCC
Theo Thanh Minh (VietNamNet)