Bạn cảm thấy xấu hổ khi chiêu trò sống ảo của mình bị bóc mẽ. Nhưng liệu bạn đã bao giờ nghĩ, tác hại của sống ảo tồi tệ hơn rất nhiều so với việc bị cười chê.
Cô xinh đẹp, đi du lịch nhiều nơi. Cô share rất nhiều bài viết mang đậm hơi thở chính luận của các nhà báo nổi tiếng. Cô post lên Facebook hàng chục bài phát biểu của các chính trị gia, với caption đều bằng tiếng Anh.
Hôm 2/9 vừa qua, cô được mời đến nhà chồng sắp cưới dùng cơm, nhân tiện bàn luôn chuyện cưới hỏi. Buổi gặp mặt rất được kỳ vọng ấy biến thành cơn ác mộng khi cô phát hiện ra bố mẹ chồng tương lai hóa ra đều là giảng viên của 2 trường đại học rất lớn.
Họ trẻ trung, họ đều dùng Facebook và họ đều đọc tất cả những gì cô đưa lên Facebook.
Trong lúc trà dư tửu hậu, họ nghĩ rằng cô quan tâm tới lũ lụt, tới nước mắm thạch tín, tới startup, tới những bài phát biểu truyền cảm hứng của ông Obama và họ hào hứng kéo cô vào cuộc trao đổi.
Nhưng cô không biết gì cả. Đúng nghĩa đen của từ "không biết gì". Cô chỉ share lên Facebook làm màu. Cô chưa từng nghe ông Obama phát biểu. Capiton bằng tiếng Anh cô nhờ bạn dịch hộ (và người ấy chính là… tôi).
Buổi gặp gỡ ấy kết thúc bằng cái lắc đầu ngán ngẩm của bà mẹ người yêu và cô đủ thông minh để hiểu rằng, sẽ không có thêm buổi gặp gỡ nào nữa.
Vẫn biết rằng trong thời đại mạng xã hội nở rộ, chúng ta có quyền trang trí cho Facebook, Twitter, Instagram của mình đẹp nhất có thể.
Bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ngài Barack Obama nhưng chỉ biết duy nhất thông tin về suất bún chả thực ra cũng không có gì đáng xấu hổ cả. Việc để cho bạn bè trên Facebook biết bạn quan tâm tới những thứ tầm thường không có nghĩa bạn là người tầm thường.
Cô nàng sống ảo tới mức tự tạo cho mình một người tình không có thật. |
Hãy trang trí bằng chính những gì bạn có, chứ đừng tạo ra một thế giới ảo mà bạn không hề thuộc về và cũng chẳng muốn sống trong đó.
Câu chuyện của cô bạn tôi chỉ là một hồi chuông rất nhỏ cảnh tỉnh những người đang chìm đắm trong thế giới ảo. Nhưng nó chưa phải là tác hại lớn nhất của thói quen sống ảo.
Một nghiên cứu từng được công bố trên tờ New York Post chứng minh, sống ảo khiến chúng ta lười biếng và có xu hướng đòi hỏi những gì vượt quá khả năng.
Ví dụ: Bạn đã từng một lần check-in ảo ở một resort 5 sao, bạn sẽ có xu hướng đòi hỏi những chuyến đi tiếp theo phải được ở nơi sang trọng tương tự, dù không đủ khả năng chi trả.
Và thế rồi thay vì làm công việc quen thuộc với mức lương 10 triệu/tháng, bạn sẵn sàng kiếm những đồng "tiền nóng" để được tiếp tục chạy theo cuộc sống mà bạn đã từng trải qua trên Facebook.
Đây là chuyện đã từng xảy ra với một người mà tôi biết. Cô đồng ý đi du lịch với một anh chàng chỉ quen biết sơ trên Facebook để được ở Furama (một resort 5 sao ở Đà Nẵng).
Cô cập nhật từng diễn biến nhỏ nhất của cuộc vui chơi sang chảnh trên Facebook, ngồi đếm likes, trả lời những comment vuốt ve, khen ngợi và cảm thấy thích thú.
Nhưng cô vô tình để anh chàng đại gia kia lọt vào một bức ảnh, và nhờ ơn Facebook, nó tìm đến… vợ của anh ta. Ngay khi xuống sân bay, cô nhận một trận đánh ghen thừa sống thiếu chết.
Sống ảo biến chúng ta thành những xác sống biết đi. Chúng ta đến một vùng đất mới và thay vì khám phá, trải nghiệm, việc đầu tiên là phải chụp ảnh để trang trí cho Facebook.
Chúng ta gọi một món ăn và thay vì mời bố mẹ - những người đang ngồi ngay trước mặt – chúng ta phải chụp ảnh, post Facebook để "mời 500 anh em ăn cùng cho vui".
Trước mọi bữa ăn, các bạn trẻ phải chụp ảnh, đăng facebook. |
Chúng ta đến với Facebook để được "kết nối", nhưng thật bi kịch khi chúng ta đang đánh đổi những kết nối thật để "kết nối" thông qua màn hình máy tính, điện thoại…
Hãy thử tưởng tượng một cuộc đối thoại giữa cô nàng sống ảo và anh chàng sống thật qua Facebook:
- Em, nói chuyện cũng lâu rồi, hay chúng ta chuyển sang nói chuyện mà nhìn thấy mặt nhau đi.
- Ok anh, mấy giờ thì anh online skype (phần mềm cho phép người dùng vừa nói chuyện, vừa nhìn thấy mặt nhau)?
Sống ảo đang khiến cho khả năng giao tiếp thật, những kết nối thật dần mất đi, thậm chí cả những khát vọng thật cũng mất đi.
Hãy thử nhớ lại những hoài bão khi mới bước chân vào cánh cổng Đại học và rồi sau 4 năm sống ảo, bạn còn những gì?
Một kho kiến thức về những cậu ấm cô chiêu đi du lịch khắp thế giới và sự ghen tị khiến bạn hờn trách cuộc đời đã không cho bạn một ông bố, bà mẹ giàu có ư?
Tỉnh dậy đi trước khi quá muộn.
Theo Bảo Nam (Thời Đại)