Tại khoa Cấp tính nữ, bệnh viện Tâm thần Trung ương của bệnh viện, có nhiều nữ bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, dường như tất cả các bệnh nhân ở đó họ không còn cảm nhận được sự khắc nhiệt của thời tiết, họ sẵn sàng xé bỏ những bộ quần áo đang mặc trên người chỉ vì bác sĩ hay ai đó làm phật ý.
Rồi có những bệnh nhân hễ gặp “trai lạ” đến khoa là họ lao ra ôm chầm vào lòng và nhận đó là người yêu của mình. Kèm theo hành động đó là những câu nói như trách móc: “Sao anh không mua hoa tặng em”.
BS Tô Thanh Phương (Trưởng khoa Cấp tính nữ) lý giải: “Mỗi người bệnh có một nguyên nhân gây bệnh khác nhau, trong đó có không ít người mắc bệnh xuất phát từ chuyện tình cảm. Ví dụ như trường hợp của bệnh nhân M., chỉ vì bị người yêu “đá” mà mắc trầm cảm nặng”.
Vừa nói BS Phương vừa dẫn chúng tôi tới giường bệnh của M. Trước mắt chúng tôi là cô gái cao ráo, nhưng người gầy hốc hác. Mặc dù có hỏi gì thì M. cũng im lặng và giữ một khoảng cách an toàn với tất cả mọi người, kể cả là bác sĩ.
M. quê ở Thuận Thành (Bắc Ninh) năm nay mới ngoài 20 tuổi. Trước đây M. được coi là “hot girl” vì vẻ bề ngoài xinh đẹp và sở hữu chiều cao lý tường (1m68). Không chỉ có vậy, M. còn có một công việc ổn định mà nhiều người ao ước, đó là giáo viên của một trường tiểu học ở địa phương.
Thế nhưng, chỉ vì chuyện tình cảm M. đã “đánh mất” tất cả và trở thành một bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, phải điều trị trong viện tâm thần. “Ra trường có công việc ổn định, nhưng bạn trai nói lời chia tay vì có cô gái khác. Từ đó, M. suy nghĩ nhiều quá, mất ngủ, bỏ ăn uống, không tiếp xúc với ai, sụt cân và lâu dần dẫn đến mắc bệnh phải nhập viện tâm thần”, bà Hương (mẹ M.) đau xót chia sẻ.
Từ một cô gái xinh đẹp, đầy sức sống giờ đây M. không khác gì một bà cụ già da nhăn nheo. Nhiều người nhà đi chăm sóc bệnh nhân tại khoa còn nói M. chẳng khác gì một “hồn ma” di chuyển giữa ban ngày.
Theo chia sẻ của mẹ M., trước đây M. nặng 55kg, nhưng kể từ khi trục trặc chuyện tình cảm, M. sụt cân rất nhiều. Giờ đây cô gái trẻ chỉ còn 35kg. “Đến bây giờ sau 2 tuần điều trị, con tôi vẫn chẳng chịu ăn uống gì, thỉnh thoảng uống vài giọt sữa cầm hơi”, bà Hương nói giọng nghẹn ngào.
BS Phương cho rằng trường hợp của bệnh nhân M. thuộc nhóm bệnh nhân mắc trầm cảm rất nặng, và là người có nhân cách yếu nên cần có thời gian điều trị dài ngày. Hiện nữ bệnh nhân này đang được điều trị bằng thuốc điều trị trầm cảm. Sau 40 ngày điều trị tình trạng không biến chuyển sẽ được thay đổi phác đồ mới.
Để không còn những trường hợp mắc bệnh như bệnh nhân M., BS Phương cho rằng không còn cách nào khác là gia đình phải quan tâm, động viên con cái kịp thời. Ngoài ra, khi có dấu hiệu của bệnh trầm cảm cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)