Với cô gái xinh đẹp này, đăng ký hiến tạng là việc làm ý nghĩa nhất 22 năm cuộc đời.
Trần Ngọc L. - cô gái 22 tuổi can đảm đăng ký hiến tạng sau khi qua đời |
Ngọc L. nói về chuyện sống chết rất điềm nhiên, không chút kiêng kị, rụt rè. Cô gái 22 tuổi xem đó là một điều tất yếu trong cuộc sống, có sinh ra thì có mất đi. Sau khi mất, thể xác hoặc sẽ phân hủy dưới ba tấc đất, hoặc biến thành tro bụi nên cô nghĩ: “Chẳng tội gì mà lãng phí thế, thà dành những phần còn dùng được của cơ thể, tạo thêm cơ hội sống cho người đáng sống”.
Hiến tạng chẳng phải là quyết định bồng bột của một cô gái mới lớn như nhiều người nghĩ. Đó đã là dự định, kế hoạch, niềm mong mỏi của L. khi cô chưa 18 tuổi, bắt nguồn từ một ký ức đau lòng.
Năm đó, Ngọc L. 16 tuổi. Cô phải chứng kiến nỗi đau đớn tột cùng của người bạn thân không may mắc bệnh thận. Gia đình họ chạy vạy khắp nơi gom tiền cho con ra nước ngoài ghép thận, thế nhưng, khi đủ tiền rồi lại không tìm được thận phù hợp để ghép.
Cuối cùng, vì quá đau đớn, tuyệt vọng, bạn thân của Ngọc L. đã tự tử, ra đi ở cái tuổi còn bao ước mơ, hoài bão, nhiệt huyết. Cho đến lúc mất, người bạn ấy vẫn canh cánh nỗi lòng, chưa trả ơn bố mẹ, giúp ích cho xã hội.
Tấm thẻ cứng chứng nhận quyết định hiến tạng của Ngọc L. |
Kể từ đó, Ngọc L. nung nấu ý định khi trưởng thành, đủ tuổi quyết định cuộc đời mình, sẽ đăng ký hiến tạng để ít nhất, sống không làm được gì thì chết đi vẫn có ý nghĩa.
“Từ lúc có ý định hiến tạng, mình đã đọc báo, nghe đài, tìm hiểu nhiều về chuyện này. Có biết bao người vốn dĩ được chữa khỏi, có thể sống tiếp nhưng lại vì không có tạng để ghép nên bỏ mạng. Nghe đau lòng lắm nên nếu có thể, mình muốn hiến toàn bộ thân thể cho người khác có cơ hội sống”, L, chia sẻ.
Ngày 19/6 vừa qua, Ngọc L. một mình đến bệnh viện Việt Đức làm thủ tục hiến tạng. Cô muốn đăng ký hiến tạng cả khi còn sống nhưng yêu cầu phải có người thân đi cùng, mà ông bà già yếu không thể từ Yên Bái xuống Hà Nội nên đành đăng ký hiến sau khi chết não.
Ngọc L. có ý định hiến tạng từ khi còn học lớp 11 |
L. tích vào tất cả các mục có thể hiến được như: xương, tủy, da, thận, gan…
“Bệnh viện rất tạo điều kiện, mình đến nghe tư vấn, viết đơn, đưa chứng minh thư, ký tên và chụp ảnh, sau 15 phút đã có một chiếc thẻ cứng chứng nhận rồi. Yêu cầu dành cho người hiến tạng cũng không cầu kỳ, chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên, nếu hiến khi còn sống thì phải có người thân trực tiếp đi cùng, còn hiến sau khi mất thì chỉ cần có sự thông qua của gia đình là được”, L. nói.
Khoảnh khắc ký tên vào đơn xin hiến tạng, Ngọc L. run run, không phải vì sợ mà vì biết mình vừa làm được một việc có ích. Nhắc đến quan niệm “mất phải toàn thây, mồ yên mả đẹp” của đa phần người Việt, cô chỉ cười: “Nếu đã sống đẹp thì chết theo cách nào chẳng đẹp. Hơn nữa, lúc ấy hiến không còn biết đau nữa nên không sợ”.
"Sống đẹp thì chết theo cách nào cũng đẹp" |
Chia sẻ câu chuyện hiến tạng lên Facebook với mong muốn truyền đi thông điệp có ích, Ngọc L. nhận phải không ít ý kiến trái chiều, người ủng hộ nhiệt tình, người cho cô là kẻ bồng bột.
Thế nhưng, cô vẫn gạt qua tất cả và tin mình đã làm đúng. Ngọc L. là một cô gái tự lập. Cuộc sống của cô từ khi lên 9 tuổi, lúc mẹ bỏ đi lấy chồng khác, chỉ toàn chuyện buồn nhưng cô vẫn nỗ lực sống tốt, lạc quan, yêu đời.
“Ông trời thương mình, không cho mình một gia đình êm ấm nhưng lại cho sức khỏe, từ nhỏ đến giờ ít bệnh tật. So với những người mắc bệnh hiểm nghèo, mình còn may mắn chán, thế nên, mình rất quý trọng bản thân”, L. chia sẻ.
Theo Hạ Nhiên (Dân Việt)