Vân Anh, cô gái dám bước khỏi vòng "an phận" để thử thách bản thân |
26 tuổi, bỏ mức lương 60 triệu đồng/tháng ở một công ty Singapore, kèm theo cổ phần hơn 20 tỷ để về Việt Nam khởi nghiệp.
Chủ nhân của những quyết định tưởng chừng rất “điên rồ” ấy là Phạm Thị Vân Anh (28 tuổi, Hải Phòng).
“Đừng làm việc vì lương”
Vân Anh từng tốt nghiệp loại giỏi ngành Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong công việc như: Phó giám đốc dự án, giám đốc điều hành, giám đốc marketing… ở độ tuổi còn rất trẻ.
Sau khi đã trải nghiệm nhiều công việc khác nhau, Vân Anh quyết định dừng chân ở công ty Spicy Cinnamon (Singapore) với mức lương khởi điểm là 1000 USD/tháng (khoảng 22 triệu đồng) vì muốn được làm việc tại môi trường quốc tế và mảng công nghệ thông tin.
Ở công ty này, cô làm trưởng phòng maketing. Thời điểm ấy, công ty cô gặp vô vàn khó khăn từ công nghệ, sản phẩm cho đến nhân sự. Với quan điểm “phải làm việc hết mình để được ghi nhận chứ không tính toán nhận được gì rồi mới cố gắng hết sức”, cô tham gia giải quyết mọi vấn đề tồn đọng của công ty.
Vân Anh từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty lớn |
Sau ba tháng làm việc, Vân Anh được thăng chức làm Giám đốc điều hành với mức lương 3000 USD/tháng (khoảng 66 triệu đồng) và có cơ hội đi nhiều nước để phát triển thị trường. Thời gian sau, khi công ty kêu gọi được số vốn lớn, cô tiếp tục được đề nghị ở lại làm việc với số cổ phần nhận được là 1 triệu USD (khoảng 22 tỷ đồng). Đó là phần thưởng xứng đáng cho việc đã vực dậy công ty của cô.
Thế nhưng, Vân Anh lại quyết định từ bỏ mớ quyền lợi “đáng mơ ước” và công việc cực kỳ tâm huyết ấy để tự mình khởi nghiệp. Đó không phải là một quyết định “điên rồ” như nhiều người nghĩ mà với cô, nó đơn giản chỉ là “điều cần phải đến”.
“Thời điểm bỏ việc tại công ty Singapore, tôi không hề nghĩ ngợi hay luyến tiếc điều gì. Tôi chỉ nghĩ, thời gian qua mình đã làm việc tích cực để tích lũy được một số kinh nghiệm cần thiết và có đủ điều kiện lo cho gia đình. Giờ là lúc theo đuổi đam mê và những giá trị riêng của bản thân”, Vân Anh chia sẻ.
Nói là làm, Vân Anh bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 26. Suốt một năm đầu tiên, mẹ cô luôn lo lắng về lựa chọn của con gái, thường xuyên gọi điện khuyên nhủ: “Hay là quay lại công ty cũ làm việc, còn khởi nghiệp thì tranh thủ làm buổi tối hả con?”.
Quyết định nghỉ việc của Vân Anh từng khiến gia đình lo lắng |
Nhưng với tính cách “đã làm việc gì thì phải hết mình”, Vân Anh quyết định cống hiến trọn vẹn cho dự án khởi nghiệp. Và cho đến giờ cô vẫn tin, đó là một sự lựa chọn đúng đắn.
“Khi còn trẻ nên làm việc ở một công ty nào đó có lãnh đạo giỏi. Đừng làm việc vì lương mà hãy tìm kiếm cơ hội phát triển. Đến khi đủ lông đủ cánh và thực sự đam mê lĩnh vực nào đó có thể quyết định mình tự bay”, Vân Anh quan niệm.
Dự án khởi nghiệp cho doanh thu 4 tỷ/tháng
Sau khi nghỉ việc ở Singapore, Vân Anh đi nghỉ ở Đông Nam Á. Tại đây, cô được trải nghiệm một dịch vụ taxi vừa rẻ, vừa tiện lợi, chất lượng lại đảm bảo. Sẵn trong đầu đang nung nấu một dự án kinh doanh giáo dục tiếng Anh, cô chợt nghĩ: “Biết đâu mình có thể tạo ra một mô hình gia sư, kết nối người học và người dạy với nhau”.
“Thời điểm ấy, tôi muốn học lập trình web. Tôi thấy rất vất vả để kiếm lớp học online theo kiểu một thầy, một trò. Tôi nghĩ, rất nhiều sinh viên công nghệ thông tin trong nước có thể dạy mình làm ra một website với học phí rẻ nhưng lại không có cách nào tìm được họ. Đối với việc dạy và học tiếng Anh cũng vậy, nhu cầu học và dạy đều cao nhưng họ không tìm thấy nhau”, Vân Anh chia sẻ.
Trong những năm tuổi trẻ, Vân Anh luôn trăn trở về một dự án kinh doanh riêng |
Từ những trăn trở ấy, cô gái Hải Phòng nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình giúp người có nhu cầu học tiếng Anh tìm được thầy chất lượng và các sinh viên nước ngoài có thêm nguồn thu nhập từ việc gia sư. Còn cô là người ở giữa, kết nối họ với nhau. Cả ba cùng có lợi.
Vậy là sau thời gian dài “nung nấu”, mô hình học tập trực tuyến một thầy, một trò đã ra đời. Dự án của cô kết nối người học và người dạy với nhau theo đúng nhu cầu của hai bên. Nhờ vào công nghệ, những chi phí không cần thiết sẽ được loại bỏ và người học có thể tìm người dạy phù hợp từ khắp nơi trên thế giới với giá bình dân.
Về phần mình, Vân Anh cam kết chất lượng đào tạo cũng như định hướng mục tiêu học tập cho mọi người. Sau hai năm thực hiện, mô hình gia sư của cô đã có khoảng 1000 học viên, mang lại doanh thu 4 tỷ đồng/tháng.
Khi được hỏi về quá trình khởi nghiệp và những khó khăn phải trải qua, Vân Anh cười: “Đó là một câu chuyện rất dài. Tôi chỉ có thể nói rằng, còn rất nhiều việc phải làm, phải giải quyết. Chúng tôi cần kiên trì đến cùng và mỗi ngày đều nỗ lực hết mình”.
Không chịu “an phận” với những gì mình có, luôn tự đặt ra thử thách mới cho bản thân để vươn tới tầm cao hơn, đó là điều khiến nhiều người nể phục ở Vân Anh.
Theo Hạ Nhiên (Dân Việt)