Vũ Quỳnh Anh (SN 1995) hiện là chuyên viên Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Từ nhỏ Quỳnh Anh luôn tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Qua những bài giảng, trang sách được thầy cô giới thiệu và những lần được thăm các di tích gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ, cô càng thêm tự hào và cảm nhận rõ nét những nét đặc biệt, oai hùng của mảnh đất đang được học tập, sinh sống.
“Mỗi độ tháng 5 về, niềm tự hào ấy càng nhân lên nhiều lần khi trên khắp cả nước đều có các hoạt động chào mừng, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đặc biệt dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với rất nhiều hoạt động được tổ chức hướng về Điện Biên và chương trình kỷ niệm quy mô lớn với lễ diễu binh, diễu hành được đông đảo người dân cả nước và cả bạn bè quốc tế quan tâm”, Quỳnh Anh nói.
Quỳnh Anh cho biết vô cùng vinh dự, tự hào và xúc động khi được lựa chọn là đại biểu chính thức đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại đại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh sự vinh dự và tự hào, ngay khi được lựa chọn, cô cũng xác định đây là một nhiệm vụ cần phải hoàn thành thật tốt để có một phần phát biểu thật tốt.
“Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu viết bài, sửa bài để làm sao chỉ trong một thời gian giới hạn nhưng bài phát biểu vẫn thể hiện được tình cảm của một người con Điện Biên; đồng thời thể hiện được tình cảm, sự trân trọng lịch sử và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ hoà chung khát vọng của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Cùng với đó, qua những tập luyện, sơ duyệt và tổng duyệt, tôi cố gắng chuẩn bị tinh thần tự tin, bình tĩnh để có thể hoàn thành tốt bài phát biểu trong đại lễ kỷ niệm 7/5”, Quỳnh Anh bộc bạch.
Tự hào là cháu của chiến sĩ Điện Biên Phủ
Cùng với niềm vinh dự được lớn lên trên miền đất Điện Biên Phủ anh hùng, Vũ Quỳnh Anh tự hào sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội là lão thành cách mạng, ông ngoại là chiến sĩ Điện Biên, bà ngoại là dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.
Quỳnh Anh cho biết, nhà ông mình hiện nằm ngay chân suối cạn, nơi từng là hàng rào dây thép gai vòng ngoài của trung tâm đề kháng Him Lam năm xưa. “Ông ngoại năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn còn nhớ rõ những ký ức về 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm. Có lẽ chưa bao giờ mình lại được nghe ông kể chuyện về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt; về tình đồng đội đồng chí và tinh thần chiến đấu can trường, quả cảm… Đó là kỷ niệm những ngày mưa liên tục, ông và đồng đội chỉ ăn gạo rang, uống nước, dựa lưng vào nhau lấy hơi ấm, dưới hào là bùn non, là nước, thậm chí cả máu trộn lẫn, nhưng tinh thần của ông và những đồng đội của mình không hề nao núng”, Quỳnh Anh nói.
Quỳnh Anh cho biết thêm, thành phố Điện Biên Phủ ngày nay đang thay da đổi thịt từng ngày và dù 70 năm hay nhiều năm về sau nữa, những câu chuyện về lịch sử, về những năm tháng gian khổ, tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng ngã xuống để Tổ quốc đứng lên của ông cha sẽ mãi là những tấm gương mà những người con, người cháu như mình xin được khắc ghi và lấy làm động lực, hành trang trên mọi bước đường đời.
Truyền thống gia đình và những câu chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gieo mầm trong mình bao niềm tin yêu, thôi thúc cổ vũ mình lớn lên trong niềm tự hào và kiêu hãnh về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên. Từ đó hun đúc, truyền động lực về ý chí, về trách nhiệm mà mình luôn mang theo và luôn khắc ghi trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp”, Quỳnh Anh nói.
Theo Xuân Tùng (Tiền Phong)