Mỗi nơi có phong tục cưới với những nghi thức cụ thể khác nhau. Những phong tục độc đáo, mang đậm bản sắc quê hương thường thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.
Mới đây, đoạn video 36 giây quay lại nghi thức cưới độc đáo của một cặp đôi ở Nghệ An thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội TikTok.
Video cô dâu, chú rể thực hiện nghi thức độc đáo trong ngày cưới |
Trong phòng tân hôn, cô dâu, chú rể ngồi trước mâm cơm thịnh soạn gồm các món cơm trắng, thịt luộc, trứng luộc... Đối diện là thầy mo và ông mối.
Cặp đôi được ông mối đặt vào tay từng món ăn và cùng ăn theo sự hướng dẫn. Phía ngoài, người thân, bạn bè tò mò xem cô dâu, chú rể thực hiện phong tục này.
Video nhận hơn 4.000 lượt “thả tim” và hàng trăm lượt bình luận quan tâm. Nhiều người tỏ ra thích thú khi xem phong tục độc đáo và tò mò về ý nghĩa phía sau đó.
Cô dâu, chú rể trong video là Lương Thị Ngân Hà (SN 1998, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) và Lương Mạnh Dũng (SN 1997, huyện Con Cuông, Nghệ An).
Cả hai cùng là người dân tộc Thái.
Đám cưới của cặp đôi được tổ chức giữa tháng 12/2024 nhưng mới đây, video quay lại phong tục cưới mới được Ngân Hà đăng tải và lan tỏa trên mạng xã hội.
Trò chuyện với PV, Ngân Hà kể, vào ngày cưới, ngay khi xuống xe hoa, cô đã “rửa chân” để rửa sạch điềm xấu và những vấn vương trước khi vào nhà chồng.
Sau đó, cô dâu được chú rể dẫn thẳng vào phòng tân hôn. Chú rể cùng mọi người ngồi trên giường, riêng cô dâu ngồi ghế mây.
Mâm cơm được chuẩn bị sẵn bao gồm: Thủ lợn, đuôi lợn, lòng lợn, cơm trắng, muối, trầu cau, mía gọt sẵn, rượu và 1 quả trứng gà luộc.
Bên mâm cơm, ngoài cô dâu, chú rể còn có một thầy mo và một ông mối.
“Vợ chồng mình trải qua 4 lần ăn, ông mối là người đưa đồ ăn.
Lần 1 là chia đôi quả trứng, vợ ăn 1 nửa, chồng ăn 1 nửa kèm theo một ít cơm trắng. Ông mối phải đưa chéo tay chứ không đưa thẳng.
Lần hai, mỗi người ăn một miếng thịt với cơm trắng. Lần ba, hai vợ chồng ăn mía và lần 4 là ăn trầu cau”, Ngân Hà kể.
Cô dâu người Thái chia sẻ thêm: “Theo phong tục người Thái, cô dâu chỉ cần đồng ý ăn trứng luộc là thành vợ, thành dâu nhà người ta.
Quả trứng chia đôi tượng trưng cho tình cảm vợ chồng luôn gắn bó, còn mía thì tượng trưng cho tình yêu ngọt ngào”.
Sau khi ăn xong, cô dâu, chú rể được buộc một sợi chỉ đen vào cổ tay với ý nghĩa cột chặt vợ chồng kèm lời chúc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, hôn nhân hạnh phúc.
“Sau đó, bố chồng lấy một chiếc áo dài tay, có cổ của con dâu, đặt lên ban thờ.
Hai vợ chồng thắp hương gia tiên, thắp hương xong thì lấy lại áo ngụ ý báo cáo với tổ tiên, kể từ nay mình đã là dâu con trong nhà”, Ngân Hà kể.
Các nghi thức được thực hiện trong khoảng 1 giờ. Sau đó, cô dâu, chú rể lên sân khấu thực hiện các nghi thức cưới phổ biến như cắt bánh kem, rót rượu,...
Thường thì lúc này cô dâu sẽ thay váy cưới nhưng vì muốn giản tiện, tiết kiệm, Ngân Hà vẫn diện trang phục truyền thống của người Thái.
“Những nghi thức này đều được thực hiện tại nhà trai.
Vì đã được bố mẹ phổ biến trước, hơn nữa, từng nhiều lần chứng kiến trong đám cưới của người thân, bạn bè nên vợ chồng mình không mấy lạ lẫm”, Hà chia sẻ.
Với Hà, đây là phong tục đẹp và thú vị. Đó vừa là nét đẹp riêng của dân tộc Thái ở Nghệ An, vừa thể hiện tình cảm thiêng liêng, sự gắn kết quý báu giữa vợ chồng.
“Lúc thực hiện nghi lễ, bố mẹ cô dâu không được tham gia vì sợ cô dâu nhớ mong nhà ngoại. Thắp hương xong, bố mẹ cô dâu mới được đến dự lễ cưới”, Hà kể thêm.
Ngân Hà và Mạnh Dũng có 2 năm quen nhau trước khi về chung một nhà. Cặp đôi quen biết nhờ bạn bè giới thiệu, khi đó Dũng làm việc ở Nghệ An, Hà học ở Huế.
Dù xa xôi cách trở, Dũng vẫn tìm vào tận Huế để được gặp người thương.
Sau này, thấy được tình cảm chân thành và sự nỗ lực của anh, Ngân Hà đã nhận lời yêu và nên duyên vợ chồng.
Ảnh và video: NVCC
Theo Thanh Minh (VietNamNet)