Chuyện sinh viên ở ghép: Phát điên vì thói ki bo, tính toán chi ly của bạn cùng phòng

03/04/2016 07:33:11

Để tiết kiệm tiền chi tiêu hàng tháng, rất nhiều sinh viên áp dụng cách tìm người ở ghép. Tuy nhiên, chuyện ở chung với người lạ có vẻ không hề đơn giản, những tính toán hàng ngày nhiều khi cũng khiến bạn cùng phòng phải đau đầu, ức chế.

Để tiết kiệm tiền chi tiêu hàng tháng, rất nhiều sinh viên áp dụng cách tìm người ở ghép. Tuy nhiên, chuyện ở chung với người lạ có vẻ không hề đơn giản, những tính toán hàng ngày nhiều khi cũng khiến bạn cùng phòng phải đau đầu, ức chế.
Tranh cãi chuyện bạn trẻ ở ghép, khi chuyển phòng tính với nhau chi li từng đồng

Mới đây, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện kể về những bức xúc của một nickname liên quan đến chuyện ở ghép của sinh viên. Theo lời nickname này, đây tuy không phải là chuyện xảy đến với cô nhưng cũng khiến cô cảm thấy vô cùng tức tối vì cách cư xử ki bo, keo kiệt của nhân vật chính mà cô đề cập.

"Khổ thân bạn tôi quá. Tìm được người ở cùng thì đến lúc chuyển, bạn ý cho ngay 1 list như thế này. Đúng là cái gì cũng nên rõ ràng nhưng tớ nghĩ như thế này hơi quá rồi cậu ạ. 1/2 với chả 1/5. Ăn uống đáng bao nhiêu mà làm cái trò mèo này", nickname này bức xúc.

Câu chuyện về bạn ở ghép keo kiệt được chia sẻ trên mạng xã hội. Nguồn Beatvn

 
Những dòng trạng thái này được đăng tải cùng bức ảnh chụp tờ giấy ghi chép rất dài các khoản chia chác tiền nong giữa 2 bạn sinh viên ở cùng phòng. Theo đó, tất cả các loại đồ dùng sinh hoạt cá nhân, từ dầu gội, sữa tắm, nước mắm, mì chính cho đến cả xà phòng rửa tay, xô đựng rác, lọ đựng gia vị... đều được liệt kê. Bạn nữ kia còn ghi tỉ mỉ xem từng món đồ đã dùng được bao lâu hoặc hết bao nhiêu phần thể tích/trọng lượng, từ đó quy đổi thành tiền và yêu cầu người ở cùng phòng phải thanh toán sòng phẳng.

Sau khi chia sẻ lên Facebook, câu chuyện được hàng nghìn người chia sẻ bởi nó liên quan đến việc ở ghép, vấn đề mà rất nhiều sinh viên trẻ gặp phải. Một vài người cho rằng, cũng có thể bạn nữ mang tiếng ki bo kia đã cư xử đúng khi biết trân quý từng đồng tiền lẻ. Bởi ai cũng hiểu, sinh viên khi thuê trọ ở ghép hầu hết đều có hoàn cảnh kinh tế không mấy dư dả.

 

Giá nhiều căn phòng thường từ 2-2,5 triệu đồng là một khoản khá lớn đối với nhiều sinh viên. Vì thế, giải pháp ở ghép để tiết kiệm được rất nhiều bạn áp dụng.


Thế nhưng, có lẽ, gặp phải người tính toán chi li như vậy vẫn là cú sốc đối với nhiều bạn trẻ. Những câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến chuyện phải chung phòng với người lạ đã không còn là việc của riêng ai. Không chỉ có bạn thân cô gái kia mắc phải cảnh trớ trêu mà chỉ trong một buổi chiều, khi dạo quanh các xóm trọ của sinh viên, chúng tôi cũng được nghe thêm biết bao câu chuyện cười ra nước mắt.

"Phát điên" vì đủ cách tiết kiệm vặt của bạn ở ghép

Tuấn Nghĩa (sinh viên ĐH Công nghiệp) kể lại nỗi bức xúc khi ở ghép với một bạn nam cực kì ki bo. Có 2 người ở với nhau mà hôm nào bạn nam kia đi chợ, nấu cơm là chỉ mua đậu phụ, cá khô. "Thậm chí món bí đỏ luộc còn không cả gọt vỏ, quả trứng luộc mang dầm nước mắm mặn chát, không tài nào nuốt trôi".

Theo Nghĩa, bạn nam kia không phải không biết nấu ăn mà chủ yếu là do tiết kiệm thái quá. "Bữa nào mình mà đi chợ, mua ít cá, thịt là bạn ý lườm nguýt rồi tỏ thái độ rất khó chịu".

Biết tính bạn ở cùng tiết kiệm, Nghĩa không chịu nổi đành tính chuyện ăn riêng cho đỡ va chạm. Nào ngờ mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. "Ăn riêng thì dầu ăn, nước mắm, bạn ấy dùng tung tóe của mình nhưng đến khi mình hết, sờ vào đồ của bạn kia thì bị quát um lên".

Chỉ cần những thao tác đơn giản qua các công cụ tìm kiếm, sinh viên có thể thoải mái tìm người ở ghép.

Thế nhưng phía bên trong những căn nhà trọ sinh viên tưởng như bình yên này là không ít tâm sự bức xúc của những người không "hợp gu", không may phải ở cùng nhau.

 
Tính bạn nam ở cùng phòng với Nghĩa không chỉ ki bo mà còn rất đa nghi. "Kể ra thì nghe bi hài lắm nhưng những chuyện này có thật. Bạn ấy ăn riêng thì hầu như chỉ ăn mì tôm sống qua ngày. Bạn quý gói mì đến độ pha rồi không ăn hết, sợ mình ăn mất còn bỏ vô cái hòm tôn, khóa lại cẩn thận. Đồ đạc hở ra cái áo, cái quần nào còn ẩm, đang treo trong phòng mà mắc việc về quê hay đi đâu đó lâu la thì cũng bỏ vào hòm vì sợ mình đem ra mặc".

Không chỉ có Nghĩa mà cô bạn Thu Hương (sinh viên CĐ Du lịch) cũng gặp đủ chuyện bi hài khác với người ở ghép. Số là hồi trước, cô chuyển từ kí túc xá ra ở trọ với một người khác cùng trường do quen biết qua một người bạn giới thiệu. "Nghĩ là bạn bè giới thiệu người ở ghép thì chắc tính tình cũng tử tế. Ai dè, ở với nhau chưa được 3 tháng, mình đã sợ đến nỗi phải chuyển phòng vội".

Vì gặp phải bạn ki bo nên không ít sinh viên dù ở chung phòng nhưng phải nấu ăn riêng với 2 bếp ga để cạnh nhau.

Dầu ăn, nước mắm, mì chính... những vật dụng sinh hoạt nhỏ nhưng cũng được các bạn sinh viên rất để ý và phân định, của ai người nấy dùng.

 
Hương cho biết, bạn nữ ở cùng cô không phải diện gia đình khó khăn. "Vì quần áo, phấn son bạn ấy hay mua sắm để ăn diện nhưng riêng ăn uống hay cái gì thấy không phải mở ví ra là triệt để tiết kiệm, rất tích cực ăn "nhầm", dùng "nhầm" đồ của mình".

Thu Hương (sinh viên CĐ Du lịch).

 
Nữ sinh này kể, không chỉ có đồ dùng sinh hoạt của cô bị bạn cùng phòng lấy dùng thoải mái mà ngay cả laptop, sách vở của cô cũng bị bạn ấy tự tiện lấy ra dùng, không xin phép. "Điều đáng nói là bạn ấy dùng của mình không sao nhưng mình chỉ hơi động đến đồ của bạn ấy thì bao nhiêu lời lẽ khó nghe, bạn ấy đều nói ra được hết. Có lúc khiến mình tức đến phát khóc".

 

Hồng Duyên (sinh viên Đại học Luật).


Không chỉ tiết kiệm tiền nong, không ít sinh viên trẻ còn gặp phải những người tiết kiệm sức lao động và thời gian đến mức quá quắt.

"Gọi là tiết kiệm thời gian nhưng thật ra là chỉ lo có nhiều thì giờ để ngủ. Trước đây, bạn ở ghép cũ của mình, đêm nào mình ngủ muộn, ngồi nghịch điện thoại, máy tính hay nghe nhạc là bạn kia kêu ầm lên rồi những lúc dậy sớm cũng thế. Tuy nhiên, đổi ngược lại là bạn ấy thì lại chẳng có vấn đề gì xảy ra", Hồng Duyên (sinh viên Đại học Luật) chia sẻ.

Không chỉ gặp phải người ở ghép ki bo, không ít bạn nữ cùng "điên đầu" vì phải liên tục dọn dẹp nhà cửa trong khi người kia thì chẳng chịu làm gì.

 
Tương tự, Thùy Linh cũng kể chuyện cô từng phải chuyển phòng vì gặp bạn nữ ở cùng quá lười làm. "Nhà cửa bạn ấy không bao giờ dọn, bát đũa chưa lần nào rửa. Ra ngoài thì luôn chải chuốt sao cho đẹp nhưng về nhà là bê tha bệ rạc, chả thèm làm gì nhưng thấy mình không dọn phòng thì lại khó chịu, cứ như mình là osin vậy".

Bạn trẻ "hiến kế" để sống yên với người ở ghép quái tính

Dương Đình Kỳ (sinh viên ĐH Công nghiệp) cho rằng: "Ở ghép chắc chắn có va chạm, quan trọng là cách cư xử của mình như thế nào. Bạn ở cùng quái tính thì mình cần có chiêu đối phó linh hoạt".

Theo Kỳ, cậu cũng đang ở ghép với 2 bạn nam khác nhưng không có xích mích lớn nào xảy ra. "Vì ngay từ đầu bọn mình đã thống nhất quan điểm, đồ của ai, người nấy xài. Riêng những thứ dùng chung như nồi cơm điện, bếp ga... thì góp tiền vào mua".

 

Dương Đình Kỳ (sinh viên ĐH Công nghiệp).

 
Kỳ và các bạn cũng thống nhất giờ đi ngủ, thức dậy. "Nếu ai dậy sớm, thức khuya thì phải hết sức nhẹ nhàng và dùng đèn nhà vệ sinh hoặc đèn học để không làm mọi người tỉnh giấc".

Về khoản tiền nong ăn uống hàng ngày, Kỳ cùng các bạn đóng thành quỹ từ đầu tháng. "Sau đó, ai đi chợ, mua gì sẽ ghi lại rồi chia đều. Bọn mình quy định mỗi bữa mỗi người ăn hết khoảng 15.000-20.000 đồng gì đó để tránh phung phí".

Sổ ghi chi tiết tiền ăn uống hàng ngày - cách làm được Kỳ và nhiều bạn sinh viên áp dụng để tính toán tiền nong sòng phẳng.

 
Tương tự, Nguyễn Thị Chinh (sinh viên ĐH Công nghiệp) cũng chia sẻ: "Tiền nong bọn mình rất sòng phẳng. Đầu tháng thì góp tiền mua đồ ăn rồi các thứ như sữa tắm, xà phòng. Đi mua gì bọn mình cũng đi cùng nhau nên kiểm soát chi tiêu rất tốt và yên tâm".
 

Nguyễn Thị Chinh (sinh viên ĐH Công nghiệp).

 
Riêng Hồng Oanh (sinh viên ĐH Lao động & Xã hội) lại cho rằng, những người xa lạ khi chấp nhận ở chung với nhau thì nên thẳng thắn và biết nhìn nhau mà sống. "Mình nghĩ có bức xúc gì, những người ở cùng nên thẳng thắn nói chuyện với nhau. Nếu thấy bạn ở cùng tiết kiệm quá sức thì nên trao đổi để tìm ra phương án phù hợp cho cả hai. Ví dụ là thống nhất mức chi tiêu tiền ăn uống hàng ngày hoặc việc dùng chung đồ sinh hoạt hay không".

Hồng Oanh (sinh viên ĐH Lao động & Xã hội).

 
"Nếu thống nhất rồi thì cứ theo đó mà làm. Nếu bạn kia vi phạm thì nên nhắc nhở ngay, không nên tức tối rồi giữ trong lòng hoặc lên mạng kêu la làm gì. Nếu mình nói mà bạn kia chấp nhận thay đổi thì mình ở cùng, còn không thì đường ai nấy đi trong vui vẻ thôi", Hồng Oanh chia sẻ.

Theo Thu Hường (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật