Đó là khi nữ sinh cùng phòng đã hoang phí thì chớ lại còn dẫn người yêu về "trú ngụ" qua đêm. 1 căn phòng nhỏ - 3 nữ sinh - 1 nam sinh, không hợp lý một chút nào! Trước những tình cảnh tương tự như thế này, nhiều bạn sinh viên chấp nhận phần thiệt về mình, hoặc đi ngủ lang nhà người quen, hoặc "sẵn lòng" nằm dưới sàn nhà nhường giường cho cặp đôi trẻ.
Căn phòng trọ sinh viên khá nhỏ và xập xệ. |
Chấp nhận tất cả vì sợ... mất bạn!
Thường thì khi ở trọ cùng nhau, sinh viên hay có xu hướng tìm kiếm những người bạn tâm giao, hoặc chí ít là cùng quê, cùng trường lớp để dễ bề sinh hoạt và giúp nhau gồng gánh qua quãng thời gian 4-5 năm.
Bỗng đến một ngày, bạn dẫn người yêu về nhà, xin ở lại dùng tạm bữa trưa, rồi qua bữa tối, xong lại xin ngủ nhờ với vô vàn những lý do đại loại như: trời khuya về nhà nguy hiểm lắm, hay ngày mai đôi bạn trẻ phải đi học sớm cùng nhau,... Nghĩ thương bạn, nhiều nữ sinh cũng "ậm ừ" cho qua, nghĩ là "không sao" vì đó là bạn mình mà, và rồi "bạn nam kia cũng chỉ ngủ lại 1 đêm thôi, ngày mai rồi sẽ khác",...
Những căn phòng nhỏ với diện tích khiêm tốn thường chỉ dành cho 1 - 2 bạn sinh viên. |
"Chúng mình là bạn thân từ hồi cấp 3, đến đại học xin bố mẹ cho ở cùng với nhau. Khi bạn dẫn người yêu về nhà, mình cũng vui vẻ hạnh phúc vì nghĩ cho bạn, bạn nam kia xin ở lại một đêm, mình cũng chấp nhận. Nhưng đến khi nhiều ngày rồi cả tháng sau đó, ngày nào cũng như thế, mình không chịu nổi nữa. Góp ý với bạn cũng không được vì sợ bạn phật ý rồi nhỡ đâu hai đứa lại giận nhau", Nguyễn Thị Phương Linh (SV năm cuối ĐH Thương Mại) tâm sự.
Nhiều bạn sinh viên thẳng thắn chia sẻ quan điểm rằng, hoặc sẵn sàng đi ngủ lang, hoặc ngủ đất nhường giường cho đôi bạn, vì không muốn cuộc sống thêm phần xáo trộn hay ồn ào cãi nhau phiền phức.
"Vì là bạn thân cùng quê, cũng 1 phần ngại chuyển đi, những lúc bạn trai của bạn đến chơi ngủ lại, mình thường sang phòng bên cạnh xin ngủ nhờ, sáng hôm sau lại qua chuẩn bị đi học. May là tình trạng này không kéo dài vì cặp đôi cũng sớm đường ai nấy đi, nếu không chắc mình phát điên mất", Bảo Ngọc (SV năm 3 ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) chia sẻ.
Căn phòng đã nhỏ còn có nhiều đồ đạc vật dụng thì sao còn có thể sinh hoạt chung với bạn nam lạ mặt. |
Sợ mất bạn rồi "nhẹ nhàng" ôm hết tất cả, thiết nghĩ nhiều bạn sinh viên đang quá dễ dãi với bản thân hoặc là thiếu tôn trọng chính mình để rồi sẵn sàng thỏa hiệp như thế. Đấy là do lỗi tại mình trước, không nói ra, không phản ánh, cũng không thống nhất quan điểm sống với bạn. Để đến khi không chịu đựng được nữa, mọi chuyện được bày ra trước thiên hạ, thì rốt cuộc kẻ thiệt vẫn là mình thôi!
Nhiều bạn vẫn hay nghĩ: "Ừ thì chắc chỉ 1 lần cậu ấy đưa bạn trai về phòng ngủ lại thôi, sẽ không có lần thứ 2 đâu!". Nhưng thực sự trên đời này, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra, lần thứ nhất rồi thì chắc sẽ có lần thứ 2, thậm chí là lần thứ... n.
"Trong những trường hợp như thế, mình sẽ không bao giờ nhường phòng để phải đi ngủ nhờ nhà người khác. Phòng là của chung, mình cũng trả tiền phòng như bạn, vậy tại sao không phải bạn cùng người yêu ra khỏi phòng mà lại là mình. Còn chuyện nằm đất để hai bạn nằm trên giường lại càng không, người đáng lẽ phải đi ngay từ đầu là bạn nam kia mới đúng", Phương Trinh (SV năm hai ĐH Ngoại Thương Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ.
Dù ở ký túc xá như thế này, nhiều bạn sinh viên cũng không thoát cảnh bạn cùng phòng dẫn người yêu về ngủ qua đêm. |
Cách tốt nhất là nên thẳng thắn với nhau ngay từ đầu
Đến thăm những căn phòng trọ ngăn nắp của nhiều bạn sinh viên, đâu đó bạn sẽ thấy trên tường là những tờ "nội quy" nho nhỏ, ghi đầy đủ những quy định liên quan đến việc sinh hoạt và học tập. Có thể là không được về muộn hơn 23h, không được đưa bạn khác giới về ngủ lại qua đêm, không được tự ý dùng đồ của nhau mà chưa có sự cho phép,...
"Với tư cách là bạn cùng phòng, mình rất vui và hoan nghênh việc bạn đưa bạn trai về ra mắt và nói chuyện, tuy nhiên việc đó cần phải có giới hạn. Phòng mình cũng có quy định hẳn hoi, rằng không cho phép bạn nam ở lại qua đêm. Thương bạn rồi lại ảnh hưởng quá nhiều đến mình là không được, cái gì cũng có giới hạn của nó", Phương Trinh chia sẻ.
Các bạn sinh viên thường quy định rõ những khoản nội quy nho nhỏ để cuộc sống "trôi chảy" hơn. |
Khi đã quyết định sống chung, nương tựa vào nhau đi qua quãng đời sinh viên, cách tốt nhất là nên thằng thắn với nhau ngay từ đầu. Cách sống cũng như sinh hoạt của nhiều người _khác nhau, không có nghĩa mình được quyền làm cái này cái khác mà không quan tâm tới người bạn còn lại.
"Khi mình cân nhắc làm một điều gì đó phải để ý tới bạn cùng phòng, mình nghĩ rằng cuộc sống sinh viên sẽ đơn giản hơn nếu mọi thứ phải thực rõ ràng và thẳng thắn. Bình thường mình với hai bạn nữa đôi khi có cãi vã, những lúc như thế bọn mình thường ngồi lại, phân tích cái đúng cái sai rồi tìm cách giải quyết, như vậy tốt hơn nhiều", Bảo Ngọc tâm sự.
Căn phòng nhỏ với góc học tập gọn gàng. |
Thống nhất quan điểm, đề ra tiêu chuẩn sống rõ ràng,... nhiều bạn sinh viên sẽ tìm thấy tiếng nói chung và sẽ chẳng còn những lần phải lên mạng xã hội "bóc phốt" lẫn nhau những khi "cơm không lành, canh không ngọt" như thế này nữa.
Sau tất cả, từ những lần vấp ngã trong cuộc sống, sinh viên sẽ học được cách lớn hơn 1 tí, rồi trưởng thành hơn. Có thể là lỗi từ chính bản thân mình hoặc từ người bạn cùng phòng, nhưng tốt nhất đừng im lặng hay một mình gánh chịu mọi việc. Hãy học cách chia sẻ và thằng thắn với nhau, mọi thứ sẽ thật đơn giản hơn nhiều!
Theo Minh Nhẫn (Thời Đại)