Người mẫu Ukraina ám chỉ người Việt thiếu văn minh khi ăn thịt chó?
Câu chuyện người Việt ăn thịt chó luôn là chủ đề gây tranh cãi dai dẳng vào quãng 10 năm nay. Cùng với trào lưu chơi chó cảnh và tình trạng trộm chó được chú ý, câu chuyện này luôn khiến dân mạng chia phe, bất đồng quan điểm sâu sắc.
Một nàng người mẫu Ukraina hiện đang sống ở Hà Nội, tên Kateryna Taran Kuptsova mới đây đã khơi lại cuộc chiến này khi quay clip TikTok để lên án chuyện người Việt ăn thịt chó. Cô mẫu này để phụ đề clip bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh để thể hiện quan điểm của mình: "Chó là bạn của con người, không phải là thức ăn".
Trong clip, Kateryna đứng ngay ở quán thịt chó, liên tục gào lên với người bán hàng bằng tiếng Anh là "Why, why" (tại sao lại làm vậy?). Cô này cũng yêu cầu người bán ngừng bán thịt chó, nói những người ăn thịt chó là dã man, không yêu thương động vật.
Khi tiểu thương bán thịt chó xua tay yêu cầu không quay chụp cũng như không muốn tiếp chuyện Kateryna, cô vẫn chĩa máy quay vào mặt cũng như hàng hóa của họ, tỏ thái độ tiêu cực. Những clip này của Kateryna đang khiến cộng đồng mạng phẫn nộ dữ dội. Rất nhiều người bình luận yêu cầu cô hãy tôn trọng văn hóa ẩm thực địa phương của Việt Nam cũng như tôn trọng những người bán hàng.
Sau khi bị làn sóng phản ứng trên Tiktok, cô người mẫu này thậm chí còn trách ngược lại dân mạng Việt, cho rằng họ "độc ác", xúc phạm cô và không quan tâm đến thành ý của cô. Cô này nhấn mạnh rằng mình lên án người Việt ăn thịt chó cũng chỉ vì muốn tốt cho người Việt cũng như bảo vệ quyền lợi của loài chó.
Chưa hết, cô này còn cố tình kéo thêm nhiều bạn bè quốc tế và Việt Nam vào các clip mới, chỉ trích việc ăn thịt chó của người Việt với thông điệp: "Chó là bạn, không phải thức ăn".
Dân mạng dậy sóng tranh cãi: Ăn thịt bò, cá, lợn thì được mà chó thì không?
Câu chuyện tranh cãi về việc ăn thịt chó là văn hóa truyền thống hay kém văn minh từng được Phúc Mập (tên thật là Brandon Hurley) - một người Mỹ sống tại Sài Gòn thẳng thắn đề cập đến khi tham gia chương trình Nhập gia tùy tục cách đây chưa lâu.
Phúc Mập thẳng thắn cho rằng mọi người tự cho mình cái quyền ăn thịt các loại động vật khác hàng ngày nhưng lại phản đối việc ăn thịt chó là đạo đức giả. "Bao nhiêu người ở nước Ấn Độ không ăn thịt bò, bao nhiêu người ở Trung Đông không ăn thịt heo, có nhiều người không ăn thịt này hay là thịt kia, nhưng mà ăn thịt là ăn thịt, động vật là động vật, thú cưng là thú cưng".
Nhiều dân mạng khác cũng đồng tình với quan điểm này.
- Mình không ăn thịt chó, thịt mèo, nhưng mình cũng không thể ép người khác giống mình được. Nên miễn là nó không vi phạm pháp luật thì bạn được quyền.
- Cô ăn gà, ăn lợn, ăn thịt, ăn những con cô cho "văn minh" rồi cô lại đi sang nước khác chê bai nền ẩm thực, thế là không được!
- Chuyện này nó cũng vô lý như bạn chỉ ăn chay xong chê người ăn mặn là dã man ấy. Tự nhiên đến nhà người ta xong bắt người ta không được ăn này ăn nọ, kỳ cục!
- Đừng ý kiến về miếng ăn của người khác. Tôi cho rằng ăn một miếng thịt mà biết trân trọng, không lãng phí vì đấy là mạng sống của một sinh linh khác mất đi để duy trì sự tồn tại của mình, đấy mới là văn minh. Chứ không phải đặt lên bàn cân thịt gì được phép ăn, con gì là bạn đâu, cô gái ơi!
Ăn hay không ăn gì, đó là quyền của bạn, nhưng không được phép xúc phạm văn hóa của người khác
Một trong những lý do mà Kateryna khiến một số người dùng mạng khó chịu, đó là thái độ của cô. Không chỉ nói về thịt chó, cô này còn thích đả động đến những món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt như mắm tôm, tiết canh, sầu riêng, gà ác tần...
Hoặc là khuyên không nên ăn, hoặc là tỏ thái độ ghê sợ thức ăn trong khi món ăn đó rất bình thường ở một dân tộc khác, Kateryna đã khiến không ít người Việt phẫn nộ. Hãy cứ tưởng tượng bạn đến nhà ai đó ăn uống, rồi liên tục xua tay, tỏ "thái độ í ẹ" hay bịt mũi chê thức ăn của họ đáng sợ, chủ nhà hiếu khách đến đâu cũng phải cáu.
Chuyện ăn uống thực ra rất khó phân định đúng - sai. Nhưng tỏ thái độ tiêu cực về một món ăn nổi tiếng ở địa phương nào đó có lẽ chỉ nên dừng ở ý kiến cá nhân, không nên chỉ trích hay kêu gọi người khác "lập team tẩy chay" phe còn lại.
Thưởng thức và đánh giá ẩm thực còn là việc phụ thuộc vào phong tục văn hóa, tôn giáo ở mỗi nơi và tùy vào từng hoàn cảnh. Người đến từ nhiều vùng đất khác nhau với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau đến sống ở Việt Nam, đừng quên phải tôn trọng sự khác biệt. Nếu như bạn không bị ép phải ăn thứ bạn không muốn, cũng đừng chỉ trích ai ăn món họ muốn.
Bị gọi là "chú", thủ môn Tấn Trường thẳng tay cốc đầu đàn em trên sóng livestream