Suốt hai ngày qua, chung cư Đất Phương Nam (quận Bình Thạnh, TPHCM) bỗng trở nên xôn xao lạ thường bởi câu chuyện của Nguyễn Ngọc Hiền.
Hiền 26 tuổi, là công nhân vệ sinh nghèo nhưng khi nhặt được 7.400 USD đã không ngần ngại tìm mọi cách trả lại cho vị khách nước ngoài. Hành động đẹp ấy khiến nhiều người cảm kích.
Hộp nước yến 300 nghìn
Bà Nguyễn Bích Đào (60 tuổi) là mẹ của Hiền. Bà nói Hiền chỉ nhận tấm bằng khen khích lệ, còn từ chối nhận tiền thưởng của các nhà hảo tâm. Phải động viên mãi, Hiền mới chịu nhận vài phần quà.
Sau hôm ấy, có lẽ cũng là một ngày đặc biệt. Hiền đi chợ nấu cơm cùng mẹ như mọi ngày, nhưng đặc biệt là lần này, Hiền mua thêm cho mẹ một hộp nước yến hơn 300.000 đồng.
“Mẹ ơi, mình mua về uống đã luôn!”, Hiền hào hứng giơ hộp nước yến “đắt đỏ” về phía mẹ, ánh mắt lấp lánh. Hộp nước yến đó là thứ duy nhất Hiền sắm thêm từ khi có tiền thưởng cho việc làm tốt của mình.
Được nhận bằng khen, tiền thưởng từ các cơ quan chức năng và một số mạnh thường quân, nhưng chính Hiền cũng không biết mình được thưởng bao nhiêu tiền. Bởi mỗi lần nhận xong, Hiền đưa luôn cho mẹ và không quên dặn rằng "mẹ giúp con chia khoản tiền này ra cho mỗi cô lao công 300 nghìn, mỗi anh bảo vệ 100 nghìn và mua chút nước thuốc mời ban quản lý”.
Chàng công nhân vệ sinh nghèo luôn tâm niệm đồng nghiệp là những người cùng sướng, cùng khổ với mình hàng ngày, họ cũng là những người có công trong việc trả lại 7.400 USD cho vị khách nước ngoài kia, nên anh muốn san sẻ niềm vui với họ.
Chàng trai 26 tuổi cũng dự định dành một khoản để ủng hộ những người nghèo, người khuyết tật trong thành phố. Khoản còn lại dành để phụng dưỡng mẹ Đào.
Trong thâm tâm, Hiền luôn nghĩ rằng việc trả lại tiền cho người mất là chuyện hiển nhiên, không có gì đáng để thưởng.
Không phải lần đầu từ chối nhận thưởng
Chia sẻ về việc Nguyễn Ngọc Hiền trả lại toàn bộ số tiền thưởng của nhiều nhà hảo tâm, chị Nguyễn Thị Thảo - Giám đốc công ty Hiền đang làm - chẳng hề ngạc nhiên, bởi đây không phải lần đầu tiên anh từ chối tiền thưởng.
Ấn tượng về tác phong làm việc và sự trung thực, thẳng thắn của Hiền, chỉ sau 2 tháng, chị Thảo đề xuất công ty "thăng cấp" cho anh từ nhân viên công nhật thành người giám sát nhóm công nhân vệ sinh.
Vừa nhận trách nhiệm mới, Hiền đã giúp công ty giải quyết một khó khăn lớn. Nhưng khi công ty thưởng cho Hiền một triệu đồng thì chàng công nhân ấy lại nhất mực từ chối.
Lãnh đạo công ty động viên mãi, Hiền mới chịu nhận một nửa số tiền thưởng nhỏ nhoi ấy, vì Hiền cho rằng mình vẫn chưa làm hết trách nhiệm, khả năng nên "không dám nhận tiền thường". Chị Thảo chia sẻ thê công ty đang trong quá trình đào tạo để Hiền có thể nâng cao năng lực và tiếp nhận những dự án có quy mô lớn hơn trong tương lai.
Được cấp trên tín nhiệm, nhưng trong mắt của nhân viên bên dưới, Hiền cũng là một người "sếp" chu đáo và trách nhiệm.
Hễ có nhân viên nào ốm, Hiền sẵn sàng làm phụ để họ được về nghỉ ngơi sớm. Những lúc công ty cần xử lý công việc gấp, Hiền cũng lập tức giải quyết ngay, bất kể là ngày hay đêm.
“Hiền tốt lắm, lúc nào cũng tính toán cụ thể, chi tiết để mọi người không bị thiệt. Thấy tôi tuổi cao sức yếu, lại không có con cái cũng như phương tiện đi lại, Hiền đã chủ động đề nghị làm “tài xế” cho tôi mỗi ngày", bà Lâm Thị Mũi (60 tuổi), một trong những nhân viên của Hiền kể.
Không thể 'có mới quên cũ'
Được tặng 4 tấm bằng khen cho việc tốt của mình, Hiền đem về đặt lên vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con, đối diện bàn thờ bố.
Sau đó, chàng trai 26 tuổi tiếp tục ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng, cẩn thận kiểm tra và chấm công cho từng người ở công ty. Công việc ấy gắn bó với Hiền đến nỗi, dù có cơ hội tốt hơn, Hiền vẫn nhất quyết khước từ.
Trong các mạnh thường quân tìm đến Hiền, có người đề nghị trao tặng anh một suất học bổng trong suốt 2 năm, với cam kết trả 6 triệu mỗi tháng và có việc làm ngay sau khi học xong. Thế nhưng, Hiền cương quyết từ chối ngay.
Giải thích cho quyết định của mình, chàng công nhân vệ sinh nghèo nói rằng "không thể thấy mới mà quên cũ". Hơn nữa, Hiền đã cam kết làm việc ở công ty này và sẽ làm tròn trách nhiệm của mình.
Biết tin Hiền vẫn phải dùng chung điện thoại với mẹ, nhà báo Trần Giang Nam (báo Kinh tế Nông thôn) đề nghị được tặng Hiền một chiếc điện thoại để tiện liên lạc và cập nhật tin tức.
Lúc đầu, Hiền từ chối nhưng sau được mọi người động viên, Hiền đồng ý nhận món quà của anh Giang. “Tôi rất ngưỡng mộ tính cách của Hiền và mong câu chuyện đẹp ấy được lan tỏa. Tôi còn muốn giúp đỡ Hiền nhiều hơn, nhưng cậu ấy cương quyết không nhận, chỉ dám nhận chiếc điện thoại", anh Giang chia sẻ.
Kết thúc mọi công việc trong ngày, hai mẹ con Hiền ngồi trên chiếc giường nhỏ duy nhất trong phòng, cùng vui vẻ ăn bữa cơm đạm bạc, bên cạnh là lon nước yến mới mua.
Trong bữa cơm ấy, chẳng ai nhắc gì về khoản tiền 7.400 USD, về vị khách Tây hay về những nhà hảo tâm cảm kích trước hành động đẹp của Hiền. Bởi như hai mẹ con Hiền từng nói, "chuyện đó có gì đáng nhắc đâu".
4 ngày trước, trong lúc dọn dẹp căn hộ mà ông Artern (quốc tịch Ukraine) trả lại sau khi thuê, bà Nguyễn Bích Đào (60 tuổi, nhân viên vệ sinh) cùng con trai tên Nguyễn Ngọc Hiền (26 tuổi) phát hiện trong bao rác có 7.400 USD.
Nhờ sự kết nối của ban quản lý chung cư, chiều cùng ngày, anh Nguyễn Ngọc Hiền đã trao tận tay ông Artern số ngoại tệ trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng.
Theo Thu Hằng (Tri Thức Trực Tuyến)