Chàng trai tỉnh lẻ nhận lương 130 triệu/tháng từ lúc chưa tốt nghiệp hiện nay thế nào?

01/11/2022 06:22:18

Chàng trai đến từ Hậu Giang, có số giải thưởng đủ “dát” kín người, hiện giờ ra sao sau khi tốt nghiệp đại học và từ chối mức lương hơn 130 triệu đồng/tháng?

Lê Yên Thanh sinh năm 1994. Sau 6 năm tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Thanh đã trở thành một ông chủ.

Quyết định khởi nghiệp với BusMap - bản đồ xe buýt online, một ý tưởng được xây dựng từ ngày còn là sinh viên, Lê Yên Thanh đạt được thỏa thuận với một tập đoàn lớn về việc đầu tư hơn 1,5 triệu USD vào ứng dụng.

Hiện Thanh là Founder cũng như CEO ứng dụng BusMap (hay Phenikaa MaaS). Anh cũng có mặt trong danh sách Under 30 năm 2021 của tạp chí Forbes Việt Nam. 

Chàng trai tỉnh lẻ nhận lương 130 triệu/tháng từ lúc chưa tốt nghiệp hiện nay thế nào?
(Ảnh: trang cá nhân của nhân vật) 

Khi còn là học sinh Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), Thanh đã mang về hàng chục giải thưởng trong các kì thi tin học cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. Ngoài ra, Thanh còn được các thầy cô nhớ đến khi thiết kế phần mềm quản lý nề nếp học sinh với bảng xếp hạng hàng tuần các lớp, thống kê vi phạm và xếp hạnh kiểm cho từng học sinh.

Trong thời gian học đại học, Lê Yên Thanh đoạt giải Nhất cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á năm 2013; giải Hornorable Mention cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC thế giới năm 2014; Huy chương Đồng cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC vòng khu vực châu Á năm 2014; Cúp vàng khối thi siêu cúp Olympic tin học sinh viên VN năm 2012; 4 năm liên tục nhận học bổng Odon Vallet; giải thưởng Quả cầu vàng năm 2014.

Cách đây 6 năm, Yên Thanh trở thành thực tập sinh tại Google (Mỹ) với mức lương 6.000 USD/tháng (tương đương 130 triệu đồng/tháng ở thời điểm đó). Kết thúc khóa thực tập, nhận được đề nghị ở lại làm việc cho Google, nhưng Thanh đã bỏ qua cơ hội này để về nước khởi nghiệp.

Đến giờ, Thanh vẫn tự nhủ rằng không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm những điều đó khi ở độ còn tuổi trẻ như mình. Vì vậy, với Thanh chọn con đường này là may mắn.

Một trong những dấu ấn của Thanh trong 6 năm qua là đã gọi vốn thành công hơn 1,5 triệu USD cho startup của mình. Đó là dự án BusMap - bản đồ xe buýt online – một ý tưởng được Lê Yên Thanh xây dựng từ khi là sinh viên.

Những năm đầu lên Sài Gòn trọ học chủ yếu đi lại bằng xe buýt, nhận thấy việc tìm các tuyến đường đi của xe khá khó khăn, sau 2 tháng mày mò, Thanh đã cho ra đời phần mềm này. Với BusMap người dùng có thể truy cập đường đi của xe buýt bằng bất cứ thiết bị nối mạng nào. Sau đó, phần mềm sẽ gửi hướng dẫn đường đi tối ưu nhất cho người dùng.

Tuy nhiên, để đi từ ý tưởng đến hiện thực là không dễ dàng. Một phần vì ứng dụng vốn được phát triển với mục tiêu không vì lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên. Từng được khen ngợi, nhưng cay đắng cũng nhiều khi Thanh bị không ít nhà đầu tư từ chối. 

Tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là lúc Lê Yên Thanh đạt được thỏa thuận với một tập đoàn lớn về việc đầu tư hơn 1,5 triệu USD vào ứng dụng. Thanh bảo ngày gặp gỡ và ký kết với nhà đầu tư, thấy mọi người cùng mang khẩu trang là một trải nghiệm rất đặc biệt.

Đến nay, ứng dụng Bus Map đã có mặt tại 6 tỉnh, thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Chiangmai và Bangkok. Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm bằng nhiều tính năng như: tìm đường, tra cứu tuyến, xem vị trí xe theo thời gian thực di chuyển đa phương thức và đánh giá chất lượng.

Chàng trai tỉnh lẻ nhận lương 130 triệu/tháng từ lúc chưa tốt nghiệp hiện nay thế nào? - 1
(Ảnh: trang cá nhân của nhân vật)

Lê Yên Thanh nói năm vừa qua khá biến động đối với mình. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Thanh có thời gian suy nghĩ chậm lại để đưa ra được những hướng đi tốt hơn cho bản thân mình và công ty. Với Thanh, dịch bệnh tới làm thay đổi nhiều thứ, từ startup đến suy nghĩ của bản thân về sự nghiệp. 

Startup thì phải thay đổi mô hình kinh doanh và tiến hóa để "sống sót". Thanh và mọi người phải học khá nhiều thứ mới và nghiên cứu những công nghệ mới. Dù không đạt được doanh thu đã đề ra nhưng về cơ bản startup cua Thanh đã vượt qua được khó khăn và có thành quả nhất định để thuyết phục được nhà đầu tư tin tưởng hơn. 

"Sau khi thấy đại dịch ảnh hưởng đến startup làm mình khổ sở như thế nào, tôi mới thấy việc có một kế hoạch dài hạn cho bản thân về sự nghiệp rất quan trọng. Nó vừa giúp cho chính mình vừa giúp cho startup của mình có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai nếu gặp những khó khăn tương tự như đại dịch” - Thanh nói.

Đó là những thời điểm phải đặt mục tiêu hàng đầu là sức khỏe mọi người thay vì lợi ích của công ty, nên nếu càng áp lực chuyện tiền bạc hàng ngày thì càng mất đi những thứ quý giá, mà doanh thu vẫn bằng 0. Vì vậy, dù vừa phải lo tinh thần của nhân viên bị ảnh hưởng và mất đi nhân sự, nhưng nhìn chung, Thành hài lòng vì mọi thứ vẫn ổn và nhân viên vẫn được trả lương đầy đủ…

Từ bỏ công việc nhiều người ao ước, quyết tâm đi hướng riêng của mình, Thanh nhìn nhận khởi nghiệp không phải là con đường dành cho tất cả mọi người. Nhưng Thanh quan niệm tuổi trẻ là đặc ân. Nếu phạm sai lầm khi lớn tuổi sẽ phải trả giá gấp hàng trăm lần so với lúc còn trẻ. Vì vậy, người trẻ hãy cứ can đảm dấn thân và sẵn sàng cho những thử thách.

Thanh khuyên những bạn trẻ có ý định khởi nghiệp hãy tìm hiểu thật kỹ và có sự chuẩn bị chu đáo cho bản thân. Nếu có thất bại cũng luôn cố gắng để giữ ngọn lửa nhiệt huyết bên trong mình không bao giờ tắt. Học cách đứng lên sau thất bại và học hỏi từ thất bại là rất quan trọng với một người làm khởi nghiệp.

Theo Lê Huyền (VietNamNet)