Nhiều ngày nay, MXH tại Việt Nam đang xôn xao trước thông tin về một hố sụt có tên Kong Collapse nằm ở độ cao 450m tại Phong Nha – Kẻ Bàng, được xem là hố sụt cao nhất Việt Nam hiện tại và là một trong những hố sụt cao nhất thế giới. Ẩn bên trong hố sụt là khu rừng nhiệt đới nằm sâu trong lòng hang cùng rất nhiều ngóc ngách lớn nhỏ, suối ngầm... dẫn đến các hang động khác.
Thực chất, địa điểm này đã được phát hiện ra vào năm 1997 bởi các nhà khảo sát hang động BCRA. Sau khi bơi xuyên qua hang Đại Ả từ cửa trước ra cửa sau khoảng hơn 20 phút, họ không tìm được lối ra nên đã quay trở lại.
Thời gian gần đây, các nhà thám hiểm lại tiếp tục hành trình khám phá và phát hiện được toàn bộ lối vào, lối ra cũng như cấu tạo xuyên suốt hệ thống 3 hang, tạo nên một cung đường trekking tuyệt đẹp mới.
Dạo gần đây, những thông tin về một hố sụt cao nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới có tên Kong Collapse đang làm dậy sóng cộng đồng mạng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số fanpage lớn trên Facebook liên tục đưa "tin mới phát hiện gây chấn động" khi Việt Nam vừa phát hiện ra hố sụt cao nhất thế giới nằm trong địa phận vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Những thông tin này gây hiểu lầm cho không ít người dùng MXH về thời gian phát hiện ra "hố tử thần" cũng như toạ độ chính xác của nó.
Là một người từng đặt chân đến "hố tử thần" Kong Collapse, Lỗ Hữu Đức Anh (23 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc) đã có những chia sẻ và đính chính chân thật về địa điểm này.
1. Tại sao phát hiện ở Việt Nam nhưng hố sụt lại được đặt tên tiếng Anh?
Khoảng 2h sáng theo giờ Hàn Quốc, mình thấy có nhiều fanpage đưa tin về Kong Collapse với tít khá nóng, nhưng tất cả đều đưa thông tin sai và thiếu nên dẫn tới việc nhiều người hiểu lầm.
Một thắc mắc đầu tiên mà mình thấy hầu như ai cũng hỏi chính là về cái tên của "hố tử thần" này. Hang được đặt tên tiếng Anh mà không phải tiếng Việt là vì địa điểm này do người nước ngoài phát hiện ra.
Nhìn từ trên cao, hố này trông giống hình thù của con King Kong khổng lồ. Hơn thế nữa, đây cũng nằm trong khu vực từng được chọn quay bộ phim "Kong" nổi tiếng vào năm 2017, góp phần kích cầu du lịch tỉnh Quảng Bình. Riêng từ "collapse" có nghĩa là "hố sụt". Nếu bạn là khách Việt đến trải nghiệm địa điểm này sẽ được giới thiệu là "hố sụt Kong", còn đối với người nước ngoài các HDV sử dụng cụm từ "Kong Collapse" cho dễ hiểu.
2. Kong Collapse thuộc hệ thống hang Hổ chứ không phải hang Sơn Đoòng
Cái sai tiếp theo là thông tin Kong Collapse nằm trong hang Sơn Đoòng, nhưng thực tế lại thuộc hệ thống hang Hổ. Có bài viết còn ghi là Kong Collapse thuộc VQG Sơn Đoòng, cái này mình đọc chỉ thấy buồn cười vì sai quá sai.
Hơn 1 năm trước, vào ngày 17/05/2019, mình có tham gia tour Tiger Cave ở Quảng Bình và trong đó có đi qua cả Kong Collapse. Và mình xin xác định hố sụt khổng lồ này nằm trong hệ thống hang Hổ.
Sau khi đi bộ từ điểm dừng xe của Jungle Boss trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng khoảng 8km thì mình bắt đầu đến cửa hang Đại Ả. Ở đây có 2 lựa chọn là bơi qua hang Đại Ả khoảng 350m hoặc đi đường bộ (nếu bạn không thể bơi thì sẽ có trợ lý an toàn hỗ trợ bạn).
Hôm ấy mình được một anh kéo đi vì mình không biết bơi, nhưng lại muốn thử cảm giác bơi qua hang. Bơi được một đoạn thì có 2 lối rẽ, rẽ trái là ra Kong Collapse, còn rẽ phải thì không biết đi đâu.
Đoàn mình có dừng chân cắm trại ở đây một đêm, sáng hôm sau đi ngược lên phía trên để tiếp tục hành trình đi đến hang Over, hang Hổ và hang Pygmy. Nếu bạn không bơi qua hang Đại Ả thì có thể chọn phương án đi bộ theo hướng khác và đu dây xuống Kong Collapse.
Và thông tin của các page kia nên sửa thành "mới tìm ra lối đi tắt đi từ Kong Collapse đến hang Hổ" chứ không phải là "Phát hiện chấn động - mới tìm thấy hố sụt lớn nhất Việt Nam" thì sẽ đúng hơn.
3. Lối tắt đi tới Kong Collapse như thế nào?
Mình có hỏi kỹ lại một anh hướng dẫn và anh trả lời như thế này: "Từ Đại Ả đi qua Kong em có nhớ là phải bơi qua một lối nhỏ cao khoảng 3m không? Bơi qua lối đó hang lại phình to ra ấy? Chỗ phình đó nhìn bên trái sẽ có một đoạn dốc toàn đất và đá, leo lên đó sẽ có 1 lối thông về hang Hổ, đi tầm 15 phút nữa là tới."
Theo lời kể của anh hướng dẫn tour thì đoạn mình kể bên trên là lúc bơi qua hang Đại Ả để tới Kong Collapse. Lúc rẽ trái là tới hố sụt này, còn lối rẽ phải kia là lối đi tắt mới được phát hiện ra, chính là đường đi tắt từ Kong Collapse tới hang Hổ.
Ngoài ra, phòng trường hợp những ngày mưa lũ không bơi qua hang được thì có thể đi đường khác, mình gọi đó là đường khô. Đường này thường là các anh porter (hướng dẫn viên) đi, nằm ngay phía cửa hang Đại Ả để bơi sang hố sụt thì có một lối rẽ tay trái đi lên dốc khoảng 20 phút và xuống dốc 20 phút là vào tới Kong Collapse.
4. Sự khác và giống nhau giữa Kong Collapse ở hang Hổ và Garden of Edam ở hang Sơn Đoòng
Cả hai đều có quá trình hình thành tương tự nhau. Tuy nhiên, hố sụt Garden of Edam trong hang Sơn Đoòng nằm giữa hang, còn Kong Collapse thì lại nằm gần cuối hang Hổ. Dù phía Jungle Boss phát hiện ra dòng chảy ngầm (đã bơi khoảng 150m và thấy vẫn còn dài) nhưng vẫn chưa thể khám phá hết lối này. Có thông tin cho rằng có thể từ lối đi này có thể nối liền và thông ra 1 cửa khác, và lối mới này vẫn còn là một bí ẩn.
Hang Sơn Đoòng cách Đại Ả khoảng 8km theo hướng Tây Nam, vì vậy mọi người đừng nhầm lẫn giữa hai hố sụt này nhé. Và vì chưa đi hang Sơn Đoòng nên mình sẽ không có dòng nhận xét hố sụt nào to hơn. Hãy để các chuyên gia đưa ra nhận xét bằng số liệu chính xác nhất trong tương lai.
5. Du khách có cơ hội khám phá hố sụt hùng vĩ này trong thời gian sắp tới?
Với mình, trong chuyến hành trình đó thì Kong Collapse là điểm dừng chân mình yêu thích nhất vì có chỗ tắm ngay cạnh chỗ cắm trại. Trong lúc đợi các anh Porter dựng lều và chuẩn bị bữa tối thì mình cùng các anh chị trong đoàn quây quần để nghe bố Steven kể về Kong Collapse, vì tiếng Anh không giỏi nên vừa nghe vừa nhìn theo miêu tả bằng hình thể của bố, đoán rằng bố đang miêu tả về độ dài từ trên đỉnh phía trên xuống tới dưới này.
Tối hôm đó có sinh nhật 1 người anh trong đoàn nên dự định chơi ma sói của mấy chị em tôi bị huỷ và thay vào đó, tất cả cùng uống chút rượu và hát hò cùng nhau rồi trở về lều nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày mai tiếp tục hành trình.
Trên một số bài đăng, mình thấy có những comment rất "hồn nhiên" khi tưởng du khách có thể tự do vào đây được, và như vậy dễ dẫn tới phá huỷ cảnh quan thiên nhiên. Thế nhưng Kong Collapse thuộc quyền khai thác của công ty Jungle Boss và đa phần đều giới hạn số lượng người đăng ký tham gia tour. Có thể nói rằng, việc khám phá "hố tử thần" cao nhất Việt Nam cũng như trên thế giới này là hoàn toàn có thể, tuy nhiên không phải là điều dễ dàng với nhiều du khách.
Tất cả những cái sai và hiểu lầm kia mình không biết đến từ đâu, nhưng những người đi copy lại đã không kiểm chứng, cứ thấy bài viral là "bê nguyên xi" về để đăng lại, và cứ thế những thông tin sai lệch lại tiếp tục được lan truyền tiếp. Chỉ dùng sai từ, thông tin không kiểm chứng dễ dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Muốn xây dựng một cộng đồng du lịch lành mạnh, tích cực thì mình nghĩ bản thân mỗi người hãy cẩn thận trước khi đưa ra một thông tin nào đó vào thời đại công nghệ 4.0 như thế này.
Theo Minh Hiếu (Trí Thức Trẻ)