Văn hóa ứng xử nơi rạp phim – câu chuyện "nói mãi không hết"
Không thèm xếp hàng mua vé, thao thao bất tuyệt về nội dung phim như chính mình là nhà biên kịch của bộ phim, gây ồn ào, thân mật quá mức cho phép ngay trong rạp…là một vài trong số nhiều hành động bất lịch sử mà chúng ta có thể gặp phải trong rạp chiếu phim.
Văn hóa ứng xử của giới trẻ nơi công cộng, đặc biệt là trong rạp chiếu phim là chủ đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Và đôi khi nhiều hành động "vô duyên" trong rạp phim đã gây ra những tình huống "dở khóc dở cười", nếu không muốn nói là khó chịu cho người xung quanh, mà câu chuyện của chàng trai có tên Nguyễn Khánh Hưng là một ví dụ.
Những tưởng có một tối cuối tuần thư giãn, thưởng thức điện ảnh, thế nhưng Khánh Hưng lại không ngờ phải nhận trải nghiệm "kinh hoàng" vì sự thiếu ý thức của một cặp tình nhân trẻ.
Khánh Hưng bức xúc chia sẻ: "Hôm nay tôi đi xem "The Girl in the Spider’s Web". Vừa vào đã thấy cô gái ấy thao thao bất tuyệt với người yêu, nào phần 1 là gì, phim này chuyển thể từ truyện ra sao...là đã có linh cảm không lành rồi.
Suốt 150 phút chiếu phim, cô ấy nói không ngừng nghỉ. Lúc thì thuyết minh phim: "Đây là chị gái này", "Ba bọn nó đấy", "Thằng con kia kìa"... Nhưng có vẻ cô ấy mang mồm chứ quên mang não, bởi vì chỉ 1 tiếng sau cô ấy chuyển sang: "Ơ ai đây, con nào đây", "Ơ sao kỳ vậy", "Ơ sao lại thế"...
Chưa hết kinh hoàng, cô gái "mồm không mọc mạng nhện" chuyển qua làm đạo diễn phim: "Con này nó trèo lên cho xem" (trong khi nó chui dưới hầm), "Bà này ghê gớm lắm đấy" (cuối phim bà chết lãng xẹt),...
Ban đầu mình nghĩ: "Ờ thì thôi coi như cô ấy vô ý, nói hơi to, thông cảm". Nhưng không, cô gái cố gắng chứng minh là mình vô duyên thực sự, chứ không phải vô ý.
Cô ấy còn tặng cả rạp quả Combo học tiếng Anh. Diễn viên nói: How are you?, cô nói lại đúng How are you chính xác cả ngữ điệu..."
"Các bạn nghĩ thế là hết rồi hả?! Tôi cũng tưởng vậy, nhưng chưa, cô gái ấy còn muốn phá vỡ giới hạn của sự vô duyên nữa cơ.
Đoạn anh da đen vào Bar, tiếng nhạc trong Bar cũng chỉ văng vẳng, để diễn viên còn thoại, thế nhưng cô gái tặng cả rạp nguyên một vũ điệu flamenco.
Nói đi cũng phải nói lại, ông người yêu yêu quá mức, hưởng ứng sự vô duyên của bạn gái một cách rất nhiệt tình. Ngồi bàn luận, dự đoán, thuyết minh, học tiếng Anh cùng bạn gái chắc sướng lắm vì thấy cả 2 người tòm tem nhau đủ 150 phút phim không chút mệt mỏi"
Bài đăng của Khánh Hưng nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, thể hiện qua con số hơn 11.000 lượt thích và hàng trăm lượt bình luận. Tình huống mà Hưng gặp cũng không phải mới hay của riêng chàng trai.
Qua đây, dân mạng cũng bày tỏ bức xúc với những hành động đáng xấu hổ trong rạp chiếu phim như đạp chân vào ghế của người đằng trước, lớn tiếng nhại lời nhân vật trong phim hay có những hành động thể hiện tình cảm quá đà.
Chia sẻ về câu chuyện này, cô bạn có nickname Mộc Trà đã lên tiếng kể lại những bức xúc của mình: "Cặp đôi mà bạn Khánh Hưng kể trông cũng ngoại hình cũng lịch sự, đẹp đôi vậy mà ý thức kém quá nhỉ.
Có lần mình đi xem gặp phải một em cũng như thế,cứ đoạn cao trào em vỗ tay như là trúng số, cả rạp chép miệng em vẫn ngây thơ không biết gì.
Rồi 1 hôm khác lại 1 đôi uyên ương ngồi thuyết minh cho nhau, thơm má nhau. Cái tình huống mà cả rạp biết lâu rồi phút cuối chúng nó lại còn "thấy chưa, anh biết ngay mà, huhu". Còn nhiều nữa: bật điện thoại sáng, nói chuyện to như ở nhà, cười văng bỏng...".
Bạn Minh Hương (Hà Nội) còn phải đối mặt với một nhóm học sinh nhỏ tuổi trong rạp chiếu phim, bị các em làm ồn, thậm chí cò dính bỏng ngô do các em vô tư ném nhau trong rạp.
"Hôm đó đi xem phim, mình đã cố chọn giờ cuối tuần và là buổi trưa vì nghĩ rằng sẽ vắng và ít trẻ con. Nhưng không hề. Rạp đông kinh khủng và nguyên nửa hàng bên cạnh của mình là trẻ con, các em chắc khoảng cuối cấp 2.
Lần sau các em giữ yên lặng nơi công cộng giùm, đừng đánh nhau trong rạp, đừng khoe mình ăn bỏng giắt răng hay không xì nước mũi được. Chị mệt mỏi lắm.
Thậm chí có người nhắc các em cũng tỏ thái độ. Từ sau lần này chị cạch xem phim không giới hạn độ tuổi vì các em rồi đấy".
Tiền có thể mua được một cặp vé xem phim, nhưng sự tôn trọng thì lại không thể dùng tiền mua được, mà nó tùy thuộc vào hành động của bạn.
Cúi khom lưng khi đi qua màn hình, không gây tiếng ồn, không nói chuyện hay cười quá lớn với bạn bè, bỏ rác đúng nơi quy định, tắt chuông điện thoại để tránh làm phiền người khác...chỉ những hành động nhỏ này thôi, cũng giúp bạn nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Theo Ngân Hà (Soha/Trí Thức Trẻ)