Minh Luân gọi quyết định của mình là 'liều lĩnh nhưng đáng giá. ẢNH: NVCC |
Nguyễn Minh Luân (sinh năm 1994, tại TP.HCM) là một chàng trai như thế. Chàng trai 9X là sinh viên Việt duy nhất của Đại học Macquarie (ở thành phố Sydney, bang New South Wales, Úc) từ khi thành lập vào năm 1964 đến nay theo đuổi ngành Ứng dụng và quản lý nghệ thuật (Arts Practice and Management).
Những bước đi đầu tiên đầy khó khăn
“Vạn sự khởi đầu nan”, câu nói này khá đúng trong giai đoạn đầu Luân sang Úc du học. Ngoài chuyện hòa nhập cuộc sống, ăn ở, đi lại, làm thêm… chàng trai 9X còn đau đầu khi phải nỗ lực khỏa lấp những khác biệt trong cách giáo dục tại đây, dù trước đó, Minh Luân đã theo học ngành Úc học tại Trường đại học KHXH-NV (TP.HCM) được 3 năm.
Nguyễn Minh Luân là sinh viên Việt duy nhất của Đại học Macquarie (Sydney, Úc) từ khi thành lập vào năm 1964 đến nay - ẢNH: NVCC |
Minh Luân đã mất khá nhiều thời gian để thuyết phục bố mẹ đồng ý cho cậu theo đuổi một ngành thiên về nghệ thuật. Bởi, số đông sinh viên Việt Nam khi du học tại Úc đều chọn nghiên cứu về kinh doanh, tài chính hay kế toán, chẳng ai lại học cách để trở thành… một nghệ sĩ.
Thế nhưng, bằng niềm đam mê và sự kiên định, chàng trai 9X đã chứng minh cho gia đình thấy tình yêu với nghệ thuật trong mình là nghiêm túc. Minh Luân bộc lộ năng khiếu ở lĩnh vực sở trường là làm nhạc, dựng chương trình. Chàng trai 9X này cũng từng đảm nhận vị trí nhạc công trong chương trình Thanh Âm 91 của VOV Giao thông TP.HCM, có thời gian chơi piano đệm đàn tại các quán cà phê ở Sài Gòn,...
Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ và cái duyên với âm nhạc, Minh Luân đặt chân đến Đại học Macquarie, Úc cuối năm 2014. Tại đây, Minh Luân được đào tạo bài bản về những kỹ năng để trở thành một nhà sản xuất âm nhạc, người quản lý nghệ sĩ hay rộng hơn là người đứng sau những "sáng tạo nghệ thuật" mang tính hệ thống, tập thể.
Sau hơn 1 năm rưỡi lĩnh hội kiến thức, Luân nhận ra nghiên cứu về âm nhạc không đơn thuần là nắm bắt nhạc lý hay tập chơi nhạc cụ… nó còn đòi hỏi người học sự am hiểu về cơ sở lý luận âm nhạc. Đây là nền tảng cực kỳ quan trọng để trở thành một nghệ sĩ phát triển bền vững mọi yếu tố và khắt khe hơn với chất lượng sản phẩm mình làm ra.
Vừa học, vừa làm, vừa sáng tác nhạc… Minh Luân gọi cuộc sống du học sinh của mình là 'vòng xoáy không nghỉ'- ẢNH: NVCC |
Câu nói của một vị giáo sư khiến Luân tâm đắc nhất: “Âm nhạc bao gồm cả văn hoá học, tâm lý học, xã hội học và triết học, phải hiểu nhạc trước rồi mới chơi nhạc được!”.
Vừa học, vừa làm, vừa sáng tác nhạc… Minh Luân gọi cuộc sống du học sinh của mình là “vòng xoáy không nghỉ”, song chàng trai Sài thành chưa khi nào nản chí bởi anh thấy mình đang sống trong những ngày tuổi trẻ sôi động nhất, còn gì hạnh phúc hơn khi được cống hiến hết mình cho đam mê âm nhạc.
Gìn giữ hồn Việt trong ca khúc nước ngoài
Đó là điều Minh Luân tìm cách thể hiện qua ca khúc Lullaby (À Ơi), tác phẩm đầu tay do anh sáng tác. Đây cũng là sản phẩm kết thúc môn Sáng tác của Minh Luân tại trường. Sau khi giới thiệu “đứa con tinh thần” này lên mạng xã hội, anh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người nghe.
Clip: Tác phẩm Lullaby (À Ơi) do Minh Luân sáng tác, Trần Thị Mỹ Kim (sinh viên Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội TP.HCM thể hiện, thực hiện sản xuất - Thanh Tú |
Ngoài giai điệu da diết, mềm mượt đến nao lòng, điều khiến Lullaby (À Ơi) trở nên đặc biệt hơn cả chính là cách Minh Luân đã kết hợp giai điệu ru của Ireland và Scotland với lời ru “À ơi” của Việt Nam trong một ca khúc được viết bằng tiếng Anh. Chàng trai trẻ gọi đây là sự giao thoa văn hóa mà cậu luôn mong muốn hướng đến trong tác phẩm của mình.
Minh Luân say sưa nói về tác phẩm đầu tay: “Cái ‘À ơi’ với mình là một âm thanh đẹp và không có ý nghĩa cụ thể nên khi mang vào bài hát bằng tiếng Anh nghe vẫn không hề bị lạc loài mà lại khiến người nghe cảm giác gần gũi hơn. Suy nghĩ đưa lời ru này vào ca khúc bắt nguồn từ việc ngày nay nhạc Việt trẻ chịu ảnh hưởng nhiều bởi nhạc Âu - Mỹ, bằng chứng là dễ thấy những ca từ tiếng Anh xen giữa ca từ tiếng Việt trong một bài hát. Vậy tại sao chúng ta không thể làm ngược lại?”.
“Mình kỳ vọng tác phẩm mang âm hưởng của thế giới nhưng vẫn giữ nguyên chất liệu thuần Việt nhất đó là lời ru của mẹ, có thể mang đến nét mới lạ, một sự tôn vinh văn hoá dân tộc và trên hết là nét đẹp của lời ru Việt… đến với các giáo sư ở trường”, Minh Luân nói thêm.
Đang là sinh viên năm thứ 2 ngành nghệ thuật của một trường nước ngoài, những điều Minh Luân làm được chưa phải là nhiều nhưng cũng rất đáng tự hào. Câu chuyện của Minh Luân phản ánh một thực tế, nghệ thuật là một lĩnh vực rộng lớn và đầy hấp dẫn, song để hiểu về nó một cách bài bản, ngoài điều kiện vật chất bạn trẻ còn cần phải có định hướng nghiêm túc và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Theo Lê Ái (Thanh Niên Online)