“Trước đây, khi sắp Tết là tôi sẽ nhanh chóng thu vén công việc để về nhà sớm nhất có thể. Nhưng giờ hơn 30 tuổi, tôi lại sợ mỗi năm Tết đến xuân về. Khi về nhà, tôi cũng chỉ dám ở trong phòng vì sợ phải nghe thấy những câu hỏi: “Bao giời cho ăn cỗ”, “Bao giờ lấy vợ”, “Năm nay thưởng Tết nhiều không”. Giờ đây, về quê ăn Tết là nỗi ám ảnh. Tôi không biết là do bản thân mình đang nghĩ quá nhiều hay do áp lực từ mọi người. Tôi rất cần sự tư vấn để biết bản thân có mắc bệnh gì hay không và cần đi khám ở đâu”, anh Hoàng tâm sự với chuyên gia.
Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Hội Tâm lý học Việt Nam, nói tâm trạng của Hoàng là rất dễ hiểu. Cuộc sống hiện đại, các bạn trẻ thường lập gia đình muộn. Tuy nhiên sự quan tâm quá mức của bố mẹ, họ hàng liên quan tới vấn đề lấy vợ/chồng tạo ra sức ép tâm lý. Những câu hỏi tưởng chừng bâng quơ có thể trở thành sự soi mói đời tư đối với người trẻ, theo vị chuyên gia.
Khi nhận được câu hỏi quan tâm đời tư quá mức, người trẻ có thể giải thích lần 1, lần 2. Tuy nhiên, đến lần thứ 3, họ chán nản không muốn giải thích nữa. Từ đó, họ tìm cách né tránh, không muốn về quê.
Sự quan tâm quá mức này đã đẩy anh Hoàng và các bạn trẻ xa cách với gia đình. Ngoài ra, việc này cũng tác động tới tâm lý của người trẻ như sau:
- Tạo ra sự chán nản, chán ghét với chính những câu hỏi đó và khiến họ không có động lực, không muốn tiếp tục nghĩ đến chuyện lấy vợ/lấy chồng.
- Ảnh hưởng đến suy nghĩ, não bộ khi họ phải đưa ra lời nói dối, tìm cách giải thích với gia đình, hàng xóm, bạn bè về chuyện lấy vợ/lấy chồng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sống, đến công việc của họ.
- Ảnh hưởng đến trực tiếp công việc của họ, làm giảm hiệu suất làm viêc, nhất là khi thời gần Tết, gian sắp về quê khi phải nghĩ cách đối phó hoặc trốn tránh việc về nhà.
Trong các trường hợp này, chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh cần phải hiểu tâm lý con, động viên con chứ không nên ép buộc, thúc giục con phải làm theo ý mình. Các thành viên trong gia đình cũng nên học cách lắng nghe và tôn trọng mong muốn của nhau, cần tạo không khí ấm cúng, vui vẻ trong dịp Tết chứ không phải nhân cơ hội đông đủ mọi người để tạo áp lực cho ai đó.
Còn đối với Hoàng nói riêng và các bạn trẻ nói chung, chuyên gia khuyên hãy luôn tự nhắc nhở bản thân sống vui vẻ, hoặc tự tạo niềm vui cho mình bằng cách xem một bộ phim yêu thích, đi du lịch. Ngoài ra, cần đặc biệt tránh những chất kích thích khi tâm trạng căng thẳng vì nó sẽ làm tình trạng trầm trọng hơn. Nếu mất ngủ kéo dài, căng thẳng, stress thì nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để thăm khám.
Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)