Có nhiều người chùn bước trước khó khăn, nhưng cũng có những người lấy khó khăn làm động lực vươn tới phía trước.
Trong căn phòng trọ chật hẹp ẩm thấp, mẹ của Phước - Cô Thái Thị Hồng Hoa (1960) nhớ lại những ký ức đã qua: “Năm 38 tuổi cô bị liệt nửa người vì tai biến, gia đình phải chạy vạy vay mượn khá nhiều tiền để chữa trị. Năm 2011, bố Phước lại qua đời do đột quỵ, từ đó kinh tế gia đình suy sụp hẳn. Cô bán nhà lấy tiền kinh doanh, nhưng đều thua lỗ, cuối cùng hai mẹ con phải đi mướn phòng trọ ở qua ngày ".
Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Phước chưa bao giờ làm mẹ thất vọng, cậu đỗ 2 trường đại học ai cũng mơ ước với số điểm cao là: Y Dược Phạm Ngọc Thạch và Bách Khoa TP.HCM.
"Ước mơ lớn nhất của em là được trở thành bác sĩ, tuy nhiên ngành học này mất rất nhiều thời gian, đến tận 9 năm để ra nghề. Điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, nên em chọn Bách Khoa để nhanh ra nghề sớm đi làm chăm sóc cho mẹ" - Cậu tiếc nuối từ bỏ giấc mơ lớn nhất của mình.
Chương trình học ở trường Bách Khoa là khá nặng, đối với nhiều sinh viên việc theo kịp chương trình học đã là cả một sự cố gắng. Còn với Phước thì đó là cả một câu chuyện về nghị lực. Hơn ai hết Phước hiểu rằng mẹ đã lớn tuổi và không còn nhiều sức khoẻ để bươn chải chăm lo cho mình, cậu phải mạnh mẽ hơn để trở thành chỗ dựa cho mẹ.
Sau một lần tham gia chương trình thiện nguyện giảng dạy cho các em bé cơ nhỡ, Phước nhận ra làm gia sư vừa đỡ vất vả hơn, lại vừa có ích hơn, thế là cậu xin đi dạy thêm ở các trung tâm. Nhờ kiến thức vững và sự nghiêm túc trong công việc nên Phước được học trò và phụ huynh rất quý mến.
Hiện tại Phước đang tự học tiếng Nhật ở nhà để mở rộng cơ hội làm việc. |
Những khó khăn vẫn còn ở phía trước, chẳng ai có thể đoán trước điều gì nhưng bằng những nỗ lực của chính bản thân và sự giúp sức của cộng đồng, tin rằng mẹ con Phước sẽ sớm vượt qua những ngày tháng khó khăn và quan trọng hơn Phước sẽ sớm chạm được ước mơ của mình. Thành công luôn đón đợi những ai không ngừng cố gắng.
Theo A.D (Trí Thức Trẻ)