"Cha mẹ đừng biến cuộc đời con trở thành bi kịch"

23/01/2016 16:12:42

Khi được theo đuổi những điều bản thân mong muốn, người trẻ sẽ có môi trường và ý chí phát huy tố chất vốn có của bản thân, thay vì ngồi vào chỗ do cha mẹ sắp xếp.

Khi được theo đuổi những điều bản thân mong muốn, người trẻ sẽ có môi trường và ý chí phát huy tố chất vốn có của bản thân, thay vì ngồi vào chỗ do cha mẹ sắp xếp.

Cảm xúc của những người trẻ

“Vì gia đình từng phản đối chuyện học vẽ, trong lúc bức bách, mình đã vay tiền bạn và trốn nhà lên thành phố theo đuổi đam mê" là chia sẻ Hoàng Vũ khi kể về câu chuyện của mình.

Hoàng Vũ sinh ra trong gia đình tri thức. Từ nhỏ, cha mẹ luôn đề cao chuyện học văn hóa. Từ lớp 6 đến lớp 11, Vũ đều là học sinh giỏi.

Lên cấp 3, có cơ hội tiếp xúc với hội họa qua các diễn đàn mạng, chàng trai sinh năm 1998 tìm thấy đam mê thực sự của mình. Suốt năm lớp 11, Vũ thuyết phục gia đình cho theo đuổi nghệ thuật, nhưng không được chấp thuận.

Với niềm đam mê và sự nhiệt huyết tuổi trẻ, chàng trai quyết định lên thành phố theo học, dù không được gia đình đồng ý.
 

Hoàng Vũ từng bỏ nhà vì gia đình cấm theo nghề vẽ. Ảnh: FBNV.

Sau khi mọi thứ ổn định, Vũ gọi điện về xin lỗi và nhận được sự thông cảm từ cha mẹ. Cũng từ đó, gia đình cho phép Vũ chuyển trường lên thành phố để có thể học vẽ song song với văn hóa.

Không chỉ cho rằng con cái khó thành công từ nghề tự do, nhiều bậc phụ huynh còn đặt ra tiêu chuẩn về nghề nghiệp.

“Con nhà người ta làm ngân hàng, doanh nghiệp, cớ sao con lại nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ việc đi hát, biểu diễn thể thao…” là câu hỏi của không ít ông bố, bà mẹ Việt Nam đặt ra cho con mình.

Nguyễn Duy Linh hiện làm công chức nhà nước tại Lào Cai. Đối với chàng trai sinh năm 1992, đây là công việc bản thân chưa từng nghĩ tới.

Linh là con trưởng, cháu đích tôn và được mọi người trong gia đình đặt nhiều kỳ vọng. Từ nhỏ, chàng trai luôn xây dựng cho mình mục tiêu học tập tốt, phấn đấu tham gia và giành nhiều thành tích trong các hoạt động của trường, lớp. Tuy nhiên, đây cũng chính là điều khiến 9X cảm thấy gò bó.

Năng động, có năng khiếu thể thao, hết cấp 3, Linh từng nộp hồ sơ thi vào Đại học Thể dục thể thao. Song ước mơ dang dở khi đây không phải điều mong muốn của cha mẹ. Cả hai đã can thiệp, bắt con trai thi ĐH Lâm nghiệp theo định hướng từ gia đình.

“Thời gian đầu, mình rất hối hận vì không quyết đoán. Song sang năm thứ 2 đại học, mình dần thích nghi với môi trường mới, bởi bản thân cũng yêu thích nghiên cứu cây cối, động vật…” - Duy Linh chia sẻ.

Tuy nhiên, đây không phải rào cản đầu tiên đối với Linh. Hết năm thứ 3, chàng trai từng muốn đi du học ngành Xã hội, Nghệ thuật nhưng tiếp tục vướng phải sự phản đối của phụ huynh. Một lần nữa, Linh tiếp tục phải trì hoãn ước mơ bản thân bằng việc "sống thay cha mẹ".

Hiện tại, dù có bước đầu thành công theo định hướng gia đình, Linh vẫn không thoải mái khi nhắc về nghề nghiệp của mình. Chàng trai tâm sự: "Nhiều khi, mình thấy mình giống như con rối, được bố mẹ đặt sẵn chỗ này, chỗ kia. Có lẽ, đây sẽ không là điểm dừng chân cuối của mình".

Ngoài những trường hợp trên, không ít bố mẹ cho rằng, con cái phải nối nghiệp mình. Không cần biết sở thích của con là gì, việc xây dựng ước mơ cho con nằm chính trên ý muốn từ cha mẹ.

Với trường hợp của Thanh Thủy, bố mẹ là những người làm trong ngành Cảnh sát, nhưng nữ sinh chưa từng nghĩ sẽ chọn công việc này cho tương lai.

Cô gái sinh năm 1993 từng mong muốn theo ngành Kinh tế tại Đại học Ngoại thương. Nhưng với yêu cầu từ gia đình, Thủy đành nộp hồ sơ vào Học viện Cảnh sát.

Sau khi thi đỗ, cuộc sống của cô gái trở nên buồn chán, tẻ nhạt vì phải theo học ngành nghề không yêu thích, cùng sự luyện tập vất vả, khổ cực của những chiến sĩ tương lai.

Không ít lần, nữ sinh hối hận về quyết định nghe lời cha mẹ và mong năm học kết thúc nhanh chóng để có thể thi chuyển trường.

Cha mẹ hãy lắng nghe con mình

Trước thực tế đang diễn ra, Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương - giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, việc cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con là điều nên làm.

Tuy nhiên, họ nên tìm hiểu con cái muốn gì và phân tích đúng sai, ngành nghề nào phù hợp với con, thay vì lựa chọn một công việc bản thân muốn rồi áp đặt vào những người trẻ.

Tiến sĩ Hương phân tích, việc áp đặt con làm theo ý muốn của cha mẹ có thể gây ra sự ức chế từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vô hình chung, cuộc sống của những người buộc phải làm theo, tuân thủ điều bản thân không mong muốn sẽ không có niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn.

Những người như vậy sẽ không có trách nhiệm với công việc đang làm bằng thứ họ thực sự muốn theo đuổi. Họ cũng không có sự cầu tiến trong công việc, thay vào đó là quan niệm "làm cho xong".

"Một trong những nhu cầu sai lầm của phần lớn phụ huynh có công việc ổn định là mong muốn con cái tiếp bước mình. Nếu cha mẹ là người trong nghề, họ chắc chắn có lời khuyên đúng đắn khi con tiếp bước. Song nếu như vậy, người trẻ thụ động quá, họ còn đâu cơ hội phát triển năng lực bản thân" - bà giãi bày.

Trong trường hợp nhiều trường hợp không hài lòng với định hướng của bố mẹ, nhưng khi đi theo sự chỉ dẫn, họ vẫn gặt hái được những thành công nhất định, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, các bạn hãy học cách hài lòng với những gì mình đang có.

"Không phải ai cũng có thể theo đuổi đúng nguyện vọng của mình. Không mong muốn, nhưng nếu làm tốt, bạn hãy học cách trân trọng những gì mình đang có. Nếu không thể đến với điều mình yêu thì hãy học cách yêu cái mình có. Như vậy, cuộc sống của bạn sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều" - tiến sĩ đưa ra lời khuyên.
 
Theo Nhật Ánh (Zing.vn)

Nổi bật