Đường Lên Đỉnh Olympia từ lâu vẫn là sân chơi trí tuệ ưa thích của học sinh phổ thông trên toàn quốc. Thông qua cuộc thi, khán giả không chỉ chứng kiến được những màn so tài cực gay cấn giữa các nhà leo núi mà qua đó cũng tích lũy cho mình kha khá kiến thức, bởi những câu hỏi trong chương trình luôn được đánh giá cao về độ hóc búa.
Chẳng hạn như câu hỏi xuất hiện trong phần thi Về đích, trận quý 3 - năm thứ 21 liên quan tới Vật lý sau đây: Trong truyện "Ăn khế trả vàng", chim thần mách bảo vợ chồng người em trai may túi ba gang để theo chim ra đảo lấy vàng. Giả sử túi ba gang có chiều dài 3 gang, rộng 1 gang, sâu 3 gang và một gang tay dài 20cm. Cho biết khối lượng riêng của vàng là 19,3g/cm3. Hỏi khi túi căng đầy vàng thì số vàng trong túi nặng bao nhiêu kg?
Theo đó, thí sinh đã trả lời đúng và mang về 20 điểm quý giá. Kết quả của bài toán này là 1389.6kg. Cụ thể, lời giải như sau:
V=Dài x Rộng x Sâu= 60 x 20 x 60 = 72000 (cm3)
=> m=V/D=(72.000 x 19.3)/1000=1389.6 (kg)
Tuy nhiên, sau khi tập thi này phát sóng, dân mạng cũng đã có nhận định riêng về bài toán. Theo đó, một số người cho rằng bài toán có nội dung phi logic và thiếu tính thực tế. Bởi lẽ, để vàng kín hết cả thể tích túi ba gang là điều khó có thể xảy ra mà phải có khoảng hở giữa các thỏi vàng, chưa kể yếu tố về chất liệu vải của túi cũng ảnh hưởng đến việc sẽ chứa được bao nhiêu vàng. Một số bình luận của cư dân mạng về câu hỏi trên:
"Trừ phi vàng là chất lỏng, mà cái túi may thì sao đựng được chất lỏng!"
"Còn chất liệu túi co giãn thế nào, mật độ vàng trong túi là bao nhiêu. Nói chung câu hỏi này chưa thể trả lời được!"
"Bài này không có câu trả lời chính xác, vàng khối thì sẽ còn lỗ trống trong túi, không thể ra kết quả chính xác. Vàng lỏng thì hơi lạ, chưa kể chất liệu làm túi nữa, không co giãn thì không có gì để nói, nếu nó có thể co giãn gấp 3 gấp 4 lần, gấp số thực lần thì chịu chết!"
"Tùy hình dạng của vàng chứ. Vàng xếp vào nhau làm sao mà vừa khít, không có khe hở được!"
Theo Vũ Trịnh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)