Bài giảng của cô ngày hôm đó rất được hưởng ứng vì cô đã có những chia sẻ vô cùng gần gũi đối với sinh viên. Xuyên suốt buổi giao lưu, đa phần cô đều nói đến vấn đề về áp lực học hành và cuộc sống, quan niệm của giới trẻ về tình yêu, tình dục và sự tự lập... Tất nhiên, những khía cạnh đó rất dễ thu hút sự quan tâm, chú ý của những người trẻ tuổi nên toàn bộ sinh viên đều tỏ ra vô cùng thích thú và chăm chú nghe giảng, thảo luận.
Đến gần cuối buổi giao lưu, vị giảng viên đi quanh căn phòng rồi chọn vị trí ngay chính giữa để dừng lại. Cô vẫy tay về phía sân khấu giảng đường, một người đàn ông đem đến cho cô ly nước lọc chỉ đầy một nửa.
Tất cả mọi sinh viên đã nghĩ đó sẽ là câu hỏi quen thuộc "Theo các bạn ly nước này là ly nước đầy một nửa hay vơi một nửa". Đây là câu hỏi kiểm tra tính lạc quan của tâm lý con người. Nếu điều bạn nhìn thấy ở ly nước là nó đã đầy một nửa, thì bạn là người lạc quan và tràn đầy hy vọng đối với cuộc sống. Còn những người thấy ly nước đã bị vơi đi một nửa, không còn đầy đủ là những người có xu hướng bi quan hơn trong cuộc sống và gặp khó khăn với những vấn đề xảy ra xung quanh mình.
Thế nhưng vị giảng viên chỉ mỉm cười, đưa ly nước lên cao và hỏi: "Theo các bạn, ly nước này nặng khoảng bao nhiêu?".
Từ bốn phía xung quanh vang lên nhiều câu trả lời khác nhau. Những câu trả lời đó đều đoán rằng trọng lượng của ly nước nằm trong khoảng từ 240ml đến 600ml. Một số sinh viên cho rằng câu hỏi có vẻ không có gì sâu sắc, một số khác thì mong chờ ý nghĩa thực sự nằm sau câu hỏi tưởng chừng như vô nghĩa này của vị giảng viên tâm lý.
Sau khi tín hiệu nhắc nhở sinh viên im lặng được vang lên, vị giảng viên mới từ tốn trả lời: "Trọng lượng chính xác của ly nước này là bao nhiêu, điều đó không quan trọng. Vấn đề ở đây là tôi phải giữ nó trên tay bao lâu. Nếu tôi chỉ cầm nó trong vòng một phút, chẳng có chuyện gì xảy ra cả".
Sinh viên trong giảng đường bất đầu ồ lên và tiếp tục thảo luận ồn ào.
"Để tôi nói tiếp", vị giảng viên đưa tay ra hiệu im lặng: "Nếu tôi giữ ly nước trong suốt một tiếng đồng hồ, cánh tay của tôi sẽ bắt đầu mỏi nhừ và đau nhức. Tiếp đến, nếu tôi giữ nó trong vòng 1 ngày trời không buông, tay của tôi sẽ dần dần bị tê liệt và không thể cử động được nữa. Trong từng trường hợp tôi vừa nêu trên, trọng lượng của ly nước này chẳng hề thay đổi. Nhưng nếu tôi giữ nó càng lâu, thì ly nước sẽ càng nặng".
Toàn bộ sinh viên đều im lặng và giữ cho riêng mình một suy nghĩ. Vị giảng viên đã để bầu không khí chìm trong yên ắng khoảng năm phút rồi giải thích tiếp:
"Những áp lực, âu lo và căng thẳng mà bạn có trong cuộc sống cũng giống hệt ly nước này. Nếu bạn nghĩ ngợi về chúng trong một phút, bạn sẽ cảm thấy nó chẳng có gì lớn lao hay to tát. Nghĩ về nó nhiều hơn một chút, bạn sẽ bắt đầu lo lắng và mệt mỏi. Và nếu bạn dành cả một ngày trời chỉ để nghĩ ngợi về nó, tâm trí của bạn sẽ bị "tê liệt" khiến bạn không thể làm được bất cứ chuyện gì khác nữa. Bất cứ lúc nào cảm thấy áp lực và mỏi mệt trong cuộc sống này, hãy nhớ đến câu chuyện ly nước để tìm được cách quẳng gánh lo đi mà sống".
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, chúng ta hãy đặt những gánh nặng, trách nhiệm mà bản thân đã phải chịu đựng suốt một ngày dài sang một bên. Đừng đem những áp lực về gánh nặng đó vào giấc ngủ thư giãn duy nhất mà mình có trong ngày.
Bản thân mỗi người chúng ta đều đã phải chịu đựng nhiều áp lực, lo toan lắm rồi nên khi một ngày sắp kết thúc, chúng ta không cần phải tiếp tục "cầm ly nước trên tay" nữa. Trước khi nhắm mắt và đi ngủ mỗi đêm, hãy nhắc nhở chính bản thân: "Đặt ly nước trên tay xuống rồi hãy đi ngủ".
Cuộc đời tạo áp lực và mệt mỏi cho bạn, nhưng bạn mới chính là người quyết định sẽ kéo dài hay chấm dứt nó càng sớm càng tốt. Chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết, đầu tiên hãy để đầu óc mình được thư giãn, rồi bạn cũng sẽ buông bỏ được những áp lực, căng thẳng mà cuộc đời đã đặt ra để thử thách bạn mau thôi.
Theo Nguyễn (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)