Ly cà phê được làm từ bánh cookie và chocolate trắng... do chàng trai trẻ Trần Thanh Tùng khởi xướng đã tạo thu hút và là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều khách hàng trẻ ở Sài Gòn.
Tùng cho biết, nhận thấy bản thân yêu thích marketing nên sau khi ra trường năm 2010, anh bắt đầu làm nhiều vị trí liên quan như Marketing Support, Breakthrough Power, Marketing Manager tại một tổ chức phi chính phủ, cùng bạn bè khởi nghiệp ở vị trí Marketing Manager - Co Founder cho dự án Flashcard Blueup hay Trợ lý quản lý thương hiệu cho Orion - Choco Pie. Nhờ làm nhiều việc cùng lúc đã tạo điều kiện cho Tùng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và hiểu rõ bản thân mình cần gì, muốn gì.
Chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Tùng.
Năm 2014, anh được nhận vào vị trí phó trưởng phòng tại một công ty lớn với mức lương gần 30 triệu một tháng. Nhưng rồi sau một thời gian làm việc, Tùng nhận thấy bản thân không hợp với giá trị công ty và bắt đầu nảy ra ý định tìm cho mình hướng đi riêng. Con đường ấy đã dần lộ rõ trước mắt chàng trai trẻ kể từ khi dự án cà phê “nghĩ điên làm chất” mang tên MIB - Monkey in Black Coffee ra đời vào tháng 8/2014.
Với cái tên được lấy ý tưởng từ bộ phim nổi tiếng Men in Black, Tùng mong muốn gửi đến thông điệp về giấc mơ sống chất, như trong phim, những con người tưởng chừng như bình thường nhưng đằng sau cánh cửa là những cá nhân vô cùng xuất chúng mang lại nhiều điều mới mẻ và cứu rỗi cho cuộc đời.
Chia sẻ lý do quyết định khởi nghiệp này, Tùng cho biết, bản thân anh nghĩ "con người sống nay chết mai" không biết đâu mà lần. Do đó, ngay hôm nay anh phải làm cái gì cho thoả niềm đam mê. Và việc mở MIB cùng người đồng sự đã cho anh ba cái "đã". Thứ nhất là cá nhân Tùng rất thích cà phê; Thứ hai là anh thích chia sẻ, xây dựng cộng đồng các bạn trẻ "nghĩ điên làm chất" và cuối cùng là muốn cuộc sống do mình làm chủ, muốn làm gì thì làm.
Với lợi thế đi làm nhiều năm cùng một vài dự án khởi nghiệp trước, anh nhận thấy bản thân mình đã phần nào tích lũy được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để tạo nền tảng tốt trước khi chính thức bước vào cuộc đua của chính mình.
Thêm vào đó, sự trải nghiệm một năm gap – year (quyết định “nghỉ giữa hiệp” trong một quá trình làm việc, cho phép tìm đến những kế hoạch khác biệt) với cà phê cùng sự hỗ trợ tận tình từ người bạn thân đã giúp anh tự tin trong dự án khởi nghiệp này.
Thuận lợi là thế, tuy nhiên bất kể doanh nghiệp nào khi mới bắt đầu đều có những khó khăn nhất định. Với quán của Tùng cũng không ngoại lệ. Thời gian ba tháng đầu hoạt động, do chi phí quá cao từ vật liệu làm sản phẩm, lương thưởng cho nhân viên khiến quán hụt thu. Lúc ấy, có thời điểm anh tưởng chừng chỉ còn hai tuần nữa là sẽ đóng cửa vì mất khả năng tài chính.
Nhưng rồi ý tưởng "cà phê nhai luôn ly" - tức vỏ ly đựng cà phê được làm bằng bánh cookie và chocolate trắng, khi uống xong là có thể ăn luôn phần ly, bắt đầu xuất hiện (do nhóm sáng tạo ra) đã trở thành yếu tố quyết định quán tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh đó, nhóm Tùng đã không quản ngại vất vả, làm việc ngày 18 tiếng với mong muốn đưa quán phục hồi. "Thời gian đó, mình luôn gặp áp lực vì lượng công việc quá lớn. Nhưng cũng chỉ biết tự trấn an bản thân bằng những suy nghĩ như dù chuyện gì xảy ra đi nữa thì đời vẫn đẹp, ta vẫn điên và đời ta luôn chất...”, Tùng nhớ lại.
Cà phê nhai luôn ly do MIB khởi xướng đang thu hút nhiều khách hàng trẻ.
Tùng và các cộng sự đã trải qua nhiều giai đoạn gian truân khác nhau từ hình thành ý tưởng, mong muốn tạo thành một thương hiệu giống tính cách chủ, rồi bước vào giai đoạn vật vã ra mắt, sau đó là thời kỳ thiếu tiền đến quyết định sống hay chết; giai đoạn phát triển và cuối cùng là giai đoạn tái quản lý dưới dạng hệ thống, củng cố nhân sự...
Sau những khúc quanh co ấy, Tùng và những người bạn đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trên con đường chinh phục giấc mơ “điên” khi vinh dự giành giải Ý tưởng sáng tạo nhất của cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do BSSC (Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc Thành Đoàn TP HCM) tổ chức. Đây là cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất 2015 với sự tham gia của hơn 10.000 khởi nghiệp viên với trên 5.000 đơn tham dự chương trình trên khắp cả nước. Từ đó, quán của anh cũng được chú ý và thu hút giới trẻ nhiều hơn.
Theo Tùng, lý do MIB thắng giải cũng như hút được giới trẻ bởi luôn có những sản phẩm sáng tạo. Cứ một tuần là gần như sẽ có một lần nhóm đưa ra sản phẩm mới. Trong đó, những sản phẩm có tính lan truyền cao như: Huyền thoại nhai luôn ly; Đá đổi vị - đá thay đổi vị của ly nước trong quá trình uống - hoàn toàn tự nhiên; Uống luôn xô - Trào lưu ăn xô uống tô trong giới trẻ hiện giờ là do MIB khởi xướng vào cuối năm 2014. Hay như bánh cầu vồng - bánh 6 màu ủng hộ người đồng tính - LGBT; Nhai luôn chậu cây - Lời tiên tri: Bánh nhìn y như chậu cây, bên dưới có lời sấm truyền về vận mệnh; Chương trình xã hội "No Bra No Pay" - nâng cao nhận thức về ung thư vú; Cà phê ôm" - Ôm nhau đi vì cuộc đời cho phép...
Với số vốn 700 triệu đồng ban đầu để cho ra quán cà phê MIB đầu tiên tại TP HCM, sau hơn một năm đi vào hoạt động, giờ nhóm của Tùng đã có thêm quán thứ hai với lượng khách ngày càng đông. Hiện nay, mỗi ngày quán của Tùng bán từ 200 đến 400 ly cà phê và mang về doanh thu khá lớn. Bí quyết kinh doanh của chàng trai trẻ nằm trong chính slogan của quán "nghĩ điên làm chất".
Theo Tùng, để làm cà phê thành công, công thức của anh rất đơn giản: Khách hàng là tầng lớp nào? Đồ uống hoặc món ăn phải ngon. Chỗ ngồi tốt, vệ sinh, mát mẻ. Ngoài ra phải có thứ gì lạ? Bài toán ở đây “lạ” là gì?”...
Tùng chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng để MIB phát triển cho đến thời điểm hiện tại là con người. Anh rất may mắn khi có người đồng sự giỏi - một nữ giám đốc kinh doanh của các công ty lớn, có kinh nghiệm 10 năm quản trị các dự án tầm cỡ có giá trị trên 100 triệu USD trên mỗi dự án. "Chính điều này giúp quán có thể tạo lập những hướng đi chiến lược để làm nên sự khác biệt trong cộng đồng", Tùng nói.
Trong tương lai, chàng trai trẻ sinh năm 1988 này mong muốn xây dựng càng nhiều câu lạc bộ “nghĩ điên làm chất” để tạo thật nhiều giá trị cho đời sống.
Theo Hạnh Nguyễn (VnExpress.net)